Nhiều người đi vay ngân hàng ở thế khó, muốn gia hạn trả nợ khi dịch kéo dài nhưng các quy định vẫn khiến họ "đứng ngoài vòng chính sách".
Chị Oanh Kiều là một trong nhiều người đang mua nhà trả góp bằng tiền vay ngân hàng. Đến mùa giãn cách năm nay, thu nhập hai vợ chồng giảm còn một nửa, hai anh chị mệt nhoài vì lo tiền trả nợ ngân hàng và mua thức ăn hằng ngày.
Hỏi bạn nhân viên tín dụng nhà băng, gia đình nhận được câu trả lời "ngân hàng không có chính sách hỗ trợ, giảm hay giãn nợ cho trường hợp của chị".
Còn theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6 năm nay, gần 242.000 khách hàng với dư nợ 326.300 tỷ đồng đã được các nhà băng cơ cấu nợ - tức là giãn, hoãn trả nợ hoặc miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ.
Thế nhưng, vẫn nhiều doanh nghiệp và người dân than phiền nguồn thu bị ảnh hưởng mạnh từ đợt dịch mới, còn "ngân hàng đòi nợ không trễ một ngày".
Tiểu thương tại chợ Bến Thành ngồi chơ vơ giữa loạt sạp hàng đóng cửa cuối tháng 3 năm ngoái. Ảnh: Quỳnh Trần.
Trên thực tế, hơn một tháng sau khi Covid-19 bùng phát ở Việt Nam vào năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước đã có bước "phản ứng nhanh" để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Giữa tháng 3/2020, Thông tư 01 được ban hành, cho phép các tổ chức tín dụng được cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho người đi vay bị ảnh hưởng bởi dịch.
Một năm sau, Ngân hàng Nhà nước ra thêm quy định mới. Đó là Thông tư 03 với một số nội dung sửa đổi, bổ sung "thắt chặt" việc cơ cấu nợ hơn so với Thông tư 01. Thông tư này ra đời trong bối cảnh Việt Nam đang kiểm soát dịch tốt, được các nước trên thế giới ca ngợi như một hình mẫu chống dịch thành công.
Chính sách được tính từ sớm, nhưng nhiều người đi vay vẫn "đứng ngoài vòng chính sách". Điều này xuất phát từ hai nguyên nhân.
Thứ nhất, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trên diện rộng và nằm ngoài dự báo, đã đặt nhiều doanh nghiệp vào tình huống "báo động đỏ". Vì thế, những quy định của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu nợ theo Thông tư 03, đã trở nên thiếu phù hợp trong bối cảnh mới, dẫn đến bỏ sót nhiều đối tượng.
Thứ hai, quyền quyết định cơ cấu nợ cho khách hàng là của các ngân hàng thương mại, dựa trên hai yếu tố. Người đi vay thực sự bị ảnh hưởng (không lợi dụng chính sách) đồng thời lại phải chứng minh được phương án phục hồi và trả nợ khả thi sau cơ cấu.
Ngay cả doanh nghiệp du lịch, khách sạn, nhà hàng... là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh, nhưng tỷ lệ được cơ cấu nợ cũng rất thấp vì khó chứng minh được bài toán phục hồi khả thi sau cơ cấu. Theo số liệu của Công ty chứng khoán ACBS, dư nợ ngành bị ảnh hưởng nặng bởi dịch được cơ cấu, chỉ chiếm tỷ lệ 1% dư nợ của các ngân hàng.
Xét cho cùng, ngân hàng là ngành kinh doanh tiền và phải đảm bảo an toàn nguồn vốn cho vay, vậy nên khó có thể ép buộc các ngân hàng thương mại phải cơ cấu nợ.
Cách duy nhất là Ngân hàng Nhà nước đặt ra điều kiện thông thoáng hơn để có nhiều thêm nhiều người đủ điều kiện tiếp cận với chính sách. Thông tư 03 cần được sửa đổi trước kịch bản dịch bệnh chưa được lường tới.
Giao dịch tiền tại một ngân hàng thương mại. Ảnh: Giang Huy.
Trên thực tế, cả doanh nghiệp và các nhà băng đều mong chờ Ngân hàng Nhà nước mở rộng phạm vi cơ cấu nợ, thay vì chỉ áp dụng cho các khoản vay giải ngân trước 10/6/2020 như hiện nay.
Tổng hợp ý kiến từ nhiều nhà băng, Hiệp hội ngân hàng cho biết, hàng triệu tỷ đồng trong giai đoạn từ sau 10/6/2020 đến nay đã được giải ngân. Phần nhiều trong số giải ngân này đang đến kỳ hạn trả nợ. Tuy nhiên, dịch bệnh lại bùng phát từ cuối tháng 4/2021 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn để trả nợ đúng hạn.
Vì vậy, Hiệp hội ngân hàng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ các khoản giải ngân sau ngày 10/6/2020.
Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét không quy định thời gian phát sinh nợ "trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính" mà chỉ quy định về thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi để tránh phải sửa đổi Thông tư 01, Thông tư 03 nhiều lần, theo ý kiến của Hiệp hội.
Bên cạnh đó, dư nợ được xem xét cơ cấu nợ hiện nay cũng chỉ áp dụng đối với nghiệp vụ cho vay, cho thuê tài chính, không bao gồm dự nợ phát sinh từ các nghiệp vụ cấp tín dụng khác như thẻ tín dụng, bảo lãnh, LC, bao thanh toán...
Tuy nhiên, dịch bệnh ảnh hưởng đến nhiều khách hàng không phân biệt hình thức cấp tín dụng. Đặc biệt, thẻ tín dụng là hình thức phổ biến với nhiều người nhưng lại chưa nằm trong diện được giãn hoãn, miễn giảm lãi. Do đó, các nhà băng đề nghị Ngân hàng Nhà nước mở rộng chính sách với nhóm đối tượng này.
Một điểm mấu chốt khác người trong cuộc đều đồng tình là thời hạn cơ cấu hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) tối đa 12 tháng là quá ngắn.
Nhiều chủ doanh nghiệp nói rằng thời gian cơ cấu ngắn, áp lực trả nợ dồn ngay sau đó trong khi doanh nghiệp chưa thể phục hồi khiến quy định của Thông tư 03 này trên thực tế "không có nhiều ý nghĩa với họ".
Lấy ví dụ, khách hàng được hoãn trả tiền gốc và lãi trong 4 tháng dịch bệnh. Tuy nhiên, số tiền gốc và lãi của 4 tháng này sẽ cộng dồn và chia đều, phải trả trong tối đa 8 tháng tiếp theo. Điều này khiến tăng gánh nặng nợ cho doanh nghiệp chỉ sau vài tháng được cơ cấu.
Hơn nữa, dịch bệnh phức tạp như hiện nay, hồi phục kịp chỉ trong vài tháng để có doanh thu trả nợ ngân hàng là một vấn đề rất khó. Quy định chỉ cơ cấu tối đa 12 tháng và phải thanh toán hết số này ngay trong một năm từ lúc bắt đầu cơ cấu, là làm khó doanh nghiệp.
Ở góc độ ngân hàng, họ cũng đánh giá, nhiều khách vay không thể chịu được áp lực trả nợ nếu như số dư nợ được cơ cấu phải phân bổ trong 12 tháng kể từ ngày cơ cấu nợ, đặc biệt với các khoản nợ có thời hạn vay còn lại dài.
Đối với khoản cho vay trung dài hạn, ngân hàng cho rằng cần phải cơ cấu lại hạn trả nợ một số kỳ hạn và cần thiết phải giãn số tiền này sang các kỳ sau ngày cuối cùng của thời hạn cho vay.
Cả người vay và người cho vay đều mong Ngân hàng Nhà nước mở rộng thời gian cơ cấu lại hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo hướng phù hợp hơn. Hiệp hội ngân hàng gợi ý, Ngân hàng Nhà nước có thể giữ nguyên quy định theo Thông tư 01 trước đó, là "không vượt quá 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay".
Ngoài ra, nhiều khách hàng phàn nàn ngân hàng vẫn tính lãi ngay cả với dư nợ được cơ cấu. Tuy nhiên, dù muốn các nhà băng vẫn chưa có cơ sở pháp lý để làm điều này.
Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, quy định tại Thông tư 03 chưa cho phép các tổ chức tín dụng được khoanh nợ không tính lãi đối với dư nợ được cơ cấu nợ bởi dịch. Hiện nay, việc khoanh nợ không tính lãi mới chỉ được áp dụng với các khoản vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Theo ông Hùng, khoanh nợ không tính lãi trong một thời hạn hợp lý (không phân biệt mục đích sử dụng vốn) là giải pháp cần được tính đến trong bối cạnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Việc khoanh nợ cũng là cơ sở để các nhà băng cấp thêm vốn mới cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau đó.
Thông tư 01 và Thông tư 03 đều xây dựng trên quan điểm là cơ cấu "số dư nợ/khoản vay" của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Quan điểm này là phù hợp trong giai đoạn đầu của đại dịch, theo Hiệp hội ngân hàng.
Tuy nhiên, diễn biến của đại dịch gần đây tác động đối với toàn bộ nền kinh tế, không biệt đối tượng, ngành nghề hoạt động, chỉ khác nhau về mức độ ảnh hưởng. Do vậy, các nhà băng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước có quan điểm tiếp cận cơ cấu nợ "theo khách hàng" thay vì "theo dư nợ hoặc khoản vay" khi sửa Thông tư 03 trong thời gian tới.