Năm 2016 các hãng xe bán ra 300.000 chiếc, vượt qua kỷ lục hơn 244.000 xe lập năm 2015.
Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) công bố số liệu bán hàng toàn ngành năm 2016. Tổng doanh số bán hàng đạt 304.427 xe, tăng 24% so với năm 2015 (đạt 244.914 xe).
Trong số hơn 300.000 xe có khoảng 180.000 xe con, 106.000 xe thương mại và gần 16.000 xe chuyên dụng. So với 2015, xe lắp ráp tăng 32%, xe nhập khẩu tăng 5%. Mức tăng chậm hơn của xe nhập khẩu bị ảnh hưởng lớn từ việc thay đổi mức thuế TTĐB từ ngày 1/7.
Năm 2015, toàn ngành đua nhau lập kỷ lục khi lần đầu tiên doanh số vượt qua mức 200.000 xe, trong khi trước đó nhiều năm liền lẹt đẹt ở mức 120.000. Hầu hết tất cả các hãng đều tăng trưởng và có sức bán tốt nhất kể từ khi có mặt ở Việt Nam. Nhưng tất cả bị xô đổ, chỉ sau một năm.
Những kỷ lục mới trong 2016
Chưa bao giờ thị trường ôtô Việt lại tăng tới gần 60.000 xe sau một năm như 2016 so với 2015. Trong đó Trường Hải bán 112.847 xe, nếu chỉ tính xe con là 65.748 xe, ngay phía sau là Toyota bán 57.000. Về thứ ba là Hyundai với 36.400 xe, xếp sau là Ford 29.011 xe, phần còn lại dành cho Honda, Chevrolet, Mitsubishi... cùng các thương hiệu xe sang và nhà nhập khẩu không chính hãng.
Mazda3 khuấy đảo thị trường Việt.
Doanh số các hãng lập được đều ở mức cao nhất trong lịch sử có mặt ở Việt Nam. Toyota tăng 13%, Trường Hải tăng gần 60%, trong đó hai thương hiệu con có mức tăng đều, Kia tăng 55%, Mazda tăng gần 58%. Đối thủ sừng sỏ không nằm trong VAMA là Hyundai cũng tăng nhanh 34%.
Những mẫu xe bán chạy nhất thị trường vẫn là cái tên quen thuộc Toyota Vios, Kia Morning hay Ford Ranger. Nhân tố đặc biệt trong top xe bán chạy là Mazda3. Trong khi năm 2015 chiếc sedan cỡ C ở vị trí thứ 6 với 5.987 xe thì sang 2016 leo lên thứ 4 với 12.365 xe, tăng hơn gấp đôi.
Tốc độ phát triển của Mazda3 là một điểm lạ khi phân khúc sedan cỡ C, D truyền thống đang dần bị thay thế bởi xe nhỏ và xe gầm cao. Không những thế, dòng xe của Trường Hải còn liên tục gặp rắc rối vì lỗi "cá vàng", nhưng sau tất cả Mazda3 vẫn bán chạy không tưởng.
Thành công của Mazda3 đến phần lớn từ chính sách giá của Trường Hải, bên cạnh những điểm mạnh của sản phẩm. Hãng này liên tục giảm giá, tung khuyến mại đều đặn hàng tháng để mức giá khi tới tay khách hàng có thể giảm tới cả 50-60 triệu đồng so với giá niêm yết.
Đặc biệt vào dịp cuối năm, kiểu giảm giá của Trường Hải trở thành "ác mộng" với các đối thủ. Chưa bao giờ khách hàng Việt chứng kiến cuộc đua giá khốc liệt đến thế. Bên cạnh những thay đổi theo thuế, lần đầu tiên ông lớn Toyota giảm giá sản phẩm để cạnh tranh, thậm chí các đại lý của hãng xe Nhật còn giảm sâu hơn nhiều cho Altis, điều hiếm ai nghĩ tới trước khi năm 2016 bắt đầu. Chính sách tương tự cũng tìm thấy ở đại lý của Honda, Ford, Chevrolet, Nissan và nhiều hãng khác.
Áp lực cạnh tranh cũng khiến những mẫu xe mới về dồn dập. Toyota đưa Innova và Fortuner thế hệ mới, nâng cấp an toàn cho Camry, Ford đem tới "cơn gió lạ" Explorer, Mitsubishi đưa cặp đôi Outlander và Pajero Sport, Isuzu có thêm mu-X, Nissan có X-Trail, Honda đánh dấu cuối năm bằng Civic thế hệ mới.
Phân khúc xe sang và xe thể thao cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Mercedes vẫn là cái tên đứng đầu thị trường với 4.401 xe bán ra, tăng hơn 22% so với năm trước. Trong khi đó đối thủ Lexus bán 1.665 xe, tăng 73%. Audi, Porsche hay BMW không công bố doanh số, nhưng cũng ghi nhận tăng trưởng. Thậm chí Porsche còn hoàn thành kế hoạch đăng ký với hãng tại Đức khi mới hơn nửa năm 2016.
Volvo gia nhập thị trường Việt.
Doanh số tăng nhưng 2016 cũng là năm "thót tim" với các hãng xe sang, khi mức giá lên cao kỷ lục. Mức thuế suất TTĐB mới từ 1/7 đánh mạnh vào những xe lắp động cơ 2,5 lít trở lên, chủ yếu là xe nhập khẩu. Lexus LX570 tăng từ 5,7 tỷ lên 8 tỷ, Mercedes-Maybach S600 từ 10 lên 14 tỷ. Đỉnh điểm là Rolls-Royce Phantom Đông A lên mức 84 tỷ từ 54 tỷ.
Thị trường Việt cũng chưa bao giờ "đông vui" xe sang như lúc này. Sau Maserati, mới đây Volvo là cái tên tiếp theo gia nhập. Lợi thế công nghệ an toàn của Volvo sẽ phải cạnh tranh với những đối thủ quen tên gồm Mercedes, Lexus, Audi, Porsche, BMW, Land Rover hay Jaguar.
Những biến động nhãn tiền trong 2017
Tiếp đà tăng trưởng tới 34% trong 2016 cùng những tín hiệu ổn định từ nền kinh tế và ưu đãi của hệ thống ngân hàng nhưng VAMA chỉ đưa ra con số dự đoán tăng trưởng dè dặt cho 2017 là 10%. Một phần, bởi những biến động có thể xảy ra trong năm tới.
Xe lắp ráp dần trở thành thế yếu trong 2017 và những năm tiếp theo. Các hãng thể hiện rõ chiến lược này khi lần lượt thay thế các mẫu xe chủ chốt từ lắp ráp sang nhập khẩu. Honda thay Civic nhập từ Thái Lan, Toyota thay Fortuner nhập từ Indonesia. Mỗi hãng sẽ hướng tới lắp ráp chỉ một 1-2 mẫu xe, còn lại nhập khẩu.
Nhiều mẫu xe cỡ nhỏ từ ASEAN có thể vào Việt Nam trong 2017 để tận dụng lợi thế thuế nhập khẩu còn 30%. Tiêu biểu là hai cái tên mới Suzuki Ciaz và mu-X đã tiên phong trong 2016. Trường Hải là hãng xe duy nhất đưa ra tuyên bố sẽ phát triển xe lắp ráp để chống lại xe nhập.
Những biến động này phần lớn theo chiều hướng có thể giảm giá ôtô, mang tới cơ hội bán nhiều xe hơn nhưng các hãng cũng cho biết giá chỉ là một phần. Ảnh hưởng từ chính sách thuế, phí áp dụng lên xe cũng tác động lớn đến khả năng mua xe của khách Việt.
Đức Huy / VnExpress