Tăng trưởng thấp, thu ngân sách cao là một trong những điểm tối nổi bật trong bức tranh kinh tế Việt Nam được đưa ra trong Báo cáo kinh tế vĩ mô Quý I/2016 vừa được Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương công bố.
Tăng trưởng thấp, thu ngân sách cao – nghịch lý nền kinh tế
“Tăng trưởng thấp có nghĩa là doanh nghiệp, người dân đang thất thu, đang khó khăn, nhưng nhà nước vẫn tăng các loại thuế phí. Rõ ràng thu ngân sách không dựa trên tăng trưởng”, ông Cung thẳng thừng chỉ rõ.
Một trong những minh chứng cụ thể cho nghịch lý này: chỉ số CPI tăng 0,99% so với năm 2015 là do giá thuốc và dịch vụ y tế tăng khoảng 1,33%. Rõ ràng sự tăng trưởng CPI không phản ánh sự phục hồi của kinh tế mà là do giá thuốc và dịch vụ y tế tăng. Ngân sách nhà nước (NSNN) tăng, nhưng lại tạo gánh nặng cho người dân, đặc biệt là người nghèo trong xã hội.
Một trong những điểm đáng lưu ý khác trong điều hành ngân sách của Chính phủ những năm gần đây là chi đầu tư ngày càng “teo tóp”, còn chi thường xuyên và chi khác lại tăng lên. Cơ cấu chính sách có sự bất lợi cho tăng trưởng trung và dài hạn. Theo đó, trong giai đoạn 2007-2013, chi đầu tư chiếm tỷ trọng trung bình trong tổng chi là 27,7%. Tuy nhiên, trong hai năm 2014-2015, chi đầu tư chỉ còn 16,3% và 15,6% tổng chi.
Là nền kinh tế ở mức thu nhập trung bình thấp, đầu tư công là rất quan trọng để tạo nền tảng kinh tế - kỹ thuật cho nền kinh tế. Do đó, tỷ lệ chi đầu tư thấp, bất lợi cho tăng trưởng trung, dài hạn như vậy là một điều đáng lo ngại. Và nếu cứ tiếp tục đà cơ cấu chi ngân sách như hiện nay thì tăng trưởng sẽ khó mà tăng, mục tiêu giảm nợ công của Việt Nam cũng sẽ còn rất xa và rất khó khăn.
Nợ tăng quá nhanh, đè thêm áp lực ngân sách
Cũng theo báo cáo của CIEM, nợ công của nước ta đang tăng nhanh, được đánh giá là cao nhất so với các nước trong khu vực. Năm 2015 nợ công đã đạt xấp xỉ 63% GDP. Đây là con số cho thấy nợ công của Việt Nam đã đụng trần.
Nghĩa vụ trả nợ công của Việt Nam đặc biệt tăng lên nhanh chóng trong vài năm gần đây, và lên đến hơn 418.000 tỉ đồng năm 2015. Báo cáo cho biết, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ tăng từ 185.800 tỉ đồng năm 2013 lên 296.200 tỉ đồng năm 2015.
Do tốc độ nghĩa vụ trả nợ công tăng, mà tỷ lệ này thường tỉ lệ thuận với thu NSNN, nên thu NSNN quý I/2016 cũng tăng nhanh.
Nói về vấn đề này ông Nguyễn Anh Dương, đại diện nhóm nghiên cứu kinh tế vĩ mô Việt Nam cho biết: Thu ngân sách quý I/2016 ở mức tương đối cao, đạt 27,1% GDP (cao hơn nhiều so với các quý II và quý IV năm 2015).
Một trong những nguyên nhân tạo áp lực lên tăng thu NSNN là do áp lực nợ công tăng nhanh.
Đáng lưu ý, “có thể tăng thu ngân sách trong thời gian này sẽ làm giảm thu trong thời gian tới”, ông Dương lo ngại. Trong bối cảnh đó, chúng ta sẽ lấy gì bù vào các khoản thu này để lo cho nợ công?
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM đưa ra những lo ngại của mình về vấn đề nợ công “đụng trần”. Ông cho biết: Nợ công nước ta liên tục tăng và đã trở thành nước có nợ công cao nhất trong khu vực. Điều này thật khó hiểu khi nợ công của chúng ta ở mức “ngất ngưởng” nhưng môi trường kinh doanh lại được đánh giá là kém nhất khu vực (đứng thứ 6, thứ 7 trong khu vực Asean).
Ông Cung cũng cho biết thêm: Cho tới thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa thấy điểm dừng của giảm chi ngân sách, giảm chi thường xuyên để làm ngân sách bền vững hơn. Điều này sẽ làm cho tỉ lệ nợ công ngày càng xấu đi. Và dường như bài toán “tăng thu, giảm bội chi ngân sách” ở Việt Nam không còn tỏ ra hiệu quả.
Báo cáo cũng ước tính, nếu chỉ tính riêng nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ, tỷ lệ này là 22,4% NSNN năm 2013, tăng lên mức 29,9% năm 2015.
“Đây sẽ là áp lực rất lớn đối với chi NSNN, nếu phát hành trái phiếu chính phủ không đạt mục tiêu đề ra”, báo cáo khẳng định
Nguyễn Thoan / BizLIVE