Xuất khẩu thủy sản vừa lo đáp ứng quy tắc xuất xứ nguyên liệu, vừa lo thoát “thẻ vàng” IUU để tận dụng ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
EVFTA sẽ đem lại tiềm năng thị trường lớn cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Có dễ tận dụng lợi thế?
Ngày 8/6, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn EVFTA. Hiệp định này dự kiến có hiệu lực trong tháng 8/2020.
Trong bối cảnh Covid-19, nhiều ngành hàng lớn của Việt Nam đang trông chờ EVFTA đi vào thực thi để có thêm cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường.
EU là một trong 3 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu thủy sản sang thị trường này ổn định ở mức trên 1,3 tỷ USD mỗi năm trong 5 năm qua (2015 - 2019), chiếm 15-17% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
EVFTA sẽ đem lại tiềm năng thị trường lớn cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Dự kiến xuất khẩu mặt hàng này vào EU sẽ tăng với tốc độ trung bình 2%/năm trong giai đoạn 2020-2030. Song, nhiều khó khăn cả ngắn và dài hạn, cùng hàng rào phi thuế quan từ EU là những thách thức rất lớn. Theo đánh giá của Dự án EU-Mutrap, có không ít trở ngại trong việc tận dụng lợi thế từ EVFTA.
Việt Nam hiện đứng thứ 3 thế giới về sản lượng nuôi trồng thủy sản, song do tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm mặn, sự cố môi trường biển… khiến việc thu hoạch không được như mong muốn, sản lượng không đủ đáp ứng công suất chế biến.
Do nguyên liệu trong nước chỉ cung cấp khoảng 40 - 45% công suất chế biến, hàng năm phải nhập khẩu tới cả tỷ USD nguyên liệu, nhất là tôm. Chưa kể, hệ thống cung cấp nguyên liệu nội địa phân tán, khó truy xuất nguồn gốc xuất xứ, khiến việc đáp ứng yêu cầu chất lượng của EU càng khó.
Phụ thuộc nguyên liệu đầu vào quá lớn, thì cơ hội được ưu đãi thuế càng ít, cho dù có đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng để vào EU.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, nếu doanh nghiệp sử dụng tôm nguyên liệu nhập khẩu từ Ấn Độ, Ecuador… về chế biến hàng xuất khẩu để xuất sang EU, thì sẽ không được giảm thuế.
Trở ngại “thẻ vàng”
Cùng với giải bài toán nguyên liệu, xuất khẩu thủy sản còn một nhiệm vụ nặng nề là phải thoát “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) từ năm 2017. Thẻ vàng mà EC áp đối với hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này vì chưa đáp ứng Quy định Chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, việc không nhanh chóng gỡ bỏ thẻ vàng sẽ gây ra nhiều tác động xấu, ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu hải sản sang EU, sau đó sẽ sớm ảnh hưởng đến thị trường Mỹ và các thị trường tiềm năng khác.
Theo đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, bị dính thẻ vàng cũng đồng nghĩa với một loạt hệ lụy. Dễ thấy nhất là xuất khẩu thủy sản sang EU sẽ giảm, các khách hàng rất e ngại việc bị phạt theo quy định IUU của EC, nên sẽ hạn chế hoặc ngừng mua hàng.
Tên quốc gia bị cảnh báo sẽ được công khai trên các tạp chí và website chính thức của EU. Điều này không chỉ làm xấu hình ảnh quốc gia, mà còn ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của ngành hải sản.
Ông Dương Viết Hoài, Phó tổng giám đốc Công ty Baseafood (Vũng Tàu) cho rằng, thẻ vàng là lực cản lớn nhất đối với việc xuất khẩu hải sản Việt Nam vào EU trong 2 năm qua và thời gian tới. Chi phí xuất khẩu vào EU tăng cao, khiến hải sản Việt Nam khó cạnh tranh với các nước khác và dần mất ưu thế về thị phần.
Số liệu của VASEP cho biết, sau 2 năm EC cảnh báo thẻ vàng với hải sản khai thác của Việt Nam, xuất khẩu hải sản sang thị trường này đã giảm 6,5%, còn gần 390 triệu USD trong năm 2018 và gần 372 triệu USD trong năm 2019.
So với năm 2017, xuất khẩu hải sản sang EU năm 2019 giảm 10,3%, trong đó giảm sâu nhất là mực, bạch tuộc (-37%). Từ vị trí thứ hai trong các thị trường nhập khẩu hải sản Việt Nam, sau thẻ vàng, thị trường EU đã xuống vị trí thứ 5 và tỷ trọng thị trường sụt giảm từ 18% xuống 13%.
“Nhiều khách hàng e ngại việc bị phạt theo quy định chống khai thác IUU của EC, nên giảm hoặc ngừng nhập khẩu hải sản Việt Nam”, ông Nam thông tin.
Ngoài ra, trong thời gian bị thẻ vàng, 100% container hàng hải sản xuất khẩu từ nước bị thẻ vàng sang EU bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác. Việc kiểm tra sẽ khiến vận chuyển mất thêm thời gian, thậm chí tới 3-4 tuần/container. Chi phí cho kiểm tra nguồn gốc là khoảng 500 bảng/container, chưa kể phí lưu giữ cảng và hệ lụy kinh doanh của đối tác khách hàng. Nhưng rủi ro nhất là tỷ lệ lớn các container hàng sẽ bị từ chối, trả lại, gây tổn thất nặng nề.
“Tổn thất cho việc xuất khẩu hải sản từ Việt Nam sang EU khi bị thẻ vàng, tính trung bình có thể lên đến 10.000 euro/container”, đại diện VASEP cho biết.