Tình trạng xuất khẩu cá ngừ đã có xu hưởng giảm trên tất cả các thị trường chính mấy tháng gần đây và dự báo sẽ tiếp tục sụt giảm trong các tháng cuối năm.
Cá ngừ đại dương - ảnh minh họa
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi tăng trưởng cao trong tháng tư, tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam ngày càng chậm lại. Tính cả 7 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ đạt 420 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ 2020.
Hiện nay, các doanh nghiệp cá ngừ vẫn đang cố gắng để có thể duy trì hoạt động sản xuất nhờ vào nguồn nguyên liệu tồn kho. Tuy nhiên, tác động của các biện pháp phòng chống dịch bệnh, cộng với nguồn cung nguyên liệu đang khó khăn, nếu tình trạng này kéo dài thì hoạt động của doanh nghiệp khó có thể duy trì và dự kiến xuất khẩu cá ngừ sẽ sụt giảm vào các tháng cuối năm.
Xuất khẩu cá ngừ tăng trưởng chậm trên tất cả các thị trường chính
Mỹ - thị trường xuất khẩu chính cá ngừ của Việt Nam, trong 3 tháng trở lại đây có xu hướng tăng trưởng chậm dần. Tính riêng trong tháng 7, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đạt 28,6 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng thấp hơn so với tháng 6 trước đó.
Các nhà chế biến cá ngừ tại Mỹ thường mua hàng theo giá FOB mà hiện giá cước vận chuyển từ Châu Á tới Nam Mỹ tăng cao, dao động từ 2.500 – 12.000 USD/ container, đã hạn chế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam tại khu vực thị trường này, các lô hàng xuất khẩu sang đây bị chậm lại.
Trái với thị trường Mỹ, xuất khẩu cá ngừ sang khối thị trường EU trong tháng 7/2021 giảm 21% so với cùng kỳ năm 2020. Luỹ kế 7 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang EU đạt gần 87 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này vẫn tăng so với cùng kỳ, nhưng từ tháng 5 trở lại đây lại có xu hướng giảm dần qua từng tháng.
Tại thị trường EU, giá cước vận chuyển tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho các lô hàng xuất khẩu sang EU giảm. Thêm vào đó, việc hạn ngạch ưu đãi thuế quan đối với các sản phẩm cá ngừ chế biến theo thoả thuận trong EVFTA đã được áp dụng là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu sang khối thị trường này bị chậm lại.
CPTPP - khối thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của cá ngừ của Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng. Giá trị xuất khẩu sang khối này tiếp tục tăng so với cùng kỳ, tăng 6,5% đạt 7,4 triệu USD. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu qua từng tháng của năm 2021 cũng có xu hướng giảm dần.
Do sự bùng phát của làn sóng Covid-19 trên cả nước, các nhà máy chế biến và xuất khẩu cá ngừ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như chi phí sản xuất tăng, thiếu công nhân, thiếu nguyên liệu…, một số nhà máy tại các tỉnh như Long An và TP.HCM phải tạm dừng hoạt động. Dự kiến sẽ ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu cá ngừ trong những tháng tới.
Thiếu nguồn cung nguyên liệu, doanh nghiệp khó duy trì hoạt động
Hơn tháng qua, các địa phương phía Nam đồng loạt thực hiện Chỉ thị 16, các doanh nghiệp thủy sản chỉ được hoạt động khi đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường hai địa điểm”.
Theo VASEP, có rất ít các doanh nghiệp cá ngừ đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ” và số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 30-50%. Công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40-50% so với trước đây.
Ngoài ra, một loạt các biện pháp kiểm soát nhằm phòng chống dịch bệnh COVID-19 được các tỉnh thực hiện trong thời gian qua đã tạo ra nhiều bất cập, khiến cho việc vận chuyển lưu thông, ảnh hưởng tới các hoạt động của các nhà máy chế biến.
Theo các doanh nghiệp, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển quốc tế và Việt Nam cũng đang khiến cho việc nhập khẩu nguyên liệu trở nên khó khăn và mất nhiều thời gian hơn.
Cụ thể, đình trệ tại cảng quốc tế Diêm Điền và một loạt cảng container quan trọng khác của Trung Quốc từ trung tuần trung tuần tháng 6 trở lại đây đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có cá ngừ. Tại Việt Nam, cũng đã xảy ra tình trạng gián đoạn nghiêm trọng hoạt động của các cảng trong nước như cảng Cát Lái TP.HCM vừa qua.
“Nhiều đơn hàng của doanh nghiệp cá ngừ phải trì hoãn hoặc bị huỷ trong khi các chi phí đảm bảo “3 tại chỗ”, chi phí trang bị các điều kiện làm việc, chi phí trả thêm lương công nhân, chi phí điện sản xuất và duy trì kho đông lạnh trữ hàng, chi phí cước tàu biển tất cả đều tăng vọt, khiến doanh nghiệp không đủ sức chịu đựng với thời gian dài…”, đại diện VASEP nhấn mạnh.
Hiện nay, sản lượng đánh bắt cá ngừ của các nước như Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia … đang có xu hướng sụt giảm do tác động của đại dịch và sự suy giảm nguồn lợi cá ngừ tại các đại dương, trong đó, có 10 nguồn cung lớn nhất chiếm 82% tổng giá trị nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam.
Trong bối cảnh thiếu nguồn cung từ nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp đã tăng cường thu mua nguồn cá ngừ nguyên liệu trong nước. Nhưng nguồn cung cá ngừ trong nước cũng không khả quan hơn, bởi các tỉnh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 khiến hoạt động giao thương hải sản trong nước gặp khó, giá thu mua hải sản tại các tỉnh giảm, thấp hơn rất nhiều so với mọi năm do nhu cầu tiêu thụ thấp.
Tình trạng thiếu lao động biển, cộng chi phí nhiên liệu tăng cao khiến hoạt động sản xuất của ngư dân gặp rất nhiều khó khăn, nhiều người bị thua lỗ. Đang vào mùa cá, nhưng tại các tỉnh đánh bắt trọng điểm như Bình Định, Khánh Hoà, Phú Yên hay Phan Thiết…, có rất nhiều tàu cá đang nằm bờ, dẫn đến nguồn cung cá ngừ nguyên liệu trong nước giảm.