Người dân tại Việt Nam đứng đầu thế giới khi đánh giá tích cực về thay đổi cuộc sống trong nửa thế kỷ qua.
91% người được hỏi tại Việt Nam nói điều kiện kinh tế tốt hơn nửa thế kỷ trước. Ảnh Getty Images |
Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện với hơn 40 ngàn người tại 38 nước xếp Việt Nam ở vị trí số một với 88% người Việt trong khảo sát cho rằng cuộc sống hôm nay tốt đẹp hơn 50 năm trước.
Nhìn chung, các nước kỳ vọng nhiều vào nền kinh tế quốc gia có xu hướng cho rằng cuộc sống hôm nay tốt đẹp hơn quá khứ.
Chẳng hạn tại Việt Nam có tới 91% người được hỏi nói điều kiện kinh tế tốt hơn nửa thế kỷ trước.
Các nước có cái nhìn cuộc sống có "màu hồng" xếp sau Việt Nam là Ấn Độ (69%), Nam Hàn (68%) và Nhật Bản (65%).
Trong khi khu vực châu Á Thái Bình Dương có nhiều nước có cái nhìn lạc quan thì Philippines là nơi chỉ có 43% cho rằng cuộc sống của họ nay tốt đẹp hơn trước.
"Đó là vì 50 năm trước Việt Nam chìm đắm trong chiến tranh và kinh tế không mạnh như ngày nay.
"Do đó cũng dễ hiểu là những nước như Việt Nam, Hàn Quốc là những nước không được thịnh vượng về kinh tế hoặc hứng chịu xung đột nên họ là những nước cảm thấy cuộc sống hôm nay tốt đẹp hơn," Jacob Poushter từ Trung tâm Nghiên cứu Pew nói.
Phương Tây 'bi quan'
Người dân tại châu Âu nói chung xem cuộc sống có tiến bộ với trung bình là 54% mô tả cuộc sống tốt hơn trong khi 30% có cái nhìn trái ngược.
Đức đứng đầu (65%), tiếp theo sau là Hà Lan (64%), Thụy Điển (64%), Ba Lan (62%) và Tây Ban Nha (60%). Dân Hy Lạp (53%) và Italy (50%) là hai nước tại châu Âu đánh giá tiêu cực nhất.
Tại Bắc Mỹ chỉ có 55% người Canada lạc quan về hiện tại so với quá khứ trong khi chưa tới 37% người Mỹ nói cuộc sống nay hơn hẳn trước đây.
Trong một khảo sát khác cũng vào tuần này, Intelligent Unit, một cơ quan nghiên cứu của tạp chí có uy tín The Economist có xếp hạng Thành phố An toàn năm 2017.
Nghiên cứu của The Economist đánh giá 60 thành phố.
Bảng này xếp Tokyo, Singapore, và Osaka trong top 10 các thành phố an toàn nhất trong khi Thành phố Hồ Chí Minh (xếp thứ 57/60) nằm trong 10 nước cuối bảng, trên Karachi (Pakistan 59/60) và Yangon (Myanmar 60/60).
Mạnh Cường / BizLIVE