Việt Nam đang đón thời kỳ hậu công nghiệp hóa đến sớm hơn bao giờ hết. Tại các nước thuộc thế hệ công nghiệp hóa đi trước, dòng vốn sẽ chảy vào công nghiệp trước rồi mới chảy vào bất động sản, dịch vụ. Ở Việt Nam thì dường như ngược lại khi mà số tỷ phú bất động sản là quá nhiều.
Hôm ngày 10/3, trong buổi hội thảo khoa học quốc tế “Chính sách công nghệ quốc gia tới năm 2025, tầm nhìn 2035” được tổ chức bởi Ban kinh tế Trung ương, câu chuyện phát triển công nghiệp bị bỏ bẵng mà thay vào đó lại tập trung phát triển các ngành như bất động sản, thương mại dịch vụ lại được nhắc đến.
Đi sau đến 6 thời kỳ mà vẫn chưa thể đón đầu được
Khởi đầu bằng bài phát biểu của Giáo sư Trần Văn Thọ - Giáo sư kinh tế học đến từ Đại học Waseda khi ông lập luận rằng Việt Nam chúng ta hiện nằm trong thế hệ các nước công nghiệp hóa thứ 6.
Trước đó, trong lịch sử, nước Anh với đầu máy hơi nước trong thế kỷ 19 được xem là thế hệ nước công nghiệp hóa đầu tiên. Kế đến là Mỹ ở thế hệ công nghiệp hóa thứ 2. Nhật Bản với bước nhảy kinh tế thần kỳ sau thế chiến II được coi là nước thế hệ công nghiệp hóa thứ 3. Thế hệ thứ 4 được biết tới là Hàn Quốc, Singapore. Thế hệ gần đây nhất là những nước mới nổi như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc. Việt Nam, do phát triển chậm hơn nên có thể được xếp ở thế hệ công nghiệp hóa thứ 6 – theo Giáo sư Thọ.
Xuất phát điểm sau có nghĩa là Việt Nam có cơ hội đi tắt đón đầu trong công cuộc phát triển nền công nghiệp. Tuy nhiên, vị Giáo sư cho rằng dường như chúng ta vẫn chưa thể tận dụng được lợi thế của người đi sau, khi mà nhiều vấn đề đã bộc lộ ra trong quá trình phát triển công nghiệp.
Cụ thể, dù có đà tăng trưởng liên tục trong nhiều năm và được coi là “lá cờ đầu” của nền kinh tế năm qua nhưng phải nhìn nhận thẳng rằng công nghiệp nước ta vẫn đang ở trình độ thấp.
Nội lực của cả ngành công nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vốn nước ngoài. Kết quả dẫn đến là những con số biết nói: năng suất lao động công nghiệp của Thái Lan, Malaysia gấp 6,4 lần chúng ta, còn của Philippines thì cũng cao gấp 3,6 lần.
Theo Giáo sư Thọ, nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là năng lực quản trị Nhà nước còn chưa tốt, các chính sách chậm cải thiện và chưa được thực thi đầy đủ...
Người Nhật Bản, người Hàn Quốc thì giàu nhờ công nghiệp, còn người Việt thì giàu nhờ bất động sản
Trong các lý thuyết kinh tế, có một thời kỳ mang tên “hậu công nghiệp hóa” – lúc mà các ngành sản xuất đã đủ lớn, dòng vốn trong nền kinh tế sẽ tự khắc chuyển sang đổ vào các ngành như thương mại, dịch vụ. Tất cả các nước công nghiệp thế hệ trước đều trải qua giai đoạn này trong công cuộc phát triển kinh tế của họ.
Nhìn sang Việt Nam, dường như chúng ta là một “extraordinary case” (Tạm dịch: một trường hợp kỳ lạ - nguyên văn từ của chuyên gia nói trong buổi hội thảo) khi thời kỳ hậu công nghiệp hóa có vẻ như đang đến quá sớm.
Ở những quốc gia đã phát triển công nghiệp thành công như Nhật Bản, Hàn Quốc... thời kỳ hậu công nghiệp hóa thường chỉ đến khi thu nhập bình quân tính bằng GDP tính theo đầu người đạt ngưỡng 30.000 USD. Khi đó, quy mô nền kinh tế đã đủ lớn và các ngành sản xuất cũng đã nhận no nê vốn.
Còn ở Việt Nam lúc này, GDP bình quân đầu người mức là 3.000 USD, bằng 1/10 con số thu nhập trên, song nhưng dường như thời "hậu công nghiệp hoá” đang đến sớm hơn bao giờ hết. Bằng chứng là đường đi của dòng vốn trong nền kinh tế lúc này đang thay vì "chảy" vào lĩnh vực sản xuất thì lại được rót quá nhiều vào bất động sản, thương mại...
Vì vậy, không khó hiểu dù đã phát triển nhiều năm nhưng công nghiệp Việt Nam cứ nhỏ mà chờ mãi vẫn chưa lớn.
Dẫn lấy trường hợp của Nhật Bản, ông Thọ cho hay 8/10 người giàu tại đây thành công nhờ đầu tư vào sản xuất công nghiệp, hay như ở Hàn Quốc, những doanh nghiệp hàng đầu thống trị nền kinh tế nước này - các chaebol - cũng đều có cốt lõi là xoay quanh các ngành sản xuất, chứ tuyệt nhiên không phải giàu dựa vào bất động sản như ở Việt Nam.
"Ở Việt Nam, xu hướng này lại đang diễn ra ngược lại. Bất động sản luôn nằm trong những lĩnh vực thu hút nhiều nhất nguồn lực đầu tư trong, ngoài nước gần chục năm qua” - Giáo sư Thọ nói.
Khẳng định nếu đất nước chỉ "giàu lên" nhờ bất động sản không thôi thì công nghiệp - ngành lõi của kinh tế - khó mà phát triển, Giáo sự Trần Đình Thọ kết luận:
“Nếu chỉ có bất động sản, thương mại không thôi thì Việt Nam không thể có ngành công nghiệp thành công như mong muốn. Việt Nam cần phát triển càng sớm càng tốt công nghiệp theo chiều sâu để chống lại tình trạng hậu công nghiệp hóa đến sớm” .
Vũ Hán
Theo Trí Thức Trẻ