Thanh long đang vào cuối vụ, giá liên tục giảm, nhà vườn vẫn phải chấp nhận bán giá thấp nhưng cũng không dễ tiêu thụ.
Trong khi đó tại thị trường Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, giá thanh long, đặc biệt là thanh long ruột đỏ lại được thương lái bán cao gấp hàng chục lần....
Thanh long đổ đầy đường
Những ngày này ở “thủ phủ thanh long” huyện Châu Thành (Long An) và Chợ Gạo (Tiền Giang) tấp nập những chuyến xe chở trái thanh long từ các ngõ ngách, nườm nượp đổ về các điểm đầu mối thu mua. Đáng buồn thanh long giảm giá kỷ lục, nhà vườn không có lãi.
Gia đình bà Mai, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, có 3ha thanh long vừa mới thu hoạch được 5 tấn trái, chỉ bán được giá 3.000 đồng/kg (loại 1), còn hàng trái bị loại ra thương lái không chịu mua nên gia đình bà phải đem ra các chợ lẻ bán với giá rẻ bèo khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg. Với giá này, sau khi trừ chi phí phân, thuốc, công chăm sóc… gia đình không còn lời bao nhiêu.
“Thanh long hiện đang vào cuối vụ, chỉ còn một đợt thu hoạch trái nữa là dứt, nhưng giá thấp nhất từ trước tới nay. Gia đình tôi vất vả lắm mới tìm được thương lái vào thu mua, họ cho giá bao nhiêu phải chịu bấy nhiêu, chứ mình kỳ kèo họ bỏ đi liền”, bà Mai than vãn.
Theo các hộ trồng thanh long ở đây, năm nay giá thanh long ruột đỏ tụt xuống thấp chưa từng có. Nếu giá này mà vào vụ nghịch, phải xông đèn thì lỗ từ 5 - 7 triệu đồng/công, còn vụ thuận này chi phí thấp hơn nên cũng đỡ lỗ hơn.
Nông dân Trần Văn Hoàng, ấp Lương Phú C, xã Lương Hòa Lạc, cho biết: “Gia đình tôi trồng được 2 ha thanh long ruột đỏ vừa thu hoạch bán được 3 tấn trái giá chỉ 3.500 đồng/kg”.
Theo ông Hoàng, khi thương lái vào vườn cứ lắc đầu chê hàng xấu, họ chỉ lựa những trái đẹp xuất khẩu được, còn hàng dạt thì không mua. Do không bán được những trái bị dạt nên gia đình ông đành phải đổ xuống ao cho cá ăn.
Thương lái chỉ chọn hàng loại 1 nên nhà vườn chỉ còn cách đổ đống bán rẻ
Theo chủ vựa thanh long Ngọc Hồng (xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo), trong những ngày qua, lượng hàng thanh long được bà con nhà vườn thu hoạch chở đến vựa rất nhiều. Mỗi ngày, trung bình vựa thu mua trên 20 tấn trái để cung cấp cho thị trường Hà Nội và xuất khẩu. Lượng hàng trái này cơ sở tuyển chọn rất kỹ, còn số hàng dạt thì nông dân buộc phải chở về chợ lẻ bán.
“Đại lý thu mua như chúng tôi cũng bị áp lực rất lớn từ phía bạn hàng. Chỉ cần tuyển hàng trái không chuẩn sẽ bị các bạn hàng kiểm tra lựa trở lại rồi trả hàng không đạt về thì khi đó chúng tôi không thể bán được cho ai”, ông Tư Em, chủ vựa Ngọc Hồng tâm sự.
Ông Trần Hữu Danh, GĐ Công ty TNHH Long Việt (Tiền Giang) cũng cho biết: “Mặc dù số lượng thanh long trong nhà vườn còn rất lớn, nhưng do công ty chúng tôi được đối tác đặt với số lượng có hạn nên không thể mua hết cho nông dân. Còn chuyện cứ dội hàng là giá rẻ không chỉ riêng với quả thanh long mà với rất nhiều loại trái khác nữa… Đây chính là thực trạng của thị trường nông sản Việt Nam trong nhiều năm qua!”.
Cũng theo lý giải của ông Danh, có nhiều nguyên nhân khiến thanh long rớt giá thê thảm như hiện nay. Do bị ảnh hưởng đợt nắng nóng vừa qua và gặp mưa xuống khiến trái bị bệnh và mẫu mã không đẹp. Hơn nữa, khi vào vụ chính, sản lượng thanh long rất lớn và những ngày qua cũng đang là thời điểm thu hoạch rộ đối với nhiều loại trái cây khác.
Giá chênh lệch khủng khiếp
Ông Nguyễn Văn Hôn, cán bộ thị trấn Tầm Vu (Châu Thành, Long An) tâm sự: Cách đây khoảng hơn 1 tháng, có thương lái tìm vào tận vườn thu mua thanh long ruột đỏ với giá 30.000 đồng/kg, nhưng suốt tuần qua họ quay lại trả giá 3.000 đồng/kg, chỉ bằng 1/10 so với trước đó.
Đặc biệt, thương lái chỉ đồng ý thu mua hàng loại 1 với số lượng hạn chế nên thanh long bị loại rất nhiều, nhà vườn chỉ biết đổ đống rồi tìm mối bán rẻ ra các chợ lẻ.
Giá thanh long giảm, nông dân đem ra đường bán lẻ
Trái ngược hoàn toàn với cảnh thanh long bán đổ đống với giá bèo như hiện nay, tại thị trường Hà Nội, thanh long lại đang được thương lái bán giá cao ngất ngưởng, nhất là trong dịp cúng rằm vừa rồi giá thanh long ruột đỏ có lúc lên tới 50.000 đồng/kg.
Phải mất 10 nghìn đồng/lượt gửi xe máy, chúng tôi tạt qua chợ Hôm (Phố Huế, Hà Nội). Sảnh tầng một của chợ này tập trung đa số là các gian hàng bán hoa quả, nhưng chỉ có vài ba gian hàng bán thanh long.
Một chủ sạp bán thanh long tại đây đon đả: “Thanh long này chuyển từ miền Nam ra, đây chỉ bán loại thanh long ruột trắng loại già, tuyển chọn cỡ to 800g – 900g/quả. Dạo này giá hạ, trước 50 nghìn, nay chỉ 40 nghìn/kg thôi”. Chúng tôi kêu đắt, trả giá 30 nghìn đồng/kg định quay đi, chị này kiên quyết: “Bốn mươi là bốn mươi, một xu cũng không bớt!”.
Tiếp tục rảo quanh một số siêu thị lớn tại Hà Nội, giá thanh long các loại cũng không rẻ hơn bao nhiêu so với bán ngoài sạp.
Tại siêu thị Intimex Bờ Hồ (số 32 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm), mấy sạp hàng thanh long vỏ bên ngoài đã héo queo. Tại đây hiện chỉ bán thanh long ruột đỏ, đóng bao bì ghi nhãn hiệu, xuất xứ từ Bình Thuận, giá niêm yết là 37.500 đ/kg. Kích cỡ thanh long bán ở đây đều chằn chặn, khoảng 0,4 – 0,5 kg/quả, giá 17.100 đ/quả. Nhân viên bán hàng giải thích: Không chỉ thanh long mà đa số các mặt hàng hoa quả thường bán ổn định giá, ít thay đổi.
Giá thanh long tại siêu thị Intimex Hà Nội ngày 27/7/2016
Tại khu chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội). Các sạp hàng bán thanh long ở đây hầu hết là thanh long ruột trắng, cũng héo queo héo quắt không khác gì loại bán trong siêu thị, tuy nhiên giá có mềm hơn một chút, khoảng 20 nghìn đồng/kg.
Một chủ sạp bán hoa quả tại cổng chợ Long Biên giải thích: “Thanh long nào mà chả là thanh long. Loại này chúng tôi lấy lại của các chủ hàng xe tải từ miền Nam hàng ngày chở ra chợ đầu mối Long Biên. Sở dĩ ở đây bán có 20 nghìn đồng/kg vì mua được trực tiếp từ chủ hàng miền Nam giá hời, phí thuê cửa hàng thấp, chứ các chợ trong phố, họ phải mua qua tay, phí cửa hàng lại cao nên bán 40 nghìn đồng/kg là đúng rồi”.
Ngày 27/7 tại chợ Thị Nghè, quận 1, giá thanh long ruột trắng được các cửa hàng bán đồng giá 45.000 đồng/kg.
“Tôi không biết dưới tỉnh họ bán thế nào nhưng thương lái đem thanh long lên tới đây đổ hàng cho chúng tôi đã trên 40.000 đồng/kg rồi. Không tin chú cứ đi khảo giá các tiệm trong chợ này đi rồi quay lại đây mua tôi bao giá luôn cho”, chị Hương, chủ cửa hàng trái cây chợ Thị Nghè nói.
Theo Nông nghiệp Việt Nam