Rau quả xuất khẩu tăng mạnh; mỗi tháng người Việt chi hàng chục triệu USD mua trái cây ngoại... thế nhưng có một nghịch lý đau lòng là nhiều loại trái cây, rau củ trong nước lại ế đồng, dội chợ, phải kêu gọi 'giải cứu'.
Ảnh minh họa. |
Năm 2016 được coi là năm bứt phá của ngành rau quả VN khi giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỉ USD, tăng 31,2% so với năm 2015. Xuất khẩu rau quả lần đầu vượt qua lúa gạo (2,2 tỉ USD) để trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực và thâm nhập vào gần 60 thị trường nước ngoài, bao gồm cả các thị trường khó tính, như Mỹ, Úc, Hà Lan, Hàn Quốc, Đài Loan... Sang quý 1/2017, kim ngạch xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng tốc. Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả đã tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 700,6 triệu USD. Đặc biệt, có thêm nhiều loại trái cây nội được các thị trường khó tính chấp nhận. Mới nhất, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa đăng Công báo Liên bang cho biết quả vú sữa tươi của VN đã chính thức được chấp thuận nhập khẩu vào thị trường Mỹ và quyết định này có hiệu lực từ ngày 19/4.
Thua trên sân nhà
Nghịch lý là trong khi trái cây nội đang từng bước thâm nhập thị trường quốc tế thì ngay tại sân nhà, không ít nông dân lại khốn khổ vì cảnh ế đồng, dội chợ rau quả. Từ một cuộc “giải cứu” mang tính tình thế năm 2015, chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, đã có hàng loạt nông sản rơi vào tình trạng phải trông chờ được “giải cứu”. Từ chuối ở Đồng Nai, thanh long ở Bình Thuận đến dưa hấu, ớt ở Quảng Ngãi...
Nghịch lý hơn nữa là trong khi nông sản liên tục phải giải cứu thì bình quân mỗi ngày người tiêu dùng VN vẫn chi khoảng 2,5 triệu USD (tương đương hơn 58 tỉ đồng) cho rau quả nhập. Số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong năm 2010, VN chi 294 triệu USD để nhập rau quả nhưng đến năm 2016, con số này đã tăng lên gấp 3 lần: 924,8 triệu USD. Chỉ riêng trong quý 1/2017, VN đã chi 230,5 triệu USD cho rau quả nhập, tăng 47,3% so với cùng kỳ.
Khảo sát tại các chợ, siêu thị, trái cây ngoại ngày càng lấn át với hàng chục chủng loại có xuất xứ từ nhiều nước. Đặc biệt, giá cả hoa quả ngoại nhập ngày càng rẻ khiến hàng nội thêm khó cạnh tranh. Cụ thể, có thời điểm khuyến mãi mạnh, giá táo xanh Pháp chỉ còn 39.000 đồng/kg, táo New Zealand 65.000/kg, lê Hàn Quốc 59.000 - 65.000 đồng/kg, kiwi từ 60.000 - 80.000 đồng/kg... Thậm chí, nhiều loại trái cây VN có thế mạnh như thanh long, mãng cầu... giờ đây cũng có hàng nhập chen vào, dù giá cao ngất ngưởng. Đơn cử mãng cầu Đài Loan 500.000 đồng/kg; thanh long ruột vàng Malaysia 700.000 đồng/kg... Một khách mua hàng tại một cửa hàng trái cây gần chợ Bến Thành cho biết thường xuyên mua mãng cầu Đài Loan cho gia đình ăn, thỉnh thoảng còn làm quà biếu, tặng vì “mãng cầu Đài Loan có vị rất đặc trưng, ngọt và ngon hơn mãng cầu VN”.
Phải nâng cao chất lượng sản phẩm
Vì sao cả xuất nhập đều nhộn nhịp mà trên sân nhà rau quả Việt lại không được ưa chuộng? Mang câu hỏi này tới “vua chuối” Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An với thương hiệu chuối FOHLA vẫn đứng vững trong tâm bão chuối “kêu cứu”, ông cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến việc trái cây trong nước, đặc biệt là chuối hay dưa hấu ế ẩm, là nông dân sản xuất nhưng chưa có tính toán, định hình thị trường tiêu thụ một cách rõ ràng. "Nông dân mình trồng nhưng không định lượng được thị trường, không định vị rõ sản phẩm của mình bán cho ai, bán vào lúc nào, bên kia mua nhiều hay mua ít. Chúng ta cứ hồn nhiên trồng trọt mặc kệ ai mua thì bán, như vậy rất dễ bị dội hàng như vừa qua", ông Huy lý giải.
Cũng theo ông Võ Quan Huy, xuất khẩu rau quả không hề dễ, đặc biệt là các thị trường tiềm năng lớn và khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc. Để họ chịu đặt bút ký hợp đồng, một trang trại chuối phải trải qua nhiều đợt kiểm tra, đánh giá, đảm bảo quy trình trồng và thu hoạch theo đúng yêu cầu họ đề ra. “Dân mình cứ lao vào trồng với kỳ vọng xuất khẩu, nhưng lại không áp dụng công nghệ kỹ thuật hợp lý, không chú trọng đầu tư tính toán cả về liệu trình, cuối cùng không đủ chất lượng xuất khẩu, dội ở thị trường trong nước dẫn đến dư thừa”, ông Huy nhận xét.
Với cái nhìn tổng quan, GS Võ Tòng Xuân đưa ra 3 lý do dẫn tới tình trạng trên. Thứ nhất là tâm lý của người Việt “sính” hàng ngoại, nhiều khi cùng một loại mặt hàng, chưa biết chất lượng ra sao nhưng luôn mặc định trong đầu hàng ngoại đắt hơn nên ngon hơn, tốt hơn. Thứ hai, là mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân quá yếu. Thương lái của ta chủ yếu mua hàng chở qua Trung Quốc, quá phụ thuộc vào thị trường nhiều rủi ro này khiến không chỉ rau quả mà nhiều sản phẩm nông sản VN nhiều phen điêu đứng. Lý do thứ ba cũng chính là yếu tố quyết định: đó là chất lượng sản phẩm. Tâm lý “phân biệt đối xử” của người tiêu dùng cũng bắt nguồn từ chính cách “đối xử” khác nhau giữa rau quả trong nước với rau quả nhập, rau quả xuất khẩu. “Hiện hầu hết rau quả xuất khẩu đều được bón phân hữu cơ, được chăm sóc, bảo vệ đúng theo quy trình sản xuất chuyên nghiệp nên sản phẩm cho ra chất lượng rất tốt.
Trong khi đó, rau quả bán trong nước thì dùng phân hóa học, phân NPK, vừa khiến sản phẩm không ngon, vừa thu hút sâu bệnh. Vì có sâu bệnh nên nông dân phải xịt thuốc, dẫn đến vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm nên người tiêu dùng chê. Hay trái cây nhập luôn được để trong khuôn, sắp xếp bày bán cẩn thận, tươi ngon còn trái cây nhà thì dồn lên nhau, chồng chất cả túi ni lông đè đống lộn xộn.
Như vậy người tiêu dùng nào dám mua”, GS Xuân phân tích. Từ những lý do trên, ông khuyến cáo nông dân phải chấn chỉnh ngay phương thức trồng trọt buôn bán. “Người nông dân khi nắm được kỹ thuật, chú trọng chất lượng, làm mọi thứ theo đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì tự khắc người tiêu dùng sẽ tin tưởng lựa chọn. Đừng làm ra sản phẩm chất lượng kém rồi kêu cứu, mà hãy tự cứu lấy mình”, GS Võ Tòng Xuân nói.
Hà Mai - Lê Hà / Thanh Niên