Khung rong nho giống tại Ninh Hải. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN) |
Nghề khai thác và nuôi trồng rong biển ở Việt Nam được đánh giá là triển vọng kinh tế rất lớn, đồng thời có vai trò quan trọng trong bảo vệ, cải tạo môi trường nước ở các vùng nuôi trồng thủy sản vốn đang bị ô nhiễm và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Lợi ích từ nuôi trồng rong biển
Hơn 10 năm trước, vùng ven biển thôn Đông Hà, phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa bị bỏ hoang hóa, do môi trường nước vùng nuôi trồng thủy sản ở nơi này bị ô nhiễm.
Đây là hệ quả của việc nuôi tôm mà người dân địa phương làm theo phong trào trong thời gian dài.
Từ năm 2004, rong nho, một loài thuộc rong biển, được nuôi trồng ở vùng ven biển phường Ninh Hải. Đến nay, ở ven biển của địa phương này, đã hình thành được vùng chuyên canh nuôi trồng rong nho để xuất khẩu lớn nhất tỉnh Khánh Hòa, với quy mô hàng chục ha.
Ông Lê Nhứt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Dương VN, là một trong những người đầu tiên nuôi trồng rong nho ở vùng ven biển này. Hiện ông đang nuôi trồng 3ha rong nho để xuất khẩu.
Ông Nhứt cho biết, nuôi trồng rong nho cho hiệu quả không thua nuôi tôm trên cùng một đơn vị diện tích.
Không những thế, nuôi trồng rong nho còn có nhiều ưu điểm hơn hẳn so với nuôi các đối tượng thủy sản khác như cho thu hoạch quanh năm, sau 18 tháng nuôi mới phải vệ sinh ao nuôi, không bị thiệt hại khi có mưa lũ, giúp cải thiện môi trường nước vùng nuôi…
Rong nho và các sản phẩm từ rong nho được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Hiện công ty xuất khẩu rong nho sang thị trường Nhật Bản, châu Âu… với giá khoảng 110.000 đồng/kg rong nho tươi. Sản phẩm rong nho khô xuất khẩu có giá cao gấp hơn 3 lần rong tươi.
Việc nhanh chóng mở rộng vùng nuôi trồng rong biển ở ven biển trong cả nước cho thấy hiệu quả của đối tượng nuôi này.
Hiện cả nước nuôi trồng khoảng 10.000ha rong biển, sản lượng đạt hơn 101.000 tấn tươi/năm. Rong biển được nuôi trồng tập trung ở các vùng ven biển gồm Bắc Bộ gần 6.600ha, Bắc Trung Bộ hơn 2.000, Nam Trung Bộ 1.400ha, Đồng bằng sông Cửu Long 100ha.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương xây dựng thành công mô hình nuôi các đối tượng thủy sản kết hợp rong biển cho hiệu quả cao.
Cụ thể là các mô hình nuôi ốc hương kết hợp với hải sâm, vẹm xanh và rong sụn tại vùng biển Khánh Hòa; nuôi kết hợp ốc hương, tu hài và rong câu ở vùng biển Phú Yên.
Các mô hình canh tác tôm sú và rong câu cũng được sản xuất trên quy mô lớn ở nhiều tỉnh như Thái Bình 1.000ha, Thanh Hóa 270ha, Thừa Thiên-Huế 60ha, Quảng Nam 90ha...
Theo Tiến sỹ Thái Ngọc Chiến, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3, hầu hết các mô hình nuôi kết hợp đã cải thiện được môi trường vùng nuôi, tốc độ sinh trưởng của vật nuôi cao hơn và hiệu quả kinh tế thường tăng 1,5-3 lần so với nuôi đơn.
Mô hình này cũng tạo ra nhiều loại sản phẩm, nguồn cung cấp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của nhiều thị trường khác nhau, giảm rủi ro trong sản xuất và phân phối, sử dụng hiệu quả mặt nước.
Riêng đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn trong những năm qua, đã ảnh hưởng lớn đến nghề nuôi trồng thủy sản.
Các chuyên gia về nuôi trồng thủy sản cho rằng, đã đến lúc cần phải nghiên cứu các loài thủy sản thích ứng với sự biến đổi này, đặc biệt là nghề nuôi trồng rong biển.
Đây là hướng tiếp cận phù hợp với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn ở vùng này, để giúp người dân ổn định sản xuất. Thông qua các mô hình nuôi xen canh tôm sú và rong câu cước quảng canh cải tiến, nuôi xen canh tôm thẻ chân trắng và rong câu... để giải quyết ô nhiễm môi trường.
Trong quá tình nuôi kết hợp tôm và rong râu, rong câu là loại nuôi phụ nhưng có vai trò rất quan trọng trong việc quản lý chất lượng nước. Bởi rong câu là những “cỗ máy” lọc sinh học để cải thiện môi trường nước, chất lượng đáy ao, bằng con đường hấp thu dinh dưỡng.
Nhờ đó, giúp môi trường nước trong sạch, giảm bệnh tật. Khi nuôi kết hợp rong câu và tôm, tốc độ sinh trưởng của từng loài tăng 1,5-2 lần so với nuôi đơn.
Khai thác hợp lý và phát triển công nghiệp rong biển
Vụ Nuôi trồng thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, vùng biển của Việt Nam hiện có hơn 800 loài rong biển gồm rong đỏ, rong lục, rong nâu, rong lam, với trữ lượng tự nhiên từ 80-100 tỷ tấn.
Dù có điều kiện rất thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng, chế biến rong biển như thị trường tiêu thụ rộng lớn, rong biển được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực, cho hiệu quả kinh tế cao... nhưng nghề này cũng đang đối mặt với nhiều thách thức.
Đó là ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, sản phẩm chưa đa dạng, sản xuất nhỏ lẻ và manh mún, chưa có công nghệ chế biến và quy hoạch cụ thể.
Hiện tình trạng khai thác rong biển quá mức, khai thác tận diệt, làm suy giảm nguồn lợi này trong tự nhiên cũng đáng báo động. Điển hình là loài rong câu chân vịt, hiện đang rất được thị trường ưa chuộng và có giá trị kinh tế cao.
Người dân tập trung khai thác loài rong này từ tháng 1-7 hàng năm, ở vùng ven biển có độ sâu 4-5m.
Nếu như trước đây, loài rong này mọc thành tán có đường kính từ 30-40 cm, thì nay hầu như còn rất ít, chỉ còn là các cụm nhỏ do đã bị khai thác quá mức dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi.
Các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hải sản cho rằng, việc khai thác rong biển như: rong mơ, rong câu... ngoài tự nhiên cần phải tuân thủ mùa vụ, kỹ thuật nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm và bảo vệ nguồn lợi, đồng thời cần xây dựng một số khu bảo vệ nguồn lợi rong biển kết hợp với các khu bảo tồn thiên nhiên biển, để bảo vệ nguồn gen tự nhiên của rong biển.
Rong biển được dùng làm nguyên liệu cho rất nhiều ngành công nghiệp, để chế biến ra các sản phẩm có giá trị sử dụng cao. Bên cạnh đó, rong biển còn được sử dụng làm mỹ phẩm, dược phẩm…
Theo tiến sỹ Nguyễn Thế Hân, Khoa Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Nha Trang, sản phẩm thu nhận từ rong biển được sử dụng nhiều trong thực phẩm và dược phẩm. Nhiều chất có hoạt tính sinh học quý cũng được tìm thấy và khai thác từ rong biển.
Tuy nhiên, ngành nuôi trồng và chế biến rong biển ở Việt Nam chưa phát triển như kỳ vọng, do chưa có phương pháp khai thác, sơ chế và bảo quản phù hợp để có được nguồn rong biển nguyên liệu ổn định, có chất lượng tốt phục vụ cho quá trình chế biến.
Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, để phát triển ngành công nghiệp rong biển ở Việt Nam, cần tập trung xây dựng luật, quy định, quy trình cấp phép mặt nước cho các dự án nuôi trồng rong biển; quy hoạch phát triển rong biển quốc gia và cấp tỉnh.
Đồng thời, lập mô hình trồng các loại rong biển với quy mô đầu tư khác nhau; nghiên cứu tác động môi trường của công nghiệp rong biển; đầu tư và hợp tác, để làm chủ công nghệ cao chế biến rong biển ra các sản phẩm có giá trị cao; kiến tạo chuỗi giá trị ngành rong biển thông qua hợp tác chặt chẽ giữa khoa công nghệ với doanh nghiệp; phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu./.
Theo Nguyên Lý
Vietnam+