Tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng ở mức khá cao, đến cuối tháng 10/2016 đã đạt trên 67,4 triệu tài khoản cá nhân (so với mức 16,8 triệu tài khoản vào cuối năm 2010).
Tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng ở mức khá cao. (Ảnh: internet)
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam cho biết giai đoạn năm 2010-2016, tỷ trọng sử dụng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán đã giảm đáng kể.
Vụ thanh toán (NHNN) cho biết, tỷ trọng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán có xu hướng giảm dần, từ 14,02% năm 2010 còn khoảng 12% hiện nay; tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng ở mức khá cao, đến cuối tháng 10/2016 đã đạt trên 67,4 triệu tài khoản cá nhân (so với mức 16,8 triệu tài khoản vào cuối năm 2010).
Tính đến cuối tháng 10/2016, số tài khoản cá nhân trên cả nước đã đạt 67,4 triệu, tăng 4 lần so với cuối năm 2010, tương đương cứ 10 người dân Việt Nam sẽ có 7 tài khoản cá nhân.
Cũng tính đến thời điểm cuối tháng 10/2016, số lượng các máy chấp nhận thẻ (POS) đã tăng gần 14% so với cuối năm 2015, đạt 254.000 POS. Cùng thời điểm, trên cả nước có tất cả 17.379 ATM được lắp đặt gồm cả các ngân hàng trong nước và ngân hàng vốn nước ngoài, tăng 5,39% so với cuối năm 2015. Số lượng thẻ phát hành trên cả nước đã đạt trên 110,8 triệu thẻ, tăng 11,36% so với cuối năm 2015.
Theo NHNN, cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán điện tử, tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả; công nghệ thanh toán khá tiên tiến, hiện đại.
Hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho thanh toán thẻ được cải thiện chất lượng, tập trung đầu tư phát triển, số lượng các máy chấp nhận thẻ (POS) có tốc độ tăng trưởng nhanh; đến cuối tháng 10/2016, trên toàn quốc có trên 254.000 POS và 17.379 ATM được lắp đặt (tăng lần lượt là 13,77% và 5,39% so với thời điểm cuối năm 2015).
Các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán điện tử, được phát triển mạnh và đa dạng với nhiều sản phẩm, phương tiện mới, an toàn, tiện lợi, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán của khách hàng, phù hợp với xu thế thanh toán trong khu vực và trên thế giới.
Một số NHTM đã chủ động trong việc đầu tư, áp dụng nhiều giải pháp công nghệ thanh toán mới, hiện đại, như xác thực vân tay, sinh trắc, sử dụng mã QR Code, thanh toán phi tiếp xúc, mang lại tiện lợi và an toàn trong giao dịch thanh toán điện tử.
Công tác an ninh, an toàn, bảo mật trong thanh toán điện tử được tăng cường, các hệ thống công nghệ của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán phục vụ cho thanh toán điện tử cơ bản được đảm bảo an toàn và bảo mật.
Mới đây, Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng phê duyệt. Mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán dưới mức 10%. Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng tối thiểu đạt 70%. Đáng chú ý là định hướng ban hành các cơ chế, chính sách thích hợp về phí dịch vụ thanh toán để khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; quy định mức phí thanh toán chuyển khoản và mức phí nộp, rút tiền mặt tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo hướng tăng mức phí giao dịch tiền mặt và giảm phí thanh toán không dùng tiền mặt; giảm mức phí áp dụng cho các giao dịch thanh toán liên ngân hàng; quy định về cách thức tính phí, cơ cấu phân bổ phí của các tổ chức vận hành các hệ thống thanh toán, đảm bảo mức phí hợp lý, tạo lập thị trường cạnh tranh bình đẳng, tránh độc quyền. Nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, Chính phủ định hướng xem xét bổ sung quy định các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh phải mở tài khoản thanh toán tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán để thực hiện các giao dịch thanh toán; ban hành quy định giao dịch mua bán bất động sản và những tài sản có giá trị lớn (như ôtô, xe máy, tàu thuyền,…) thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài ra, đề án còn xác định các yêu cầu, mục tiêu khác để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực hành chính công, trợ cấp xã hội… |
Linh Nga / DĐDN