Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, số DN đăng ký nhiều nhưng duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả lại ít. Thực tế này khiến việc tìm giải pháp hỗ trợ DN phát triển là đòi hỏi cấp thiết.
Cần tạo môi trường bình đẳng giữa các doanh nghiệp
Tại Hội nghị gặp mặt tuyên dương các nhà đầu tư, DN tiêu biểu do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh cho biết, tính đến hết tháng 6/2016, trên địa bàn đã có gần 15.200 DN đăng ký kinh doanh, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân của 1 DN là 4,12 tỷ đồng (cả nước là 7,84 tỷ đồng). Đáng lo ngại, trong số gần 15.200 DN, chỉ có 9.000 DN hoạt động. Khối DN đóng góp cho ngân sách mỗi năm 2.677 tỷ đồng nhưng 22 DN đã đóng được 1.489 tỷ đồng (hơn 50%). Thực tế này cho thấy, DN của tỉnh rất nhiều nhưng nhỏ về quy mô, kém phát triển.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh thẳng thắn đặt câu hỏi: “Nguyên nhân có phải do nhà nước, chính quyền hay cấp ủy Nghệ An? Do điều kiện tự nhiên xã hội như hạ tầng, kỹ thuật… cản trở đến sự phát triển của DN? Hoặc có phải do chính DN?”.
Ông Trương Quốc Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Thiện Mỹ - thừa nhận, DN trên địa bàn hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế về quản trị, quản lý lao động… DN chỉ mở rộng quy mô nhưng lại không nâng cao kiến thức. Cũng theo ông Tuấn, tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 nêu rõ mọi thành phần kinh tế đều được tiếp cận nguồn lực của nhà nước, bình đẳng với nhau. Tuy nhiên, hiện DN tư nhân tiếp cận nguồn lực nhà nước cực kỳ khó khăn. Ngoài ra, việc cho thuê đất cũng không minh bạch, mỗi DN một giá. Do đó, ông Tuấn đề nghị cần minh bạch giá cho thuê đất.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện nhiều DN khác cũng mong muốn, chính sách đối với DN phải bình đẳng, tránh tình trạng, “người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra”.
Ông Phan Thanh Miễn - Chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa Nghệ An - hiến kế: Tỉnh không nên sử dụng quỹ đất đã thu hồi để làm nhà ở tư nhân, cần tiết kiệm, ưu tiên quỹ đất để làm hạ tầng, giúp DN phát triển.
Về cải cách thủ tục hành chính, ông Trần Anh Sơn - Phó Chủ tịch thường trực Hội DN tiêu biểu Nghệ An - cho rằng, cơ quan chức năng tỉnh cần đẩy nhanh công tác này, giúp DN đỡ mất thời gian, chi phí.
Trước kiến nghị của DN, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh chỉ đạo các sở, ban, ngành phải công khai quy hoạch tại các điểm công cộng và UBND tỉnh để kêu gọi DN và người dân cùng vào tham gia. “Cấp ủy, chính quyền cam kết với các DN sẽ dần tạo ra môi trường thật sự công bằng, bình đẳng. Doanh nghiệp cứ yên tâm hoạt động” - ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.
Tỉnh Nghệ An phấn đấu đến năm 2020 có 20.000 DN hoạt động. Bình quân hàng năm, DN giải quyết việc làm cho khoảng 35.000-37.000 lao động; đóng góp trên 70% thu ngân sách. |
Hoàng Trinh / baocongthuong.com.vn