Mặc dù thị trường thép vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực, năm 2017 ngành thép đã gặt hái được nhiều thành công với sự tăng trưởng 20,7% so với năm 2016.
Ảnh minh họa |
Những con số ấn tượng
Ông Nguyễn Văn Sưa- Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, kết thúc năm 2017, sản xuất thép của các doanh nghiệp (DN) là thành viên của VSA đạt 21,062 triệu tấn, tăng 24,3% so với năm 2016. Trong đó, tiêu thụ đạt gần 18 triệu tấn, tăng 20,7% so với năm 2016; xuất khẩu đạt 3,75 triệu tấn, tăng trên 34% so với năm 2016. Đáng chú ý, xuất khẩu thép xây dựng trong năm 2017 đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 62% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, Việt Nam từ trước tới nay là nước vẫn thường phải nhập khẩu phôi thép, nhưng nay đã xuất khẩu được trên 300.000 tấn phôi trong năm 2017, đây là bước tiến dài- thể hiện năng lực của ngành công nghiệp thép trong nước đã giảm dần lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu mà còn xuất khẩu, dần làm chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào cho cán thép.
Một niềm vui nữa cho thấy, tổng các sản phẩm thép nhập khẩu trong năm 2017 cũng đã giảm khoảng 14% so với cùng kỳ năm 2016. Thể hiện DN thép trong nước không chỉ chứng minh về chất lượng đối với khách ngoại trong việc xuất khẩu, mà nhiều DN đã chú trọng hơn đến thị trường trong nước, bằng việc chú trọng đầu tư, đổi mới, áp dụng công nghệ hiện đại hơn nhằm giảm thiểu tiêu hao nguyên, nhiên liệu đầu vào để có giá thành thép cạnh tranh. Đồng thời, ngày một nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng các đại lý cũng như có nhiều chế độ quan tâm, hậu mãi tới khách hàng, trong đó phải kể tới một số DN điển hình như: Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam - Vnsteel, Công ty CP Tôn mạ Vnsteel Thăng Long, Công ty CP Tôn Đông Á, Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung, Công ty Liên doanh SX Thép Vinausteel, Công ty CP Thép Việt Ý, Công ty CP Tôn Đại Thiên Lộc…
Năm 2018- tiếp đà năm cũ
Đánh giá tình hình thị trường thép năm 2018, ông Nguyễn Văn Sưa cho rằng, tiếp đà năm 2016, 2017 tăng trưởng cao, 2018 dự kiến tăng trưởng của ngành thép đạt từ 20% đến 22%. Sỡ dĩ có được con số tăng trưởng đó là DN thép trong nước đã rất nỗ lực, đồng thời các công trình xây dựng cũng được triển khai nhiều, giúp cho lượng thép tiêu thụ tăng trưởng tốt.
Tăng trưởng là vậy, nhưng khó khăn đối với ngành thép vẫn luôn gặp phải bởi phần lớn nguyên liệu như than, cốc, phế… nhập khẩu từ nước ngoài nên phụ thuộc về giá, cùng với đó là DN phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm xuất khẩu.
Ý thức được khó khăn đó, để tiếp tục dành được thắng lợi trong năm 2018 và những năm tiếp theo, nhiều DN sản xuất thép trong nước đã tích cực đổi mới công nghệ, môi trường… để giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu đầu vào, có giá thành hấp dẫn, tạo được chỗ đứng vững chắc đối với khách hàng trong và ngoài nước.
Kim Tuyến / baocongthuong