Tưởng là nghịch lý nhưng thực chất lại là hệ quả khi người Việt uống rượu bia và hàng Top của thế giới và Bộ Công Thương phải liên tục điều chỉnh quy hoạch ngành rượu bia.
Không phải là lần đầu cơ quan quản lý ngành rượu bia phải điều chỉnh quy hoạch như công bố mới đây của Bộ Công Thương. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, cả nước sản xuất 4,1 tỷ lít bia, 350 triệu lít rượu. Sản lượng tịnh tiến tăng lên 4,6 tỷ lít bia, 350 triệu lít rượu năm 2025; 5,5 tỷ lít bia, 350 triệu lít rượu năm 2035. Như vậy tỷ lệ rượu bia so với tổng sản lượng có giảm nhưng số lượng tuyệt đối thì tăng lên.
Kỳ lạ chuyện quy hoạch bia rượu
Đây là một mức tiêu thụ không hề nhỏ, khi mà theo tính toán mỗi ngày mỗi người Việt sẽ có một lon bia và một ly rượu. Để đáp ứng cho quy hoạch này, Bộ Công thương cho hay tổng mức đầu tư dự kiến toàn ngành sẽ lên hơn 27.325 tỉ đồng trong 4 năm tới. Trong đó, ngành bia hơn 17.704 tỉ đồng; rượu 791 tỉ đồng và nước giải khát trên 8.831 tỉ đồng. Vốn đầu tư sẽ tăng lên 28.750 tỉ đồng vào năm 2025, trong đó ngành bia vẫn chiếm hơn 50%, khoảng 15.660 tỉ đồng.
Điều đáng chú ý là dự báo về sản lượng bia của Bộ Công Thương đưa ra trong quy hoạch còn có vẻ “chậm hơn” so với thực tế. Bởi trong Báo cáo của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát (VBA) trước đó, thì năm 2015 người Việt đã uống 3,4 tỉ lít bia, tăng gần 41% so với năm 2010 và dự báo con số này sẽ tăng lên 4,4 tỉ lít bia trong năm 2016.
Và thực tế, sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia ở Việt Nam đã vượt kế hoạch với 3,4 tỷ lít, tăng 10% so với năm trước và gần 41% so với 2010. Điều này cho thấy, tốc độ sản xuất và tiêu thụ bia rượu ở nước ta đang tăng trưởng rất nhanh.
Dự báo hay quy hoạch luôn thấp hơn thực tế, nguyên nhân là người Việt luôn tạo ra những “kỷ lục” về rượu bia. Nhận định của nhiều công ty nghiên cứu thị trường đưa ra trong suốt 5 năm qua, người Việt đang đứng đầu các nước Đông Nam Á và thế giới về tiêu thụ bia rượu. Nếu như Việt Nam tiêu thụ gần 2,6 tỷ lít bia năm 2011 thì con số này đã tăng lên 3,4 tỷ lít bia vào năm 2015.
Theo Bộ Y tế, con số này quả thực đáng báo động. Trong khi mức tiêu thụ rượu bia bình quân đầu người một năm của thế giới là 6,2 lít, không thay đổi trong 15 năm qua, đạt ngưỡng bão hòa. Việt Nam thì ngược lại, tăng gấp 2 lần lên 6,6 lít và còn tiếp tục tăng theo quy hoạch.
Thực tế, trước đây những con số dự báo mà Bộ Công Thương đưa ra luôn ở mức thấp, như phê duyệt vào hồi tháng 5/2009 về quy hoạch phát triển ngành đến năm 2015, tầm nhìn năm 2025, người Việt uống rất ít so với dân số.
Luôn phá kỷ lục
Thế nhưng, lượng bia tiêu thụ bình quân đầu người cũng tăng từ 10,04 lít năm 2000 lên 21,65 lít vào năm 2007. Năm 2008 – 2009 là năm Việt Nam đạt kỷ lục lạm phát gần 20% nhưng người dân cũng không vì thế mà cắt giảm chi phí ăn nhậu, uống bia.
Dẫn tới năm 2010 khi lập quy hoạch phát triển ngành Bia – Rượu – Nước giải khát tầm nhìn đến năm 2015, Bộ Công thương đưa ra dự báo sản lượng bia của Việt Nam sẽ đạt 2,7 lít vào năm 2010. Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau bản quy hoạch này đã bị phá vỡ và Bộ này đã phải ngay lập tức điều chỉnh mục tiêu lên 3 tỷ lít để phù hợp với tốc độ tăng trưởng sản xuất, tiêu dùng bia thực tế trong nước. Đến giờ, với quy hoạch mới thì con số này liên tục được điều chỉnh tăng rất mạnh.
Theo một kết quả điều tra trên diện rộng về thực trạng sử ượu bia ở VN do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới đồng thực hiện được công bố sáng 26-9 cho thấy lượng người sử dụng rượu bia, lượng rượu bia được dùng, bệnh tật và tai nạn liên quan đến rượu bia… đều gia tăng chóng mặt tại Việt Nam.
Lãnh đạo Bộ Y tế cảnh báo, mức độ tiêu thụ bia rượu của người Việt Nam trong 10 năm trở lại đây đã tăng gấp 2 lần. Việt Nam đang đứng thứ 2 ở Đông Nam Á (sau Thái Lan), thứ 10 ở Châu Á và 29 trên thế giới về lượng rượu bia được sử dụng.Đáng chú ý, nếu tính riêng về tỉ lệ nam giới sử dụng bia rượu (Việt Nam là khoảng 77%) thì đứng đầu tỉ lệ bình quân của khu vực và cả thế giới. Đây là điều đáng báo động khi những hệ lụy bệnh tật và tai nạn giao thông đang ngày càng tăng lên.
N. An
Theo Trí thức trẻ