Thành phố tạm "dừng mọi hoạt động" thêm 10 ngày do thời gian ủ bệnh chủng Delta là 14 ngày, các ca lây nhiễm cộng đồng còn nhiều.
Thông tin được ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng, cho biết tại họp báo chiều 24/8.
Sáng nay, Thường trực Thành uỷ đã làm việc với Uỷ ban thành phố và thống nhất "tiếp tục áp dụng cách ly xã hội". Ngày mai, Chủ tịch thành phố sẽ ban hành quyết định cụ thể để người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước áp dụng sau thời điểm 8h ngày 26/8.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tại buổi họp báo chiều 24/8. Ảnh: Nguyễn Đông.
Lý giải về quyết định này, ông Minh cho biết nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn Đà Nẵng đang rất cao. Số ca mắc mới tiếp tục ghi nhận ở mức cao. Ngày 24/8 có 153 ca, trong đó riêng phường Hoà Thuận Đông (quận Hải Châu) ghi nhận 47 ca. Chuỗi lây nhiễm ở chợ đầu mối có "nguy cơ rất cao", sau 12 ngày đã ghi nhận 999 người mắc Covid-19.
Theo ông Minh, dự kiến trong 10 ngày tới, thành phố thực hiện việc cách ly theo ba vùng, dựa trên cơ sở xét nghiệm toàn dân lần thứ 3 (tối 25/8 có kết quả). "Vùng đỏ" phải thực hiện nghiêm việc cách ly y tế đủ 14 ngày. "Vùng xanh" áp dụng cao hơn Chỉ thị 16.
Riêng "vùng vàng", nguy cơ và nguy cơ cao, sẽ yêu cầu người dân ở yên trong nhà. Siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi được hoạt động. Thành phố "mở hơn" bằng việc cho phép tăng số lao động làm việc từ 30 lên 60%; cho phép lao động được thực hiện "hai điểm đến, một cung đường".
Bên cạnh đó, nhân viên công sở được làm việc tại cơ quan không quá 10% số người của cơ quan, đơn vị. Những đơn vị đặc thù về phòng chống dịch sẽ thực hiện theo nhu cầu thực tế. Các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp thực hiện "ba tại chỗ" và bố trí không quá 30% số lao động.
"Các quyết định trước đây chỉ có doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và Khu Công nghệ cao được làm việc, còn lần này thành phố mở ra cho các doanh nghiệp ở ngoài, nếu đảm bảo điều kiện 3 tại chỗ và không quá 30% công suất", ông Minh nói thêm.
Với các công trình trọng điểm của thành phố đang trong thời gian xây dựng, Chủ tịch UBND thành phố quyết định.
Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến cho biết biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh, có nhiều gia đình toàn bộ thành viên đều bị lây nhiễm. Bên cạnh đó, thời gian ủ bệnh là 14 ngày nên thành phố cần ít nhất 14 ngày mới đánh giá được hiệu quả rõ ràng việc áp dụng biện pháp "nhà cách ly với nhà".
"Gần 9 ngày qua, thành phố đã bóc rất nhiều F0 ra khỏi cộng đồng để điều trị, cắt đứt nguồn lây. Với nguy cơ như hiện nay, nếu tiếp tục thực hiện "ai ở đâu ở đó", F0 sẽ ít và kéo theo số F1 ít, thành phố sẽ dễ kiểm soát được tình hình", bà Yến nói.
Đà Nẵng đang tập trung xét nghiệm toàn dân lần 3, dự kiến hoàn thành vào 25/8. Ảnh: Nguyễn Đông.
Để giải quyết vấn đề cung cấp nhu yếu phẩm bị chậm khi nhiều người dân đặt mua ở các siêu thị, cửa hàng, thông qua các tổ dân phố, thành phố cho phép nâng tổng số lao động từ 30 lên 60%. Số lao động này được ưu tiên tiêm vaccine, xét nghiệm 3 ngày/lần, công an cấp giấy nhận diện đi đường và áp dụng chặt việc thực hiện hai điểm đến một cung đường.
Giám đốc Sở Công Thương Lê Thị Kim Phương cho biết, thành phố cũng đề nghị các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng cung ứng lương thực thực phẩm chủ động ký hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp shipper và chuyển danh sách về cho ngành công thương tổng hợp để gửi ngành y tế xét nghiệm, tiêm vaccine để công an cấp giấy đi đường. Shipper phải mang đồ bảo hộ, kính chống giọt bắn, đeo găng tay, sát khuẩn khi giao hàng.
Để cung ứng thêm thịt tươi sống cho người dân, trong tối nay thành phố sẽ cho mở lại lò mổ gia súc, gia cầm Đà Sơn (lò mổ lớn nhất Đà Nẵng phải đóng cửa vì liên quan đến chuỗi lây nhiễm Covid-19). Lò mổ được hoạt động với 30% lao động, thực hiện "ba tại chỗ", xét nghiệm Covid-19 và tiêm vaccine.
Riêng chợ truyền thống, thành phố "sẽ cho phép mở lại trong điều kiện thích hợp", khi dịch được kiểm soát. Trong đó, ưu tiên mở hai chợ cấp thành phố là chợ đầu mối và chợ Cồn; cấp quận, huyện sẽ mở mỗi địa phương từ 2 đến 3 chợ.
Shipper mang đồ bảo hộ đi giao hàng, trưa 24/8. Ảnh: Nguyễn Đông.
Theo kế hoạch, Đà Nẵng cần tiêm vaccine cho hơn 800.000 người (mũi 1). Đến nay thành phố mới chỉ tiêm 140.000 người, chiếm khoảng 16%. Nếu nhận đủ vaccine, thành phố có thể hoàn thành tiêm vaccine cho toàn dân trong một tháng (năng lực từ 20.000 đến 35.000 người/ngày).
"Tuỳ theo tình hình tiêm vaccine và dịch tễ, thành phố sẽ có các biện pháp khôi phục kinh tế, xã hội phù hợp với từng giai đoạn. Nếu tiêm đủ vaccine, đạt được miễn dịch cộng đồng sớm, thành phố sẽ trở lại trạng thái bình thường mới", ông Minh nói thêm.
Từ ngày 4/5 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 3.399 ca mắc Covid-19. Trong đó đợt dịch từ ngày 10/7 đến nay là 3.149 ca. 1.820 bệnh nhân đang điều trị. Thành phố đã quyết định mở rộng thêm Bệnh viện dã chiến Khu ký túc xá phía Tây thêm 2.000 giường bệnh.