Từ cuối năm 2020 đến nay, giá nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi như bắp, đậu nành, bột cá… đã tăng chóng mặt khiến giá thức ăn chăn nuôi trong nước cũng phải tăng theo. Việt Nam có nền nông nghiệp “số một thế giới” về nhiều mặt hàng nhưng nghịch lý là ngành chăn nuôi đang phải nhập siêu cao. Người chăn nuôi cũng luôn đối mặt với tình trạng treo chuồng, bỏ nghề… vì không cạnh tranh được.
Số liệu của Bộ Công thương cho biết, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2021, chi nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu đã tăng 26,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này đạt khoảng 646 triệu đô la Mỹ trong hai tháng đầu năm nay. Trước đó, năm 2020, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi lên tới 3,84 tỉ đô la Mỹ, tăng 3,75% so năm 2019.
Giá nguyên liệu tăng đẩy giá bán thức ăn chăn nuôi cũng liên tục tăng trong nhiều tháng qua. Tính sơ bộ, từ tháng 10-2020 đến nay, đã có 5-6 đợt tăng giá từ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi với mức tăng từ 15-30%.
Thức ăn chăn nuôi chiếm ít nhất 70% giá thành các sản phẩm chăn nuôi. Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Công Thương, các nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện nay lại phụ thuộc vào nhập khẩu từ 70-80%.
Sự thiếu chủ động trong việc đáp ứng nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi dẫn tới sự rủi ro và lệ thuộc về giá trong nhiều thời điểm khi thị trường thế giới có biến động. Hơn nữa, khi phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu, những nông dân nhỏ, lẻ càng không có nhiều cơ hôi khá lên khi đầu tư vào chăn nuôi.
Phân tích về thực trạng là nước nông nghiệp, xuất khẩu nhiều lúa, tôm cá… nhưng lại phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu cho chế biến thức ăn chăn nuôi, ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình (Đồng Nai), cho rằng các loại nguyên liệu sản xuất thức ăn như bắp (ngô), đậu nành, khô dầu các loại, phụ gia... hiện Việt Nam sản xuất không đủ hoặc do giá thành quá cao so với sản phẩm nhập khẩu.
Sản xuất thức ăn chăn nuôi tại một nhà máy ở huyện Củ Chi (TPHCM). Ảnh: Nam Bình.
Đơn cử như bắp, diện tích trồng bắp ngày càng thu hẹp dù những năm 2016-2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên tục đưa ra các chương trình khuyến khích chuyển đổi từ đất trồng lúa không hiệu quả sang trồng bắp.
Ông Bình cho biết, khi đi khảo sát thực tế vùng nguyên liệu, những vùng trồng bắp nhiều như Sơn La (vùng bắp trọng điểm miền núi phía Bắc), Đồng Nai (vùng trọng điểm phía Nam), các tỉnh Tây Nguyên… đến nay đều đã không còn nhiều.
Thay vào đó, bà con nông dân chuyển cả đất bắp sang trồng một số loại cây ăn trái vốn đang có sức hút mạnh trên thị trường. Ngay cả một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Sóc Trăng, Trà Vinh… cũng từng có kế hoạch đưa cây bắp xuống ruộng, thay thế cây lúa, nhưng đến nay không nghe ai nhắc tới nữa.
“Chúng ta trồng bắp ở những mảnh ruộng nhỏ, lẻ tẻ và chủ yếu là trồng trên đồi núi. Cả nước không kiếm đâu ra một cái máy gặt bắp, như kiểu máy gặt đập liên hợp, thì làm sao có thể giảm giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh?”, ông Bình nhận định.
Điều ông Bình muốn đề cập ở đây là chuyện cơ giới hóa ở những vùng trồng bắp. Việt Nam chưa có diện tích bắp nào đủ rộng, đủ lớn để có thể cơ giới hóa. Nông dân vì vậy phải tỉa từng hạt giống và thu hoạch thủ công. Còn những nguyên liệu khác như đậu nành, bột cá… thì quá ít, cả nước số lượng không đủ cho vài nhà máy nhỏ chế biến.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây tổ chức hội nghị rất lớn về triển khai xây dựng chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu. Theo tài liệu tại hội nghị này, Việt Nam hướng tới phát triển ngành chăn nuôi để xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn, cả những thị trường khó tính như Nhật, Mỹ…
Thế nhưng, nhìn lại tổng thể ngành, các khâu như thức ăn chăn nuôi, con giống… hiện nay đều phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu. Ngành chăn nuôi dần dà sẽ chỉ còn lại khâu nuôi (nuôi gia công) nhưng nếu không cơ giới hóa, không hiện đại hóa quy trình để tăng sức cạnh tranh thì rất khó để ngành này lớn mạnh, đủ phục vụ thị trường trong nước, mang lại lợi nhuận cho bà con nông dân, nói gì việc xuất khẩu.
Thực tế chứng minh, dù giá thức ăn chăn nuôi đang ở mức cao nhưng giá heo hơi lại đang giảm. Cụ thể, sáng 10-5, giá heo hơi vùng đông nam bộ dao động ở mức 70.000-71.000 đồng/kg, giảm khoảng 1.000 đồng/kg so với ngày đầu tuần trước.
“Nếu không có kế hoạch hành động cụ thể, thích hợp thì trong tương lai gần, người chăn nuôi trong nước có khi phải dẹp luôn nghề chăn nuôi vì họ không chủ động được bất cứ khâu nào trong chuỗi, từ thức ăn đến con giống và thuốc thú y, chứ nói gì đến xuất khẩu”, ông Bình chua chát bình luận.