Trong hơn 1.700 cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng trang sức được thanh kiểm tra trong năm 2015 thì có tới 432 cơ sở vi phạm về các tiêu chí chất lượng, tuổi vàng. Thực tế này đặt ra cho các cơ quan quản lý Nhà nước cần có thêm những quy định, chế tài cụ thể để quản lý mặt hàng vàng trang sức và người tiêu dùng cũng nên có những tìm hiểu cẩn thận hơn trước khi mua hàng.
Tràn lan gian lận tuổi vàng
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2015, các Sở Khoa học và Công nghệ của 51/63 tỉnh thành của cả nước đã tiến hành thanh kiểm tra 1.718 cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng, mỹ nghệ và phát hiện có tới 432 cơ sở (25%) có vi phạm. Những vi phạm chủ yếu bao gồm: Ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, cân không đạt yêu cầu về đo lường, hàm lượng vàng không đạt theo công bố.
Từ đầu năm 2016 đến giữa tháng 8/2016, các Sở Khoa học và Công nghệ thanh tra hơn 580 cơ sở kinh doanh vàng, phát hiện hơn 183 cơ sở vi phạm các quy định về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng và nhãn mác với số tiền xử phạt gần 1,6 tỷ đồng.
Việc gian lận tuổi vàng, chất lượng sản phẩm không đảm bảo, giá trị bán lại thường thấp hơn rất nhiều khi mua đã trở nên phổ biến trong thời gian qua, nhất là với những khách hàng mua vàng tại các cửa hàng nhỏ lẻ.
Chị Nguyễn Thị Thuận trú tại phố Hồng Mai - Hà Nội chia sẻ: Đầu năm 2016 tôi có mua một dây chuyền tại cửa hàng vàng bạc trên phố Bạch Mai, ghi rõ trong phiếu mua hàng là vàng 18K (7,5 tuổi). Mới đây, do cần tiền nên tôi mang dây chuyền đi bán nhưng nhân viên đo tuổi vàng lại bảo vàng chỉ được 6,8 tuổi. Khi thắc mắc sao sản phẩm bị thấp tuổi so với giấy bán hàng thì nhân viên lý giải thích “Vàng của chị chỉ 6,8 tuổi thôi nhưng bị nơi bán cũ bán khống với giá vàng 7,5 tuổi"!.
“Chiếc dây chuyền vì thế chỉ bán được gần 2 triệu đồng trong khi lúc mua giá là 3,2 triệu. Từ giờ có lẽ tôi chả dám mua vàng trang sức trôi nổi nữa” - chị Thuận nói.
Theo các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc, thực tế trên thị trường hiện nay nhiều sản phẩm trang sức thường có chất lượng kém, dùng một thời gian ngắn đã xỉn màu, mất độ sáng bóng, bị trầy xước, móp méo, gẫy đứt và hao mòn nhiều vàng trong quá trình sử dụng. Đối với nhiều sản phẩm trang sức gắn đá, các chi tiết của sản phẩm không sắc nét, chấu giữ đá thân mỏng, nhỏ, yếu dễ làm rơi đá, giảm giá trị của sản phẩm. Thậm chí nhiều loại đá, ngọc gắn cùng trang sức mặc dù được giới thiệu là đá quý nhưng do không có xác nhận về chất lượng nên khi bán lại thường không được tính cùng với vàng, gây thiệt hại cho người mua.
Siết chặt quản lý
Đại diện Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam chia sẻ: Thị trường vàng trang sức có rất nhiều thương hiệu lớn, có uy tín, người tiêu dùng nên lựa chọn các doanh nghiệp có tên tuổi để mua nhằm đảm bảo giá trị của sản phẩm, khi muốn bán lại cũng thuận lợi hơn.
Theo vị đại diện này, bên cạnh các ưu điểm về mẫu mã đa dạng, sản phẩm được chế tác tinh xảo do được sản xuất trên thiết bị, máy móc công nghệ cao, các công ty kinh doanh vàng trang sức có tên tuổi thường nhập nguyên liệu vàng chất tinh khiết 999.9 Au (24k) chất lượng quốc tế, đảm bảo sản phẩm luôn đúng tuổi vàng nên người tiêu dùng có thể yên tâm khi mua hàng.
Ngoài ra, các loại đá ngọc quý thiên nhiên cũng được doanh nghiệp tuyển chọn kỹ lưỡng và thẩm định nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc tế, có chứng thư kiểm định tại các viện GIA, GIV, HRD, VMI, cung cấp đầy đủ về độ tinh khiết, màu sắc, chất lượng, giác cắt, hình dáng giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn và khi bán lại được giá cao.
Chia sẻ về quy trình sản xuất sản phẩm nữ trang, lãnh đạo Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu cho hay, mọi công đoạn sản xuất của doanh nghiệp được kiểm soát chặt chẽ nên trang sức đảm bảo kỹ mỹ thuật, trọng lượng, tuổi vàng. Sản phẩm có đóng dấu kí mã hiệu đầy đủ, thể hiện trách nhiệm của nhà sản xuất đối với quyền lợi của khách hàng trong suốt quá trình sử dụng, giúp khách hàng thuận tiện trong giao dịch.
Được biết, để quản lý tốt thị trường vàng trang sức cũng như đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, Bộ Khoa học và Công nghệ đang chủ trì soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 80 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trong đó bổ sung thêm các hành vi vi phạm về lưu thông vàng trang sức và mỹ nghệ.
Đặc biệt, cơ quan này cũng đã có văn bản kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP trong đó quy định quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ trong sản xuất, nhập khẩu.
Thùy Linh / baocongthuong.com.vn