Lãnh đạo Vinacomin cũng cho biết , Tập đoàn sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt tái cơ cấu, tinh giản lao động. Theo đó, cả năm 2016 dự kiến giảm khoảng 4.000 lao động.
Ảnh minh họa.
Cắt giảm 4.000 lao động trong năm 2016
Tại Hội nghị sơ kết công tác quý III, 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ quý IV/2016 mới đây, ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết, 9 tháng đầu năm, doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 71.460 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ 2015. So với kế hoạch cả năm đề ra, Vinacomin hiện mới hoàn thành 65% kế hoạch.
Trong khi đó, sản lượng khai thác đều thấp hơn cùng kỳ. Trong đó, than nguyên khai sản xuất đạt 26,7 triệu tấn, giảm 6% so với cùng kỳ và hoàn thành 67% kế hoạch đề ra. Than sạch đạt 25,5 triệu tấn, bằng 70% kế hoạch đề ra, giảm 5% so cùng kỳ.
Than tiêu thụ đạt 25,5 triệu tấn, bằng 67% kế hoạch năm và giảm 3% so cùng kỳ; trong đó than tiêu thụ trong nước đạt 25,1 triệu tấn, tương đương cùng kỳ và hiện đã hoàn thành 68% kế hoạch. Một số chỉ tiêu lĩnh vực sản xuất của khoáng sản, điện, hóa chất mỏ, cơ khí… có sự tăng trưởng.
Lãnh đạo Vinacomin cũng cho biết, Tập đoàn sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt tái cơ cấu, tinh giản lao động. Theo đó, cả năm 2016 dự kiến giảm khoảng 4.000 lao động. Số lượng lao động tính đến cuối quý II/2016 của Vinacomin là 115 nghìn người.
Sang quý IV/2016, Vinacomin đặt kế hoạch than nguyên khai sản xuất 7,5 triệu tấn; than tiêu thụ 9,5 triệu tấn, phấn đấu cả năm tiêu thụ trên 35 triệu tấn.
Vì đâu nên nỗi?
Trong báo cáo về 54 mặt hàng nhập khẩu lớn về Việt Nam của Tổng cục Hải quan trong 8 tháng qua, mặt hàng than đá có tốc độ nhập khẩu tăng cao đột biến về cả lượng và giá trị.
Cụ thể, trong 8 tháng, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 9,7 triệu tấn than, đạt giá trị kim ngạch hơn 600 triệu USD. Tính ra, mỗi tháng Việt Nam đã phải nhập 1,2 triệu tấn, tương ứng khoảng hơn 75 triệu USD/tháng. Trước đó, cả năm 2015, Việt Nam chỉ phải nhập 500.000 tấn than về phục vụ nhu cầu trong nước.
Theo Tổng cục Hải quan, mặc dù giá trị và khối lượng than nhập khẩu không lớn bằng các mặt hàng như xăng dầu, máy móc linh kiện, điện thoại... nhưng tốc độ tăng của mặt hàng này so với cùng kỳ năm trước đều vượt 100%, trong đó về khối lượng nhập khẩu tăng 191%, giá trị kim ngạch nhập khẩu cũng hơn 107% so với cùng kỳ năm 2015.
Chỉ mới 5, 6 năm trước, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia xuất khẩu than lớn. Việc xuất khẩu một cách ồ ạt nguồn tài nguyên được coi là vàng đen này với giá rẻ khi đó đã được nhiều chuyên gia cảnh báo trong tương lai gần sẽ phải nhập khẩu lại.
Và cảnh báo này giờ đây đã trở thành hiện thực. Từ năm 2013, than đã bắt đầu xuất hiện trong danh sách những mặt hàng phải nhập khẩu trong thống kê của Tổng cục Hải Quan.
Nguyên nhân không phải do nguồn tài nguyên đã cạn kiệt, bởi theo Báo cáo hồi giữa năm của tập đoàn Than khoáng sản cho thấy vẫn còn tồn kho gần 10 triệu tấn than không bán được.
Trong khi đó, trong một phát biểu mới đây, lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay, với nguồn tài nguyên khai thác hiện tại dự kiến thời gian khai thác than còn kéo dài “vài trăm năm nữa”.
Theo nhiều chuyên gia trong ngành, do giá than sản xuất trong nước cao hơn giá than nhập rất nhiều. Theo đó, nhiều doanh nghiệp trong nước chọn cách nhập khẩu từ nước ngoài thay vì mua than của Vinacomin.
Bên cạnh đó, chính Vinacomin cũng phải phải nhập than giá rẻ về trộn với than sản xuất để mang đi bán.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc tháo gỡ khó khăn cho Vinacomin.
Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì phối hợp với các Bộ: Tài chính, TN&MT, KH&ĐT và các cơ quan liên quan xem xét, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho tập đoàn này. Trong đó lưu ý các chính sách về các loại thuế liên quan tới ngành than trong giai đoạn khó khăn để bảo đảm cạnh tranh, giữ vững thị trường và năng lực sản xuất của ngành than.
Về thị trường tiêu thụ than, Phó thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, TN&MT, KH&ĐT đề xuất cơ chế xuất khẩu than cho giai đoạn 5 năm 2016-2020 để ngành than chủ động điều hành sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh; Đồng thời, khuyến khích các hộ sử dụng than trong nước để giảm tồn kho, sử dụng hiệu quả tài nguyên quốc gia, ổn định việc làm, an sinh xã hội trên địa bàn.
Trần Thúy / BizLIVE