Dự báo từ Hiệp hội Xi măng Việt Nam, từ năm 2017, VN sẽ dư thừa lượng lớn xi măng, trong khi đó sản lượng vẫn tăng qua các năm. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong ngành vẫn đang cấp tập đầu tư mở rộng sản xuất khi mà chưa chạy hết công suất thiết kế hiện tại.
Sự dư thừa mặt hàng xi măng có thể bắt đầu từ năm 2017 và áp lực cạnh tranh tiêu thụ nội địa tiếp tục gia tăng. (Ảnh: Internet)
Dư thừa từ năm 2017
Theo thống kê của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ nội địa trong năm 2016 khoảng hơn 60 triệu tấn, chủ yếu nhờ mức cầu tại thị trường nội địa trỗi dậy từ thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia trong ngành đều cho rằng những năm tới, Việt Nam sẽ ngày một dư thừa nguồn hàng này.
Bởi tính đến năm 2016 tổng công suất thiết kế của ngành xi măng Việt Nam đạt gần 88 triệu tấn/năm. Nếu tính các dự án đang tiến hành đầu tư, dự kiến hoàn thành trong năm 2018, tổng công suất thiết kế toàn ngành lên đến 108 triệu tấn/năm.
Thêm nữa, những nhà máy xi măng đã đi vào sản xuất cũng không ngừng đầu tư cải tiến kỹ thuật, công nghệ nên năng lực sản xuất thực tế đến năm 2020 có thể lên đến 120-130 triệu tấn.
Trong khi đó, dự báo từ nay đến năm 2020 mỗi năm tăng 5-6 triệu tấn, đến năm 2020 nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước khoảng 80-82 triệu tấn.
Vì vậy, sự dư thừa mặt hàng này này có thể bắt đầu từ năm 2017 và áp lực cạnh tranh tiêu thụ nội địa tiếp tục gia tăng
Cụ thể, Hiệp hội Xi măng Việt Nam dự báo, tiêu thụ xi măng trong nước năm 2020 vào khoảng 82 triệu tấn, nghĩa là sẽ dư thừa 36-47 triệu tấn. Còn theo dự báo trong quy hoạch, với khả năng tiêu thụ trong nước năm 2020 là 93 triệu tấn thì sẽ dư thừa khoảng 25-36 triệu tấn xi măng.
Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân của tình trang dư thừa lượng lớn sản phẩm xi măng của Việt Nam là bởi công suất của ngành tăng mạnh trong thời gian gần đây và tính cạnh tranh trong xuất khẩu giảm.
Đặc biệt, tác động cạnh tranh từ Trung Quốc, ước tính chưa đầy đủ của các chuyên gia trong ngành, nguồn ximăng thừa từ Trung Quốc năm 2016 lên đến gần 700 triệu tấn.
Không ít doanh nghiệp xuất khẩu ximăng cũng thừa nhận những tín hiệu báo về từ các thị trường xuất khẩu chính hiện nay như Bangladesh, Indonesia và Philippines đều khá xấu, cũng chỉ vì mức giá chào từ Trung Quốc rất hấp dẫn.
Nhưng vẫn đầu tư, mở rộng
Tình trạng dư thừa mặt hàng xi măng đáng báo động là thế, nhưng hàng loạt dự án, dây chuyền sản xuất xi măng mới vẫn đang cấp tập bổ sung vào năng lực cung ứng cho toàn ngành.
Theo tính toán của các chuyên gia trong ngành, chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2017, ước có thêm 5 nhà máy ximăng đi vào hoạt động với tổng công suất thiết kế xấp xỉ 15,7 triệu tấn/năm.
Mâu thuẫn hơn, một loạt dự án khác dù chạy chưa đến 80% công suất thiết kế vẫn tiếp tục “đòi”… đầu tư giai đoạn 2, thêm dây chuyền 2.
Đặc biệt, mới đây nhất, Tập đoàn Xuân Thành (ThaiGroup) đã khởi công xây dựng Nhà máy xi măng Minh Tâm (Bình Phước). Dự án này có diện tích 400ha, tổng mức đầu tư 12.000 tỷ đồng, tổng công suất 4,5 triệu tấn xi măng/năm
Ngoài nhà máy xi măng Minh Tâm, Tập đoàn ThaiGroup còn 3 nhà máy xi măng khác, là Xi măng Xuân Thành tại Hà Nam, công xuất 6 triệu tấn/năm, xi măng Xuân Thành tại Quảng Nam công suất 3,6 triệu tấn/năm và xi măng Thaicement Hà Tiên tại Kiên Giang, công suất 4,5 triệu tấn/năm.
Như vậy, dự án Minh Tâm khi hoàn thành sẽ nâng tổng công suất xi măng của Xuân Thành lên 18,6 triệu tấn/năm.
Trong khi chính chủ đầu tư của các dự án này đều xác nhận tình hình năm sau càng khó hơn năm trước, cũng như chưa có giải pháp nào hữu hiệu để giảm bớt tình trạng dư cung.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất xi măng đều cho rằng, thị trường xuất khẩu xi măng đang khó lại càng khó hơn khi Nghị định 100/2016/NĐ-CP và Nghị định 122/2016/NĐ-CP được thực thi.
Thống kê cho thấy, nếu năm 2015 xuất khẩu ximăng và clinker thu về được gần 668 triệu USD, tương ứng khoảng 15,67 triệu tấn, thì giá trị xuất khẩu năm nay đã giảm 26,8% và gần 25% về lượng.
Thy Hằng / DĐDN