Ngày 31 tháng 12 năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 135/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. Nghị định bao gồm 6 Chương, 39 Điều, trong đó, hướng dẫn cụ thể việc tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài; ủy thác đầu tư, nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài; tổng hạn mức đầu tư gián tiếp ra nước ngoài hàng năm, hạn mức tự doanh, hạn mức nhận ủy thác và thẩm quyền của thủ tướng Chính phủ, trách nhiệm của các bộ ngành, nhà đầu tư và các đối ượng liên quan. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2015.
Theo Nghị định, có 06 tổ chức được phép tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài bao gồm: i) Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; ii) Quỹ đầu tư chứng khoán thông qua công ty quản lý quỹ (sau đây gọi là quỹ đầu tư chứng khoán), công ty đầu tư chứng khoán; iii) Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm; iv) Ngân hàng thương mại; v) Công ty tài chính tổng hợp; vi) Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.
Điều kiện để được tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài là, thứ nhất, tổ chức tự doanh phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài (không áp dụng đối với Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán); thứ hai, tổ chức tự doanh là quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán muốn tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài thì phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, tổ chức tự doanh, tổ chức nhận ủy thác được đầu tư gián tiếp ở nước ngoài theo hình thức sau: i) Trực tiếp mua, bán chứng khoán, các giấy tờ có giá khác ở nước ngoài; ii) Đầu tư thông qua việc mua, bán chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán ở nước ngoài, ủy thác đầu tư cho các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài. Riêng trường hợp tổ chức tự doanh đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài này còn hiệu lực, tổ chức tự doanh không được thực hiện ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài thông qua tổ chức nhận ủy thác. Để được ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, tổ chức kinh tế phải đáp ứng các điều kiện sau: i) Có lãi trong 05 năm liên tục liền trước năm thực hiện ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài được thể hiện trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập bởi các tổ chức kiểm toán độc lập và không có ý kiến ngoại trừ trọng yếu theo quy định của Bộ Tài chính (không áp dụng đối với quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán); ii) Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, không có nợ thuế đối với ngân sách nhà nước; iii) Có tài liệu chứng minh về nguồn ngoại tệ trên tài khoản để ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài là ngoại tệ tự có; iv) Có phương án đầu tư gián tiếp ra nước ngoài được cấp có thẩm quyền của tổ chức kinh tế (đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, hội đồng thành viên và tương đương) hoặc cấp có thẩm quyền khác thông qua theo quy định của pháp luật; v)Tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn nhà nước (đối với trường hợp tổ chức ủy thác là tổ chức kinh tế có sở hữu vốn nhà nước).
Các đối tượng được phép nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài gồm: i) Công ty quản lý quỹ; ii) Ngân hàng thương mại. Để được thực hiện hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, tổ chức nhận ủy thác phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. Để được xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, tổ chức nhận ủy thác phải đáp ứng 6 điều kiện sau: i) Có lãi trong 05 năm liên tục liền trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài được thể hiện trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán và không có ý kiến ngoại trừ trọng yếu theo quy định của Bộ Tài chính. Báo cáo tài chính phải được kiểm toán bởi các tổ chức kiểm toán độc lập do Bộ Tài chính chấp thuận và công bố theo quy định về kiểm toán độc lập đối với đơn vị có lợi ích công chúng (áp dụng với tổ chức nhận ủy thác là công ty quản lý quỹ); ii) Có lãi trong 05 năm liên tục liền trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài được thể hiện trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán và không có ý kiến ngoại trừ trọng yếu theo quy định của Bộ Tài chính. Báo cáo tài chính phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập không nằm trong danh sách các tổ chức kiểm toán không được kiểm toán đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố (áp dụng với tổ chức nhận ủy thác là ngân hàng thương mại); iii) Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, không có nợ thuế với ngân sách nhà nước; iv) Có quy định nội bộ về quản lý hoạt động nhận ủy thác đầu tư ra nước ngoài, trong đó có nội dung về nhận dạng và quản trị rủi ro liên quan đến hoạt động nhận ủy thác để đầu tư gián tiếp ra nước ngoài; v) Có cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân sự để đảm bảo thực hiện hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài theo quy định của pháp luật; vi) Tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật chuyên ngành về các chỉ tiêu an toàn tài chính, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức nhận ủy thác.
Về nguyên tắc nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, Nghị định quy định hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài phải được lập thành hợp đồng bằng văn bản. Tổ chức nhận ủy thác không được sử dụng vốn nhận ủy thác trái với mục đích, nội dung ủy thác được quy định tại hợp đồng ủy thác đầu tư; không được ủy thác lại cho bên thứ ba ở trong nước.
Ngoài ra, tổ chức nhận ủy thác được hưởng phí ủy thác trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên, phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan và có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn tổ chức ủy thác thực hiện ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài theo đúng quy định.
Một điểm đáng chú ý khác là nhà đầu tư không được sử dụng nguồn vốn vay bằng đồng Việt Nam từ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để mua ngoại tệ đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. Nhà đầu tư không được sử dụng nguồn vốn vay ngoại tệ trong nước và nước ngoài để đầu tư gián tiếp ra nước ngoài trừ tổ chức kinh tế do nhà nước sở hữu từ 65% vốn điều lệ trở lên, tổ chức kinh tế khác thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài với tổng mức đầu tư từ 800 tỷ đồng trở lên./.
ST