Phát triển du lịch cộng đồng đang là hướng đi của miền Tây xứ Nghệ. Hiện, mô hình này đang khá mới mẻ nhưng cũng đầy tiềm năng trong việc xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương.
Một buổi đãi khách bằng món ăn truyền thống của đồng bào Thái tại gia đình chị Lô Thị Hoa
So với nhiều điểm du lịch khác, du lịch cộng đồng Con Cuông có nhiều lợi thế mà ưu điểm rõ nhất là sự thuần túy, tự nhiên, chưa bị “du lịch hóa”. Ở đây có thác khe Kèm, sông Giăng, khu rừng săng lẻ, khe nước Mọc, đập Phà Lài là những điểm nghỉ mát hoàn toàn tự nhiên. Du khách khi đi thăm và ở lại các bản như bản Nưa, bản Bảo Thành, bản Thái Hòa, bản Làng Xiêng của 4 xã: Bồng Khê, Yên Khê, Lục Dạ, Môn Sơn có cảm giác được hòa vào cuộc sống bình dị của đồng bào Thái, được nghe hát dân ca, uống rượu cần và thưởng thức các món ăn đặc sản. Khách du lịch, nhất là khách nước ngoài thích hình thức du lịch vừa có tính trải nghiệm, du lịch “phượt”, vừa có được những trải nghiệm thú vị. Ông Nguyễn Xuân Nam - Trưởng phòng Văn hóa huyện Con Cuông - cho biết: Sau gần 5 năm triển khai, đến nay đã có khá nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan Pù Mát và nghỉ lại theo mô hình du lịch cộng đồng. Đa phần đều chọn chuyến tham quan xung quanh Vườn quốc gia Pù Mát… Đây là mô hình rất đặc sắc và riêng biệt. Nếu phát huy được, về lâu dài sẽ là thế mạnh của Con Cuông và của tỉnh Nghệ An.
Lâu nay, du khách vẫn tìm đến với miền Tây xứ Nghệ để khám phá những thắng cảnh đẹp như thác Khe Kèm, đập Phà Lài, sông Giăng mà không biết rằng nơi đây còn có 3 điểm đến hấp dẫn đặc biệt. Đó chính là hang Thắm Nàng Màn, bia Ma Nhai, đền Khe Sặt. Chúng không chỉ là những địa điểm kỳ thú mà còn có giá trị cao về lịch sử và văn hóa. Con Cuông là huyện miền núi cao được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh lam thắng cảnh tạo nên vẻ đẹp sơn thủy hữu tình. Đây cũng là chiếc nôi lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái. Những phong tục, tập quán đặc sắc, các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực, trang phục, kiến trúc nhà sàn… của bà con nơi đây đã thu hút sự quan tâm của khách du lịch đến từ trong và ngoài tỉnh. Ước tính, mỗi năm, lượng khách tới thăm quan huyện tăng bình quân trên 10%. Một trong những địa điểm đầu tiên phải kể đến đó là bản Nưa (xã Yên Khê, huyện Con Cuông). Bà con bản Nưa đã biết tận dụng thế mạnh về du lịch cộng đồng để gắn kết đưa nghề dệt của bản đi lên sau một thời gian dài trầm lắng. Từ khi có các đoàn du lịch đến thăm quan, nhiều du khách khi được xem các sản phẩm dệt thổ cẩm của bản Nưa, hào hứng diện thử bộ váy và muốn được hướng dẫn để tự tay dệt. Đồng thời, các du khách còn mua nhiều sản phẩm của bà con nơi đây như chân váy, khăn quàng, túi xách…để làm quà cho người thân.
Cùng với mô hình du lịch cộng đồng, Nghệ An đang triển khai chương trình bảo vệ Vườn quốc gia Pù Mát nhằm ngăn chặn các hành động phá hoại môi trường sinh thái; thực hiện đủ, đúng các nguyên tắc của du lịch vùng biên để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái; tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân địa phương. |
Ngôi nhà sàn của chị Lô Thị Hoa ở bản Nưa là một trong những ngôi nhà còn nguyên những nét truyền thống của dân tộc Thái. Cái “duyên” làm du lịch của chị Hoa bắt đầu từ một bữa ăn, chị nhớ lại: “Hôm đó có khách dưới xuôi lên, trưởng bản có nhờ tôi nấu ăn đãi khách. Thú thực tôi chẳng biết người Kinh họ thích ăn gì nên tôi chọn các món đặc sản của người Thái. Rất bất ngờ, trong đoàn có một người khách nước ngoài, họ đặc biệt thích cách đón tiếp, mời khách của bà con chúng tôi. Khi về nước, họ gửi thư qua Ban quản lý rừng quốc gia Pù Mát muốn chọn nhà tôi là một trong những điểm để làm du lịch cộng đồng”.
Bên cạnh thưởng thức các món ăn địa phương và những giai điệu dân ca, múa xòe, múa quạt, múa lăm vông của đồng bào Thái, việc thăm quan làng dệt cũng là trải nghiệm thú vị đối với nhiều người. Địa điểm tiếp theo là bản Khe Rạn (xã Bồng Khê) hiện có 162 hộ đều là đồng bào dân tộc Thái, trong bản còn lưu giữ gần 150 ngôi nhà sàn mang giá trị cao về thẩm mỹ và văn hóa. Từ khi biết đến hình thức du lịch cộng đồng, bà con nơi đây rất nhiệt tình tham gia. Chính người dân trong bản đã thành lập ra các nhóm, hội để phụ trách các nội dung như nấu ăn, múa hát… Hoạt động này không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn giúp người dân hiểu và trân trọng những bản sắc văn hóa của chính cộng đồng mình.