Gần 5 năm trở lại đây, xe đạp, xe máy điện thành phương tiện đi lại khá quen thuộc, đặc biệt là với đối tượng học sinh, sinh viên và người có tuổi tại Nghệ An. Tuy nhiên, xung quanh loại xe được cho là thân thiện với môi trường này, cũng còn nhiều chuyện đáng bàn.
Học sinh đi xe đạp điện trên đường Lê Hồng Phong - TP. Vinh |
Anh Nguyễn Văn Hải, Chủ một đại lý xe đạp điện HK bike ở TP. Vinh, cho biết: “Hiện trên thị trường Thành phố Vinh, xe đạp điện khá nhiều. Tuy vậy lượng xe trôi nổi không ít”. Điều này, gây rất nhiều khó khăn cho những xe chính hãng bởi giá thành của các loại xe trôi nổi thường thấp, mẫu mã đa dạng, bắt mắt hơn những xe có thương hiệu.
Anh Hải vừa dẫn phóng viên đi xem các mẫu xe, vừa khẳng định: “Làm gì có xe liên doanh Đài Loan, xe Nhật Bản thì càng hiếm. Tất cả đều là xe “Tàu” (Trung Quốc). Chỉ có xe Tàu loại tốt hay không mà thôi”. Tại cửa hàng này, có 1 mẫu XĐĐ nhãn hiệu Honda (HDE 141) treo giá 10 triệu đồng, 4 mẫu khác đều chung nhãn hiệu Yamaha các đời, giá từ 9-9,5 triệu đồng. Theo lời anh Hải, xe đạp điện thường có 4 cục pin, bảo hành 6 tháng, riêng thân và khung xe bảo hành 1 năm. Tuy nhiên, nếu pin hỏng, phải mua mới hết 2 triệu đồng.
Dạo quanh một vòng các tuyến phố Trần Phú, Quang Trung, Lê Lợi (Nghệ An)… thấy có rất nhiều nhãn hiệu xe đạp điện các loại, trong đó hiệu Yamaha nhiều nhất (154 mẫu xe), đến Honda (36 mẫu), nhãn hiệu xe Giant (nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc cũng có 35 mẫu). Tiếp đó là các nhãn hiệu Bridgestone với 22 mẫu, Hitasa 25 mẫu, Dayyang 13 mẫu... Đặc biệt, nhiều nhãn hiệu chỉ có duy nhất 1 mẫu như Davinci (giá chỉ trên 3 triệu đồng), hoặc xe Kamora cũng không có nguồn gốc xuất xứ có giá tương tự. Rồi các nhãn hiệu Lying, Makita, Manbo... đều chỉ có duy nhất 1 mẫu với nguồn gốc hết sức mù mờ.
Có 4 nhãn hiệu xe đạp điện mang tên Việt là Tam Kỳ, Phượng Hoàng, Thống Nhất và Nam Á. Ngoài nhãn hiệu xe đạp điện Thống Nhất có nguồn gốc rõ ràng sản phẩm đã xuất khẩu ra một số nước, các thương hiệu còn lại đều là những tên tuổi rất mới và lạ trên thị trường. Các nhãn hiệu này cũng chỉ trình làng từ 1-4 mẫu xe.
Nếu nhìn từ góc độ giá cả, cũng dễ dàng nhận thấy sự chênh lệch về chất lượng giữa các loại xe. Đáng nói là không phải cứ xe có thương hiệu tên tuổi thì có giá cao. Xe đạp điện Giant có giá hầu hết trên 11 triệu đồng, nhãn hiệu quen thuộc Yamaha hầu hết có giá dưới 10 triệu đồng, nhãn hiệu Jili giá 10 triệu đồng trở lên. Xe đạp điện nhãn hiệu Honda - thương hiệu rất nổi tiếng của Nhật Bản -có những mẫu như HDC 16A giá chỉ có 7,2 triệu đồng. Các thương hiêu khác như xe đạp điện Asama A-36 giá chỉ 3,5 triệu đồng, Con cá Manbo giá 4,5 triệu đồng,...
Sự “hỗn loạn” về giá của các loại xe khiến khách hàng bối rối bởi không biết loại nào tốt, loại nào xấu. Bởi những nhãn hiệu tên tuổi như Honda giá lại thấp hơn nhãn hiệu Jili (xuất xứ Trung Quốc). Đó là chưa kể đến những loại như Asama A - 36 giá chỉ có 3,5 triệu với 3 cục pin thì không biết “chất lượng” sử dụng như thế nào?
Đi tìm câu trả lời về chất lượng cho loại xe đạp điện tại Nghệ An, phóng viên đã tìm đến Sở Khoa học - Công nghệ và Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Tuy nhiên, những cơ quan này đều không quản lý về xe đạp điện. Tại Phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở Giao thông - Vận tải), cán bộ phòng cho hay: “Thực ra, nếu để phòng chúng tôi ra văn bản về việc quản lý xe đạp điện thì hoàn toàn không có cơ sở nào. Xe máy còn phải có giấy đăng ký, người điều khiển phải có bằng lái, bảo hiểm. Trong khi đó, xe đạp điện chỉ là xe đạp gắn thêm máy, mua là đi, thế thôi. Còn về chất lượng loại xe này, thì do người mua và người bán thỏa thuận với nhau....”
Nói về thực trạng của các xe đạp điện, xe máy điện hiện nay, ông Võ Minh Đức, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Nghệ An cũng lo lắng khi cho rằng: “Việc khó quản lý chất lượng xe đạp điện đang dẫn đến nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông. Rất nhiều xe đang lưu hành từ kiểu dáng, thiết kế, kết cấu đều không đảm bảo, không đúng quy chuẩn”.
Theo thiết kế cơ bản, xe đạp điện đều có tốc độ dưới 40km/giờ. Bởi thế, toàn bộ kết cấu khung sườn, bánh xe... chỉ có thể chịu được đến mức giới hạn đó. Tuy nhiên, một số xe đã được người sở hữu “hô biến” bằng các bộ “kích” tốc độ xuất xứ từ Trung Quốc (giá dao động từ 1,5-2 triệu đồng/bộ), đẩy tốc độ xe lên đến trên 50km/giờ.
Theo Thiếu tá Nguyễn Duy Hà, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông TP. Vinh: “Xe đạp, xe máy điện gia tăng đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông. Bởi lẽ, người sử dụng phương tiện này chủ yếu là học sinh và người cao tuổi, các em chưa được học nhiều về Luật An toàn giao thông nên chưa có ý thức chấp hành luật…”.
Hoàng Trinh / Báo Công Thương