Chất lượng không cao, giá trị sử dụng ngắn, khó điều khiển… khiến ô tô Trung Quốc mất dần thị trường Việt Nam.
Dù trải qua một năm khá thành công với lượng ô tô nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến nhưng thời gian gần đây xe xuất xứ từ Trung Quốc bị khách hàng quay lưng.
“Ông hàng xóm” chớp thời cơ
Theo Tổng cục Thống kê và một số công ty chuyên bán xe Trung Quốc, sáu tháng cuối năm 2014 và sáu tháng đầu năm 2015 là giai đoạn tăng trưởng nóng nhất của ô tô Trung Quốc tại Việt Nam. Thậm chí có thời điểm trong năm 2015, lượng ô tô nhập từ Trung Quốc tăng gần 300% so với trước đó.
Xe ô tô Trung Quốc được nhập khẩu nhiều nhất trong thời gian này là ô tô tải tự đổ, ô tô đầu kéo, sơmi rơmoóc các loại...
Nguyên nhân ô tô Trung Quốc phất lên nhanh chóng và làm mưa làm gió tại Việt Nam là nhờ giá thấp. Chẳng hạn các dòng xe Trung Quốc như Dongfeng, Sinotruk, FAW, JAC, Chenglong,... nhập vào Việt Nam bán với giá thường chỉ bằng 2/3, có xe giá chỉ bằng 1/2 so với xe trong nước lắp ráp hoặc xe Hàn Quốc và Nhật Bản cùng loại.
Đặc biệt, phía Trung Quốc nắm được chính sách của Việt Nam về siết chặt tải trọng, từ đó họ thay đổi sản phẩm xe cho phù hợp và kịp đáp ứng nhu cầu vận tải của khách hàng Việt Nam.
“Nhiều nhà nhập khẩu xe của Việt Nam đã sang tận Trung Quốc yêu cầu nhà sản xuất lắp đặt lại cấu hình, đổi tải trọng xe cho nhẹ hơn phù hợp với quy định của Việt Nam. Quả thật Trung Quốc chớp thời cơ, thay đổi nhanh theo chính sách Việt Nam cũng như nhu cầu của khách hàng Việt. Trong khi đó nguồn xe do các doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp trong nước thời điểm đó lại không đáp ứng nhu cầu. Còn xe tải Hàn Quốc, Nhật Bản ra một mẫu xe phải mất sáu tháng để lên ý tưởng, thiết kế, động cơ phù hợp…” - đại diện Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) nhìn nhận.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này trong năm 2015, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cũng thừa nhận bên cạnh nguyên nhân nhu cầu vận tải hàng hóa trong nước tăng lên, Việt Nam nhập nhiều xe còn do chính sách kiểm soát chặt trọng tải.
Cụ thể, nếu trước kia xe tải được chở khối lượng lớn, có thể gấp 2-3 lần trọng lượng thì nay phải san tải ra. Để vận hành tốt, DN cũng phải tăng số lượng đầu xe. Chính sách trên đã vô tình kích cầu cho “ông hàng xóm” xuất khẩu.
“Do vậy mỗi lần thay đổi chính sách cần chuẩn bị để DN trong nước lường trước” - Thứ trưởng Đặng Huy Đông nói.
Xe tải Trung Quốc được bày bán nhiều tại một đại lý ở TP.HCM. Ảnh: QUANG HUY |
Ế ẩm
Nhưng sau một thời gian bùng nổ, xe Trung Quốc rơi vào tình trạng... đắp chiếu.Chúng tôi bước vào bãi xe rộng chừng 1.000 m² của một công ty kinh doanh ô tô có mặt tiền trên quốc lộ 1A, quận 12, TP.HCM. Tại đây lượng ô tô tải Trung Quốc có khoảng chục chiếc. Ông Phong, đại diện cơ sở này, than thở: “Trước đây mỗi tháng bán vài chục xe ô tô tải Trung Quốc nhưng hai tháng cuối năm 2015 chỉ bán được 1-2 xe. Riêng từ đầu tháng 1-2016 đến nay không bán được xe nào”.
Cũng có mặt tiền ngay trên quốc lộ 1A, ông Trường Duy, đại diện của một đại lý chuyên kinh doanh ô tô Trung Quốc, cho hay từ tháng 12 đến giờ mới bán được có năm xe. Nhu cầu tiêu thụ xe Trung Quốc sau một thời gian tăng nóng đã bắt đầu hạ nhiệt.
Anh Duy cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do dự báo về sức tiêu thụ xe trên thị trường sai nên một số DN nhập khẩu ô tô đã ký hợp đồng nhập ô tô tải Trung Quốc với số lượng lớn hơn so với nhu cầu. “Nếu tình hình tiêu thụ bết bát như hiện nay, lượng xe tải Trung Quốc tồn đọng, không bán được ở một số đơn vị lên hàng trăm xe” - anh Duy dự báo.
Khảo sát tại nhiều đại lý bán xe ô tô khác, chúng tôi cũng nhận thấy ô tô Trung Quốc còn nằm bãi rất nhiều do bán không được. Chủ một đại lý thừa nhận xe Trung Quốc chất đầy bãi, không biết tiêu thụ ở đâu.
Đại diện Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) phân tích hiện nay nhu cầu về xe tải, đặc biệt là xe tải lớn có nguồn gốc từ Trung Quốc đang có dấu hiệu bão hòa. Một số công ty kinh doanh xe nhập khẩu đã phải giảm giá bán, khuyến mãi, hỗ trợ người mua xe. Thậm chí có DN còn bán dưới giá nhập khẩu để cắt lỗ.
Yêu cầu tái xuất vì không an toàn
Anh Võ Văn Phụng, Giám đốc một DN vận tải ở TP.HCM, đánh giá xe tải Trung Quốc giá rẻ nên phù hợp với những khách hàng mới mua xe lần đầu để kinh doanh, vì thời gian quay vòng vốn nhanh.
Tuy nhiên, xe Trung Quốc thường sử dụng chỉ khoảng 3-4 năm là bắt đầu hỏng hóc. Trong khi xe Nhật Bản, Hàn Quốc như Hino, Suzuki, Isuzu, Kia… thời gian sử dụng rất bền, khoảng 10 năm vẫn chạy êm và ít hỏng hóc, tiết kiệm nhiên liệu.
Ông Phụng nói: “Thêm nữa các tài xế đều nhận xét điều khiển xe Trung Quốc rất mệt người. Hơn nữa máy móc hay hỏng hóc, trục trặc, độ an toàn không cao”.
Đại diện một công ty nhập khẩu ô tô tiết lộ thêm từ đầu năm tới nay đã có hàng trăm xe tải nhập khẩu từ Trung Quốc bị Cục Đăng kiểm Việt Nam phát hiện không đạt tiêu chuẩn trong quá trình kiểm định (động cơ xe không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật; thông số kỹ thuật của xe khác với trong hồ sơ; thậm chí cùng một lô xe nhưng thông số kỹ thuật lại khác nhau...). Không ít xe trong số đó đã bị yêu cầu tái xuất.
Chính vì vậy sau một thời gian sử dụng xe Trung Quốc, nhiều người “vỡ mộng” và chuyển sang mua xe lắp ráp trong nước như Thaco, Veam hoặc xe nhập khẩu từ Nhật, Hàn Quốc. Đây có thể được xem là cơ hội cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước.
Thực ra trước đây xe con Trung Quốc từng nếm mùi thất bại tại Việt Nam do khách hàng Việt không ưa chuộng. Cụ thể, các thương hiệu xe Trung Quốc như BYD, LiFan, Haima… chỉ bán được số lượng rất ít và một số thương hiệu khác đã ngừng bán.
Nhập khẩu ô tô tháng đầu năm giảm
Tổng cục Thống kê cho hay lượng ô tô được nhập khẩu trong tháng 1-2016 chỉ đạt khoảng 7.000 chiếc, giá trị kim ngạch 175 triệu USD. Con số này giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2015, lượng ô tô nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh. Theo đó, tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô năm 2015 ước đạt 125.000 chiếc và 2,969 tỉ USD, tăng 76,6% về lượng và tăng 87,7% về giá trị so với năm 2014. Trong đó riêng mức kim ngạch của tháng cuối năm ước đạt 14.000 chiếc và 382 triệu USD.
Theo QUANG HUY
PLO