Điện mặt trời, điện gió vẫn nóng ngoài sức tưởng tượng, nhà đầu tư dồn dập đổ vốn. Tổng công suất các dự án năng lượng tái tạo hiện nay đã được phê duyệt quy hoạch vượt quá khả năng tiếp nhận của lưới điện.
Dồn dập điện gió, điện mặt trời
Đầu tháng 10 năm nay, Tập đoàn Sao Mai đã đề xuất thực hiện nhà máy điện mặt trời Sao Mai - Đắk Nông với vốn đầu tư dự kiến lên đến 12.000 tỷ đồng, diện tích 754 ha, công suất 875 MWp tại huyện Cư Jút.
Đây chỉ là một trong số hàng loạt dự án năng lượng tái tạo “khủng” được công bố gần đây.
Số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong một báo cáo gửi Bộ Công Thương hồi cuối tháng 8/2020 cho thấy, tính đến cuối tháng 7/2020, tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch dự kiến đưa vào vận hành đến năm 2025 gần 23.000MW, bằng 20% tổng công suất các nguồn điện đến năm 2025 (xấp xỉ 107.000MW). Trong đó: điện mặt trời khoảng 11.200MW; điện gió khoảng 11.800MW (bao gồm 7.000MW điện gió mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch tại văn bản 795/TTg-CN)
Nỗi lo quá tải đường dây lại trở lại khi nhiều dự án dồn dập bổ sung quy hoạch. Ảnh: Lương Bằng
Những con số kể trên cho thấy, điện mặt trời, điện gió vẫn trở thành tâm điểm thu hút dòng vốn đầu tư của các nhà đầu tư tư nhân - một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử ngành điện.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực là huy động nguồn vốn tư nhân, góp phần giải tỏa nỗi lo thiếu điện, việc một lượng lớn dự án đang xếp hàng vận hành cũng đang dấy lên nỗi lo tình trạng quá tải lưới điện tiếp tục căng thẳng.
Ngay như dự án của Tập đoàn Sao Mai dự kiến đầu tư ở Đắk Nông, không ít ý kiến bày tỏ băn khoăn về khả năng giải tỏa công suất ở khu vực này.
Bởi, về khả năng giải tỏa công suất các dự án điện mặt trời, điện gió, EVN cho biết: Năm 2021 khu vực Tây Nguyên (Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum) có tổng công suất năng lượng tái tạo là 2.433 MW, nhưng chỉ giải tỏa được 857 MW, còn lại 1.576 MW không giải tỏa được (không phát được điện lên lưới). Năm 2022, không giải tỏa được 660 MW. Năm 2023 không giải tỏa được 660 MW.
Chỉ riêng dự án của Sao Mai đã lên đến 875 MWp thì việc quá tải lưới truyền tải ở Tây Nguyên theo như EVN đã dự kiến sẽ không “dễ chịu” với nhiều nhà đầu tư.
Lưới điện lo không "cõng" nổi
Để đáp ứng giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo, EVN đã đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các công trình lưới điện truyền tải có liên quan tại các khu vực. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng các công trình lưới điện trên sẽ khó đáp ứng tiến độ đồng bộ với các công trình điện gió, mặt trời do các chủ đầu tư sẽ cố gắng đưa vào vận hành trước tháng 11/2021 để kịp hưởng cơ chế giá điện FIT theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018.
Điện gió cũng đang trải qua giai đoạn bùng nổ ở Việt Nam. Ảnh: Lương Bằng
Tổng công suất các dự án năng lượng tái tạo hiện nay đã được phê duyệt quy hoạch vượt quá khả năng giải tỏa, nên các dự án tại các khu vực bị quá tải sẽ được thông báo về khả năng giải toả công suất (ước lượng theo tỷ lệ %) các nguồn điện năng lượng tái tạo trong khu vực theo từng giai đoạn, đồng bộ với tiến độ các công trình lưới điện giải tỏa công suất do các đơn vị của EVN thực hiện, đồng thời bổ sung điều khoản đề nghị các chủ đầu tư cam kết giảm phát công suất khi xuất hiện nguy cơ đầy/quá tải các đường dây/trạm biến áp liên quan để đảm bảo vận hành an toàn lưới điện.
Việc này thực tế đã được thực hiện khi các dự án điện mặt trời “bùng nổ” ở Ninh Thuận, Bình Thuận gây quá tải lưới điện ở khu vực này. Nhiều dự án phải giảm công suất phát lên lưới, gây lãng phí. Nguy cơ đang lặp lại trên diện rộng, không chỉ ở Ninh Thuận, Bình Thuận như trước.
Chính vì thế, việc bổ sung quy hoạch các dự án cần phải được tính toán thận trọng đến khả năng giải tỏa công suất, tránh để nhà đầu tư bị thiệt hại, còn EVN không phải chật vật chạy theo các dự án.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã tính đến các kịch bản huy động nguồn điện khi xảy ra quá tải lưới điện. Bởi vì, hiện nay, số lượng các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo như mặt trời, gió, sinh khối, rác,... tham gia vận hành trong hệ thống điện quốc gia tăng đột biến, ảnh hưởng đến chế độ vận hành hệ thống, điều độ kinh tế hệ thống.
Theo đó, EVN sẽ ưu tiên các nhà máy đang trong quá trình thí nghiệm trước khi được công nhận ngày vận hành thương mại (COD), các nhà máy thủy điện đang xả. Tiếp đến là các nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo không còn hoặc không có khả năng tích trữ, gồm các nhà máy thủy điện có nguy cơ xả, các nhà máy thủy điện nhỏ vận hành theo cơ chế chi phí tránh được, điện gió và điện mặt trời. Kế đến là các dự án năng lượng tái tạo còn khả năng tích trữ, bao gồm sinh khối, rác. Cuối cùng mới huy động các nhà máy thủy điện còn khả năng điều tiết, các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch (nhiệt điện than, tuabin khí, nhiệt điện dầu, tuabin khí dầu).
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong báo cáo gửi Quốc hội cũng đánh giá tiến độ xây dựng một số công trình lưới điện để bảo đảm giải tỏa công suất các nhà máy điện gió, điện mặt trời đã được bổ sung quy hoạch tại những tỉnh có tiềm năng lớn về điện gió, điện mặt trời còn chậm. Sự phát triển chưa đồng bộ giữa nguồn điện, lưới điện và việc chậm tiến độ các dự án lớn dẫn đến thực tế công suất nguồn điện tại nhiều nơi còn dư thừa, chưa giải tỏa hết trong khi đó lại có nguy cơ thiếu điện cục bộ trên diện rộng.
Vì thế, Ủy ban Kinh tế đề nghị việc phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo cần được tính toán đồng bộ với việc xây dựng lưới điện để giải tỏa công suất, tránh lãng phí.