Gạo Campuchia được quảng bá rộng rãi trên thế giới
Hình như, cái điệp khúc “thua trên sân nhà” bây giờ đã trở nên khá quen thuộc với người Việt Nam.
Không chỉ thua trong bóng đá (nhưng có lẽ đó là cái thua dễ chịu nhất trong các loại thua), còn thua trong kinh doanh, nhất là hệ thống kinh doanh bán lẻ hiện đang bị người Thái Lan từng bước thâu tóm với tràn ngập hàng Thái tới từng cửa hàng nhỏ lẻ ở Việt Nam.
Và giờ đây, gạo Campuchia đang tràn ngập tại vựa lúa gạo lớn nhất Việt Nam là vựa gạo Bà Đắc - huyện Cái Bè - tỉnh Tiền Giang. Ở đây, ba loại gạo đặc sản Móng Chim, Sa Mơ, Nhang Thơm từ Campuchia được bán với giá từ 12.000-16.000 đồng/kg, mức giá khá cao so với một số loại gạo trong nước nhưng lại bán rất chạy.
Ai cũng biết, Tiền Giang nằm trọn trong vựa lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long, từ nhiều năm nay là nơi chuyên xuất khẩu gạo Việt Nam ra thị trường thế giới. Bây giờ thì gạo Campuchia, thơm ngon hơn, hấp dẫn hơn, đã “đánh chiếm thị phần” ngay “tổng hành dinh” lúa gạo Việt Nam.
Đó là điều rất đáng báo động! Không thể ngăn được dòng gạo từ Campuchia về Việt Nam, vì theo đúng qui luật thị trường, hàng nào tốt thì bán chạy, dù giá có cao hơn hàng tại chỗ. Không ai có thể cấm người ta mua gạo Campuchia, nếu gạo ấy ngon hơn gạo Việt Nam. Điều này, những chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam như GS Võ Tòng Xuân đã nhiều lần cảnh báo từ rất lâu.
Điều đáng buồn, theo GS Xuân, là những giống gạo nổi tiếng hiện tại vừa được nhắc tên của Campuchia vốn có xuất xứ từ… Việt Nam.
Sau bao nhiêu năm chúng ta hớn hở đuổi theo những giống gạo năng suất cao, ngắn ngày nhưng chất lượng gạo kém thì nông dân Campuchia lại âm thầm nhân rộng và chăm sóc những giống gạo quí dù có xuất xứ từ đâu, kể cả từ Việt Nam và họ đã biến những giống lúa ngoại lai ấy thành giống đặc sản của quốc gia mình. Bây giờ thì gạo ngon Campuchia đang chiếm lĩnh thị trường gạo Việt Nam.
Đừng nghĩ rằng số lượng gạo Campuchia đang bán ở Việt Nam chưa thật nhiều. Chưa nhiều rồi sẽ nhiều, cái ấy chẳng khó khăn gì. Chỉ cần có khách hàng, được khách hàng ưa chuộng, với khả năng sản xuất không hề kém, gạo của nông dân Campuchia làm chủ “sàn gạo Việt Nam” mấy hồi. Cộng với xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu đang làm điêu đứng cây lúa và nông dân đồng bằng sông Cửu Long, đây chính là cơ hội cho gạo Campuchia tràn vào Việt Nam.
Còn nông dân Nam Bộ chỉ còn biết ngửa mặt kêu trời. Bao năm nay cứ cắm cúi sản xuất các loại gạo kém chất lượng, dù xuất khẩu được nhưng giá rất “bèo”, trong khi “hậu phương” của mình lại bị đối thủ “thọc sườn” bằng gạo chất lượng cao thì không hiểu Bộ NN&PTNT sẽ nghĩ thế nào? Các nhà nông học, các viện nghiên cứu lúa, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ nghĩ thế nào? Chưa bao giờ chúng ta lâm vào hoàn cảnh này, nên thật khó xử lý.
Lâu nay cứ nghĩ, mình hay viện trợ cho Campuchia về kỹ thuật, trong đó có kỹ thuật nông nghiệp, họ có đất trồng lúa rộng và tốt, nhưng nông dân họ chưa có kỹ năng bằng mình, vậy mà bây giờ… Đau nhất là những giống lúa vốn của mình, là đặc sản hồi xưa của mình, mà mình lại từ bỏ, còn họ mang về “make up” lại, rồi thành đặc sản của họ, rồi họ lại bán cho mình…
Thanh Thảo / motthegioi.vn