“Chúng ta kêu gọi người Việt dùng hàng Việt nhưng áo tôi đang mặc là “Made in Vietnam” nhưng giá trị Việt trong này không quá 3%”, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) chia sẻ.
Dệt may chủ yếu phụ thuộc nguyên, phụ liệu nhập từ Trung Quốc. Ảnh: TL
Tại Diễn đàn Xúc tiến Xuất nhập khẩu 2016 diễn ra vào hôm qua (14/4), TS. Võ Trí Thành cho biết, mặc dù xuất khẩu của Việt Nam tăng rất nhanh nhưng một thực tế đang diễn ra là phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, trừ mặt hàng nông sản giá trị gia tăng không nhiều.
Dẫn chứng về mặt hàng dệt may, ông Thành cho biết, dệt may chiếm 14% tổng kim ngạch xuất khẩu và chỉ đứng sau điện thoại nhưng khối doanh nghiệp FDI chiếm tới 60% giá trị xuất khẩu, giá trị gia tăng ngành cũng thấp lại phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu Trung Quốc và chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo ông Thành, dệt may là hàng tiêu dùng, doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh rất tốt ở phân khúc trung lưu, việc chuẩn bị công nghệ và nhân lực là thách thức lớn nhất của dệt may Việt Nam.
“Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhập khẩu của Trung Quốc, chiếm tới 65%, thậm chí người Việt dùng hàng Việt nhưng nguồn gốc vẫn phần lớn từ Trung Quốc. Dệt may không có “người Việt dùng hàng Việt”, ông Thành nhấn mạnh.
Nêu quan điểm về xúc tiến thương mại, ông Thành cho rằng, không chỉ dừng ở xúc tiến xuất khẩu như hiện nay mà còn phải quan tâm về thị trường nhập khẩu để đối tác cho điều kiện nhập hàng tốt nhất.
“Thương mại hiện nay phải nhìn về dịch vụ, chuỗi giá trị, sản xuất, các quy tác xuất xứ trong Hiệp định thương mại. Ngoài ra, tiếp cận thị trường không phải là tiếp cận thị trường lớn mà phải tìm cách tiếp cận với một khối lượng người tiêu dùng khổng lồ”, ông Thành bổ sung thêm.
Cũng theo ông Thành, tỷ trọng hàng xuất khẩu Việt Nam sang các thị trường cơ bản chiếm 70-80% truyền thống, tiềm năng còn vô cùng lớn.
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng chia sẻ, để đạt được thành công các doanh nghiệp phải có sự hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
“Khách quan, thị trường thế giới còn rộng lớn và đủ chỗ cho mọi doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp đã phát triển tốt và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu ta quyết tâm hội nhập, dám thay đổi chắc chắn các doanh nghiệp sẽ tăng được sức cạnh tranh và khẳng định được vị thế ngay tại Việt Nam và trên thế giới”, Thứ trưởng Hải cho hay.
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Việt Nam (JETRO) cho biết, việc tạo nên được các sản phẩm của Việt Nam có tính cạnh tranh là điều rất quan trọng.
Để làm được điều này cần phải giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm của các mặt hàng sản xuất, nâng cao năng suất của hoạt động sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực tốt có thể đáp ứng các yêu cầu của hoạt động sản xuất. Trong đó, nỗ lực từ chính cách doanh nghiệp là rất cần thiết.
Ông Atsusuke Kawada dẫn chứng, để giảm chi phí, doanh nghiệp nên áp dụng một cách linh hoạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ có hiệu lực để cân nhắc việc có thể xuất khẩu các sản phẩm của công ty mình sản xuất ra với chi phí thấp hay mua được các nguyên vật liệu, linh phụ kiện với giá thấp hơn.
Ngoài ra, ông cũng kiến nghị doanh nghiệp quan tâm đặt vấn đề cải thiện kỹ thuật tiên tiến, nâng cao năng suất lao động, đào tạo nguồn nhân lực tốt đáp ứng các yêu cầu của hoạt động sản xuất, thu thập thông tin thị trường nơi xuất khẩu…
Tâm An / BizLIVE