Nhà thờ Vị Hưng được thành lập vào những năm cuối thế kỷ thứ 19 do cha Phaolô Nguyễn Thanh Cần sáng lập. Thời gian đầu, họ đạo tên là Vị Thanh, sau đổi tên thành Vị Hưng, tọa lạc tại khu vực 2, phường 4, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.
Hình ảnh các mái đầu đao uốn cong trên nóc nhà thờ. Mái đầu đao vốn là cách thiết kế đặc trưng của đình chùa Việt Nam, song mái ở nhà thờ Vị Hưng không chạm trổ.
Phong cách kiến trúc phương Đông được thể hiện qua qua nét đường cong trên mái nhà thờ.Theo cha Antôn Vũ Văn Triết, nhà thờ được thiết kế trên ý tưởng tinh thần hội nhập văn hóa, nên kiến trúc nhà thờ Vị Hưng giống nét chung của văn hóa nghệ thuật Việt Nam đã có từ lâu đời như cung đình, đình chùa.
Nhà thờ có bề ngang 21 m và dọc 41 m. Vì diện tích chung hẹp nên phải tận dụng độ cao để thiết kế 2 tầng, tầng trệt và khu hành lễ. Tầng trệt dùng cho các sinh hoạt trong giáo xứ như dạy giáo lý, tập văn nghệ, sinh hoạt thiếu nhi… Việc nâng sàn cho khu hành lễ làm cho không gian nơi này thêm trang nghiêm, trang trọng.
Các vòm cửa ra vào nhà thờ được lấy cảm hứng từ phong cách thiết kế Gothic với hình chóp nhọn hướng lên trời. Các khung cửa sổ được thiết kế hình vòm theo kiến trúc Roman.
Năm 1890, nhà thờ Vị Hưng được xây dựng với nhà thờ bằng lá tại rạch Mùa Ôm, cách nhà thờ hiện nay khoảng 2 km, có 15 gia đình theo đạo lúc đó. Từ năm 1897 đến năm 1915, nhà thờ được dời về kênh xáng Xà No, được cất lại nhiều lần bằng lá, ngói và cột cây.
Năm 1925, cha Phêrô Cao Phước Nhan về nhận họ đạo, bắt đầu xây dựng lại nhà thờ bằng gạch kiên cố, lợp ngói... và khánh thành vào năm 1943 cùng với trường học, nhà xứ, nhà dì phước trong khuôn viên. Tuy nhiên, công trình này bị hư hỏng nhiều trong chiến tranh.
Năm 2007, nhà thờ cũ được tháo dỡ để xây mới. Hầu hết thợ xây nhà thờ đều là giáo dân trong họ đạo, dưới sự hướng dẫn, giám sát về kỹ thuật, thiết kế của thầy Micae Trần Độ. Mọi vật liệu, gạch ngói đều mua từ Đồng Nai chở về kênh Xáng Xà No.
Kiến trúc phương Tây được thể hiện đặc trưng qua các cửa kính Tracery, gồm nhiều ô màu khác nhau ghép lại, lấy ánh sáng tự nhiên bên ngoài làm nổi bật hình ảnh trên ô cửa.
Đến nay, sau 130 năm nhà thờ vẫn còn giữ nhiều công trình, hiện vật từ những ngôi nhà thờ cũ trước kia. Trong đó có tượng thánh gia được xây từ năm 1956 và núi Đức Mẹ Lộ Đức được xây từ năm 1974.