Có một nghịch lý là người chăn nuôi thì bán heo giá “mặt đất”, còn người tiêu dùng phải mua thịt heo giá “trên trời”; tình trạng lỗ nặng đang kéo dài...
Người chăn nuôi chỉ mong đại dịch chóng qua để thị trường có thể sớm cân đối lại như bình thường (Ảnh minh họa)
Cuối tháng 8, giá heo trên toàn quốc giảm và dao động từ 50.000-56.000 đồng/kg, giảm 1.000-2.000 đồng/kg so với tháng 7/2021. Đây là vùng giá thấp nhất kể từ giữa năm 2019.
Giá các loại thịt gia cầm cũng có xu hướng giảm mạnh, như thịt gà công nghiệp phổ biến thấp dưới 10.000 đồng/kg, thịt gà lông màu nuôi ngắn ngày khoảng 25.000-28.000 đồng/kg, giảm gần 20% so với tháng 7/2021.
Hiện nhiều địa phương vẫn tiếp tục giãn cách xã hội nên đầu ra cho các sản phẩm chăn nuôi dự kiến trong 1-2 tháng tới sẽ tiếp tục giảm. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi vẫn duy trì ở mức cao, càng làm cho người chăn nuôi gặp khó khăn.
Đáng chú ý, mặc dù giá heo và các loại gia cầm giảm mạnh như vậy nhưng giá tại các cửa hàng, siêu thị mini, các chợ truyền thống và các siêu thị vẫn cao với lý giải do nhiều chi phí liên quan đồng loạt tăng, đặc biệt là chi phí vận chuyển.
Người nuôi heo phải chấp nhận nghịch lý?
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, hiện nay tổng đàn gà của tỉnh khoảng 23 triệu con; tổng đàn heo khoảng 1.400.000 con.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, kể từ ngày 19/7, khi 19 tỉnh phía Nam trong đó có TP.HCM thực hiện lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, giá heo hơi ở tỉnh Đồng Nai đã giảm xuống còn khoảng 50.000 - 52.000 đồng/kg, và cho đến nay vẫn xoay quanh mức giá này. Với mức giá này người chăn nuôi đang chịu mức lỗ khoảng một triệu đồng mỗi con heo.
Theo dự đoán của chuyên gia ngành chăn nuôi, cho dù TP.HCM có kế hoạch mở cửa lại một số hoạt động kinh doanh sau ngày 15/9, thì giá heo hơi vẫn sẽ tiếp tục quanh quẩn mức 50.000 đồng/kg trong một thời gian nữa, thậm chí cho đến cuối năm. Và chỉ khi đến cuối năm, nhu cầu tiêu thụ của ngươi dân các dịp lễ Tết tăng mới hy vọng giá heo hơi tăng trở lại, với kỳ vọng đạt mức 60.000 đồng/kg.
Theo ông Đoán, thị trường thịt heo trong nước đang xảy ra một nghịch lý và nghịch lý bắt buộc người chăn nuôi phải chấp nhận.
Cụ thể, hiện nay giá heo hơi tại các vùng sản xuất lớn như Đồng Nai đang ở mức rất thấp nhưng người tiêu dùng ở các thành phố vẫn phải mua thịt heo ở mức cao gấp 2 - 4 lần giá người sản xuất.
Thông tin mà Hiệp hội có được, loại thịt thấp nhất trên con heo có giá bán trên thị trường vẫn cao hơn gấp 2 lần so với giá heo hiện nay, còn thịt ba chỉ có giá trên 200.000 đồng/kg, cao gấp 4 lần giá heo hơi. Giá từ người sản xuất đến người tiêu dùng có một khoảng cách quá xa, người tiêu dùng thì "không có quyền lựa chọn" và nghịch lý này đã khiến cho thị trường thịt trong nước bị méo mó.
Vẫn nguyên do cước vận chuyển tăng cao nên giá thịt heo tăng theo được đưa ra, nhưng trên thực tế khâu vận chuyển không đến nỗi quá khó khăn, những đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển sẵn sàng chấp nhận giảm lợi nhuận cho dù phải mất phí test nhanh và nhiều khoản phí khác, để duy trì mức phí vận chuyển ổn định.
Ví dụ, cước vận chuyển cám từ các nhà máy ở Long An về Đồng Nai trước và hiện nay vẫn mức 2.800.000 đồng/xe 10 tấn như trước dịch. Vì vậy, để phân tích nguyên nhân giá thịt heo tăng mạnh cần phải loại trừ phí vận chuyển ra để thấy tại sao có những bất hợp lý trên thị trường giá thịt heo hiện nay.
Các thương nhân cho rằng, những người phân phối bán lẻ kể cả siêu thị và cửa hàng tiện lợi đang thu lời hàng chục triệu đồng trên mỗi con heo.
“Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến đầu ra heo hơi khó khăn nên người sản xuất phải giá bán “mặt đất” trong khi người tiêu dùng phải mua thịt giá “trên trời” do các nhà phân phối bán lẻ ấn định.
Chỉ khi nào chuỗi cung ứng hàng hóa không bị ách tắc, giá thịt heo trên thị trường mới trở về giá thật và lợi nhuận trong toàn chuỗi từ người phân phối đến người sản xuất mới hài hòa và người tiêu dùng được giá mua hợp lý”, ông Đoán nói.
Người nuôi gia cầm bên bờ phá sản
Nghịch lý là vậy, song tình trạng đối với con heo dù sao cũng ít bi đát hơn so với con gà trắng.
Hôm nay (7/9), giá bán gà trắng trung bình 10.000 đồng/kg tại cửa chuồng. Giá cám bình quân 12.000 đồng/kg. Để có một kg gà thịt cần 2,5 kg cám, tương đương 31.000 đồng tiền cám. Như vậy người chăn nuôi đang lỗ bình quân 20.000 đồng/kg gà (chưa tính tiền con giống). Mỗi hộ nuôi trung bình 10.000 con, với trọng lượng một kg/con, như vậy sẽ lỗ khoảng 200 triệu đồng/hộ.
Giá con giống gà màu là 6.500 đồng/con, và như trên để có 1 kg gà hơi cần khoảng 3 kg cám. Mỗi con gà màu có trọng lượng trung bình 2,5 kg, chi phí tiền con giống và cám là 96.500 đồng/con, giá bán gà màu hiện khoảng 23.000 - 25.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí người chăn nuôi đang lỗ khoảng 34.000 đồng/con.
Ngành chăn nuôi nói riêng và các ngành nghề khác nói chung hiện đang trông chờ dịch bệnh qua đi, để mọi việc trở lại bình thường, để khi đó hy vọng thị trường phục hồi trở lại với các cân đối không bấp bênh và thua lỗ như hiện nay.
Đối với con heo, người nuôi có thể cầm cự mức lỗ khoảng 1 triệu đồng/con chờ qua dịch, nhưng đối với gia cầm thì người chăn nuôi đang đứng trước bờ vực nguy cơ phá sản.