Nhà mạng Mobifone triển khai đổi sim rầm rộ tại một số tỉnh thành, trong khi Vinaphone khá dè dặt, còn Viettel dù đã triển khai bán sim 4G nhưng chỉ cho phép truy cập hạn chế tại một số điểm nhất định.
Tuy đã thử nghiệm từ khá lâu, nhưng mãi tới giữa năm nay, các nhà mạng mới bắt đầu triển khai dịch vụ 4G tới khách hàng trên diện rộng. Dù chỉ giới hạn ở một số khu vực thuộc các tỉnh thành nhất định, nhưng điều đó đã không ngăn được người dùng tìm đến để đăng ký trải nghiệm phương thức kết nối di động tốc độ cao này.
Các chi nhánh hỗ trợ đổi sim 4G luôn đông người.
Tại các điểm đăng ký, người dùng có thể trải nghiệm trước tốc độ kết nối của mạng 4G thông qua những chiếc smartphone gắn sẵn sim 4G đặt trên kệ. Khu vực này cũng luôn tập trung rất đông người, hầu hết đều rất háo hức muốn được thử xem mạng 4G mạnh hơn 3G như thế nào. Bên cạnh đó, người dùng có thể đổi sim để sử dụng kết nối Internet tốc độ cao.
"Dù bình thường, tôi chỉ có nhu cầu đọc báo, xem phim và lướt mạng xã hội, nhưng khi 4G vừa triển khai thử nghiệm tôi vẫn hứng thú. Tôi đã thử xem phim trên YouTube ở độ phân giải 4K nhưng không bị giật hay đứng hình", Duy Phương, sinh viên trường Đại học Dân lập Văn Lang, cho biết khi đang trải nghiệm 4G tại một chi nhánh của Mobifone nằm trên đường Nguyễn Du (quận 1, TP.HCM).
"Tôi thích trực tiếp video trên Facebook và chia sẻ cho người thân, bạn bè nhưng đang phụ thuộc vào wi-fi vì mạng 3G hiện tại chưa đủ mạnh, khiến việc streaming video chập chờn, hình ảnh không được rõ nét, âm thanh thường bị tiếng vọng… Sau khi đổi sim, những điều khó chịu ấy gần như không còn. Nhưng việc chỉ phủ sóng ở một vài quận khiến mạng không được ổn định, thường xuyên chuyển về 3G", Thu Hoài, nhân viên văn phòng tại quận 3, TP.HCM chia sẻ.
"Tôi từng đi du lịch và trải nghiệm 4G ở một số nước. Trước mắt, tôi thấy tốc độ khá cao khi dùng xem phim và tải tài liệu trên cùng chiếc iPhone 6s, tương đồng với những nơi tôi đã đi qua. Tuy nhiên, để có thể đánh giá tổng thể, cần phải có thêm thời gian trải nghiệm", anh Phong, một hướng dẫn viên du lịch, nói.
Không chỉ người dùng Việt, các du khách nước ngoài cũng khá hào hứng với mạng 4G. Chị Isla, khách du lịch đến từ Australia, tiết lộ: "Ngoài nhu cầu cá nhân, tôi muốn là một trong những du khách đầu tiên trải nghiệm mạng 4G tại Việt Nam. Tốc độ truyền tải dữ liệu dù chưa thể bằng với đất nước tôi nhưng cũng đủ làm tôi ấn tượng, nhất là khi đang được thử nghiệm".
Bên cạnh đó, có khá nhiều người dùng quan tâm đến lợi ích mà nó mang lại tùy theo ngành nghề đặc thù của mình, hơn là đến để thử nghiệm "cho vui". Anh Quang, một người kinh doanh Uber, cho biết rất quan tâm đến 4G để phục vụ công việc của mình. "Tôi đang sử dụng 3G kèm bộ phát trên xe để phục vụ khách nhưng anh rất mong chờ 4G để tốc độ mạng nhanh hơn. Bởi, bí quyết riêng của tôi để có nhiều khách Uber là kết nối Internet trên xe phải thật ổn định", anh Quang chia sẻ sau khi đăng ký sim 4G tại trung tâm Mobifone trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội).
Tốc độ mạng 4G khi so sánh với 3G của Mobifone tại quận 1 (TP.HCM)
Những thử nghiệm tại nơi phát hành sim cho thấy, tốc độ mạng 4G hơn hẳn 3G lên tới chục lần. Cụ thể, với Mobifone là 200 - 220 Mb/giây khi tải xuống và khoảng hơn 40 - 45 Mb/giây khi tải lên. Tương tự, trải nghiệm tốc độ của mạng Viettel tại Vũng Tàu cũng lên tới 220 Mb/giây khi tải xuống và 45 Mp/giây khi tải lên. Trong khi với Vinaphone, tốc độ không hề thua kém, 170 - 230 Mb/giây (tải về) và 35 - 40 Mb/giây (tải lên). Tất cả đều thử nghiệm bằng phần mềm Speedtest.
Mặc dù vậy, đa số người dùng đều có chung nhận xét rằng tốc độ mạng ở nơi thử nghiệm khá cao, nhưng kém dần, thậm chí tự động chuyển sang 3G nếu ra ngoài đường. Bên cạnh đó, độ ổn định cũng rất thấp. Nguyên nhân, theo đại diện của một nhà mạng, là do cơ sở hạ tầng chưa ổn định và ngay trong một khu vực, không phải tất cả đều phủ sóng 4G.
Mặc dù đã được Bộ TT&TT cấp phép thử nghiệm 4G và dù nhu cầu lớn từ phía người dùng, nhưng các nhà mạng vẫn khá tỏ ra dè dặt. Vinaphone hiện chỉ phủ sóng tại Phú Quốc và một số quận của TP.HCM. Một nhân viên của nhà mạng này tại chi nhánh trên đường Nguyễn Du (TP.HCM) cho biết, hiện Vinaphone đã giới hạn thử nghiệm nhằm đánh giá tình hình cơ sở hạ tầng, cũng như lựa chọn sóng thích hợp để triển khai mạng 4G vào cuối 2016, đầu 2017.
Trong khi đó, Viettel dù mới chỉ thử nghiệm tại thành phố Vũng Tàu và một số địa điểm tại Hà Nội nhưng đã triển khai bán rộng rãi sim 4G ra thị trường. Loại sim mới vẫn hỗ trợ kết nối 2G và 3G, nhưng nếu xuống khu vực Vũng Tàu và nơi có sóng 4G, máy sẽ tự động chuyển sang mạng này. Đây được xem là bước đi quan trọng nhằm chuẩn bị tốt nhất trước khi hãng triển khai 4G chính thức.
Mobifone triển khai tuy khá muộn so với 2 nhà mạng còn lại, từ 1/7, nhưng có phần rầm rộ hơn và cũng hỗ trợ nhiều khu vực hơn, gồm Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. So với Vinaphone và Viettel, lượng khách đến đổi sim Mobifone đông hơn, đa phần là những người trẻ như sinh viên hay nhân viên văn phòng, công chức… độ tuổi 20-35. Tại đây, họ có thể xem trước tốc độ của mạng thông qua chiếc smartphone gắn sẵn sim 4G ở khu vực trải nghiệm, hoặc có thể đổi sim với giá 25.000 đồng và gắn lên điện thoại của mình.
Tại các điểm giao dịch, trừ nhà mạng Vinaphone đã giới hạn, việc đăng ký sim 4G khá đơn giản, khách hàng chỉ cần chứng minh thuê bao đang dùng là của mình (bằng cách đưa cho nhân viên giao dịch chứng minh nhân dân) là đã có thể nhận sim 4G và gắn vào điện thoại để dùng, tất nhiên, thiết bị cũng phải hỗ trợ 4G mới sử dụng được. Ngoài Mobifone thu phí, các nhà mạng khác hỗ trợ chuyển đổi sang sim mới mà không hề bị mất tiền.
Theo Vnexpress