Theo kế hoạch, nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư và đáp ứng nhu cầu về phát triển kinh tế vùng, Nghệ An đã đưa ra một số giải pháp như cải tạo, nâng cấp và xây mới hế thống cảng biển để đáp ứng nhu cầu bức thiết hiện nay.
Đó là thông điệp mà Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Thái Thanh Quý cho biết sau khi địa phương này nhận được sự thống nhất của Bộ giao thông vận tải về giải pháp nâng cấp, quy hoạch lại hệ thống cảng biển trong khu vực.
Hạ tầng cảng biển xuống cấp
Theo quy hoạch, Nghệ An có các cảng biển: Khu bến cảng Cửa Lò, hiện có 5 bến, có 3 kho hàng và bãi chứa hàng diện tích 39 ha, tổng công suất 5 bến là 4,5 - 5,0 triệu tấn/năm. Cảng chuyên dùng xi măng The Vissai xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc có diện tích sử dụng khoảng 407,15 ha. Cảng xăng dầu DKC là cảng chuyên dùng phục vụ xuất nhập khẩu xăng dầu cho tàu lớn đến 49.000 DWT.
Cảng nước sâu phía Bắc cảng Cửa Lò, quy mô xây dựng 1 bến tàu cho tàu 30.000 DWT và 1 bến cho tàu 50.000 DWT, diện tích sử dụng đất khoảng 20 ha. Dự án hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ thủ tục pháp lý. Cảng Đông Hồi có diện tích 1.096,7 ha (bao gồm cả khu đất và khu nước).
Cảng chuyên dùng xi măng The Vissai xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc có diện tích sử dụng khoảng 407,15 ha đang là một 'cú huých' cho Nghệ An phát triển hệ thống hạ tầng cảng biển nhằm phát triển kinh tế khu vực. Ảnh MH
“Xuất phát từ yêu cầu về nguồn lực đầu tư cho hạ tầng cảng biển tại Nghệ An rất lớn, trong khi việc huy động nguồn vốn hạn chế nên một số công trình chưa triển khai theo đúng kế hoạch đề ra như: Cảng nước sâu Cửa Lò, xây dựng bến số 6, 7, 8 cảng Cửa Lò, cảng Đông Hồi...”, Chủ tịch tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý nêu.
Theo báo cáo từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An, hiện địa phương này đã có nhiều nhà đầu tư lớn, các tập đoàn kinh tế lớn mạnh trong và ngoài nước đã đầu tư, như: Tập đoàn VSIP, Hemaraj, TH True Milk, Hoa Sen, Masan, Mavin, Vissai, Sabeco,... tỉnh Nghệ An đang tiếp tục xúc tiến, vận động thu hút nhằm kêu gọi các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh. Điều đó cho thấy, nhu cầu đầu tư, phát triển hệ thống cảng biển là rất cần thiết, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa cho các doanh nghiệp.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Nghệ An nói riêng và khu vực nói chung trong thời gian tới, khai thác có hiệu quả các cảng biển hiện có, UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam xem xét sớm bố trí kinh phí để thực hiện việc duy tu nạo vét luồng hàng hải ra vào cảng Cửa Lò; ưu tiên vốn đầu tư xây dựng đê chắn sóng và luồng vào bến cảng nước sâu Cửa Lò để triển khai trong năm 2020.
Đồng thời, tiếp tục triển khai nghiên cứu cải tạo luồng cho tàu 50.000 DWT ra vào trong tương lai; nghiên cứu xây dựng nâng cấp đê chắn sóng phía Bắc cảng Cửa Lò, dài 1,1 km; Cho phép tỉnh điều chỉnh quy hoạch Cảng Cửa Lò theo phương án: Nghiên cứu quy hoạch cảng tại Cửa Lò nằm ở 2 bên luồng hàng hải quốc gia, gắn với Khu hậu cần sau cảng tại Khu kinh tế Đông Nam.
Kéo dài luồng cảng Cửa Lò đến Đập Nghi Quang chiều dài khoảng 1 km (hiện chỉ đến thượng lưu bến số 1 cảng Cửa Lò và do Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam quản lý) để các tàu có thể ra vào sâu trong nội địa; tránh trú bão, gió mùa, phát triển các cảng khác tại khu vực. Tỉnh cũng đề nghị Bộ nghiên cứu đầu tư khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền lớn phía thượng lưu luồng.
Nghệ An đề xuất lên Trung ương cho phép tỉnh điều chỉnh quy hoạch Cảng Cửa Lò theo phương án: Nghiên cứu quy hoạch cảng tại Cửa Lò nằm ở 2 bên luồng hàng hải quốc gia, gắn với Khu hậu cần sau cảng tại Khu kinh tế Đông Nam. Ảnh Việt Hương
Đối với bến cảng Đông Hồi, tỉnh đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét thống nhất chủ trương và trình Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh khu bến cảng chuyên dùng Đông Hồi thành khu bến cảng tổng hợp.
Phát triển kinh tế không thể bỏ qua cảng biển
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý nhấn mạnh, trong những năm qua, tỉnh Nghệ An đã tập trung chỉ đạo rà soát, điều chỉnh và lập quy hoạch phát triển kinh tế hàng hải, hệ thống cảng biển, đồng thời thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng cảng biển. Tuy nhiên, do yêu cầu nguồn lực đầu tư cho hạ tầng cảng biển rất lớn, trong khi việc huy động nguồn vốn hạn chế nên một số công trình chưa triển khai theo đúng kế hoạch đề ra như: Cảng nước sâu Cửa Lò, xây dựng bến số 6, 7, 8 cảng Cửa Lò, cảng Đông Hồi... Để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thì việc đầu tư hạ tầng cảng biển là rất quan trọng.
Người đứng đầu tỉnh Nghệ An mong muốn Bộ Giao thông vận tải quan tâm, kiến nghị với Chính phủ đưa các dự án đầu tư hệ thống hạ tầng cảng của tỉnh vào giai đoạn đầu tư công tiếp theo hoặc giới thiệu nguồn lực để đầu tư hệ thống cảng biển của tỉnh, nhất là cảng Cửa Lò, đầu tư đê chắn sóng; điều chỉnh cảng Đông Hồi chuyên dùng sang tổng hợp...
Được biết, cảng Cửa Lò được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 tại Quyết định số 37/2016, với tính chất chức năng là khu bến cảng tổng hợp, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các tỉnh lân cận khu vực Bắc Trung Bộ, một phần hàng quá cảnh của nước bạn Lào và Đông Bắc Thái Lan. Tổng diện tích quy hoạch của cảng Cửa Lò là 450 ha, với 6 bến tất cả. Và Cảng Cửa Lò là cảng quốc tế đầu tiên trong 4 cảng biển quốc tế của tỉnh Nghệ An.
Theo Việt Hương / baodautu