Trong danh sách các công ty tỷ đô của Việt Nam, Thế Giới Di Động vẫn đang là cái tên sáng giá với tham vọng sớm đạt mốc doanh thu 10 tỷ USD.
Forbes Asia vừa công bố danh sách 200 công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD tốt nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2019. Trong đó, Việt Nam đóng góp 7 cái tên gồm: Masan Group, Thế Giới Di Động (MWG), Sabeco, Vietjet Air, Vinamilk, Techcombank và Vingroup.
Đáng chú ý, MWG với sự phát triển bùng nổ cùng một loạt chuỗi bán lẻ điện thoại, điện máy và bách hóa đang có sức bật tốt nhất cùng nhiều triển vọng tiến xa hơn nữa trong tương lai.
Trong 2019, MWG có nhiều khả năng sẽ hoàn thành mức doanh thu 4,6 tỷ USD, vượt mức lợi nhuận ròng dự kiến 150 triệu USD.
Kể từ khi lên sàn, Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động vẫn luôn dẫn đầu trong Top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam.
Một thống kê cho thấy, tại thời điểm năm 2015, doanh thu của MWG là 25.400 tỷ đồng đồng, cùng thời điểm đó một số doanh nghiệp khác cũng cùng gần mức doanh thu này như SAB (27.000 tỷ đồng), VPB (21.500 tỷ đồng) hay thậm chí MSN có doanh thu năm 2015 là hơn 31.000 tỷ đồng.
Sau 4 năm (2015-2018), từ mức 25.000 tỷ đồng, doanh thu của MWG đã tăng lên tới 86,5 ngàn tỷ đồng, gấp 3,4 lần. Trong khi VPB có mức tăng trưởng ấn tượng nhất cũng chỉ đạt 49.500 tỷ đồng, bằng 2,3 lần. SAB tăng lên 36.000 tỷ đồng năm 2018, gấp 1,34 lần và Masan thậm chí chỉ tăng doanh thu lên 8.000 tỷ đồng, đạt 39.000 tỷ đồng năm 2018. Cứ mỗi năm, MWG đều tạo ra cách biệt về doanh thu năm sau so với năm trước tới gần 1 tỷ (USD), tương đương 20.000 tỷ đồng đồng.
Nhìn vào biểu đồ có thể thấy, dù cùng ở một vạch xuất phát, MWG đã có cú bứt phá vô cùng ngoạn mục. Chưa kể, mục tiêu 2020 của công ty tiếp tục là một con số khổng lồ với 122.500 tỷ đồng và lợi nhuận tăng đến 34,4% so với mục tiêu 2019. Nhờ duy trì được tốc độ tăng trưởng vũ bão này (ước tính đạt tốc độ tăng trưởng kép về doanh thu hơn 52%/năm), MWG đang tiến rất gần đến mục tiêu 10 tỷ USD bằng việc mở rộng rất nhanh lĩnh vực kinh doanh như Điện máy Xanh, Bách hóa Xanh vốn là những chiếc bánh lớn, thị trường còn mới mẻ, rất phù hợp cho một “doanh nghiệp chuyên khai phá và sắp xếp thị trường” như MWG.
Theo GfK, 40% thị phần bán lẻ điện máy đang thuộc về Điện máy Xanh, bỏ khá xa các đối thủ Nguyễn Kim (70 cửa hàng), Điện máy Chợ Lớn (71 cửa hàng). Với nhiều lĩnh vực còn nhiều dư địa để khai thác như đồng hồ, mắt kính, gia dụng… Điện máy Xanh có khá nhiều cơ hội gia tăng doanh thu và thị phần lên nữa.
Chưa kể, Bách hóa Xanh mặc dù đã có tới 1.000 cửa hàng, chuỗi này dường như vẫn còn chưa tham gia đầy đủ và đáng kể vào cuộc chơi bán lẻ hàng thực phẩm tiêu dùng. Dung lượng thị trường của ngành này còn quá rộng lớn và vì thế còn quá nhiều đất để Bách hóa Xanh còn kiếm được thêm doanh thu. Một khi doanh thu Bách hóa Xanh vượt tổng doanh thu thegioididong.com và Điện máy Xanh cộng lại, theo tính toán của các lãnh đạo công ty, đó là lúc MWG sẽ đạt được 10 tỷ USD.
Không ngừng tăng trưởng thần tốc bất chấp thị trường bán lẻ cạnh tranh khốc liệt đến mức nhiều doanh nghiệp ngã ngựa, giải thể, Thế Giới Di Động vẫn là cái tên mang lại lợi nhuận và sự an tâm cao cho nhà đầu tư. Điều đó lý giải vì sao MWG cũng là 1 trong 5 mã bluechip tăng giá mạnh nhất trong năm 2019.
Theo M.H / baodautu.vn
Nguồn:https://baodautu.vn/ngoi-sao-nao-sang-nhat-trong-cau-lac-bo-ty-do-cua-viet-nam-d114206.html