Nguồn lực để tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 được đặt trong tổng thể các nguồn lực huy động chung của nền kinh tế, với dự kiến khoảng 10 triệu tỷ đồng. Tái cơ cấu nền kinh tế bản chất là việc nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực, nâng cao vai trò và hiệu quả của thị trường trong phân bổ và sử dụng nguồn lực.
Tái cơ cấu nền kinh tế: Trọng tâm là huy động hay sử dụng hiệu quả các nguồn lực?
Đánh giá tổng thể, việc huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển đã được thực hiện khá hiệu quả. Tỷ lệ huy động các nguồn lực xã hội như vốn đầu tư xã hội, huy động qua ngân sách nhà nước, hệ thống ngân hàng và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn ở mức cao so với các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới.
Cụ thể, tổng vốn đầu tư xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015 đạt 31,8% GDP, gần tương đương mức của Nhật Bản (32,6% GDP) và cao hơn nhiều so với Đài Loan (21,9% GDP), Hàn Quốc (29,6% GDP) trong giai đoạn phát triển tương tự.
Về huy động vốn từ ngân sách nhà nước, tỷ lệ huy động vốn ngân sách nhà nước đạt 22 - 23% GDP, chi ngân sách 27 - 28% GDP. Đây là tỷ lệ khá cao so với các nước trong khu vực, chỉ sau Trung Quốc. Bên cạnh đó, huy động vốn từ ngân sách nhà nước cho phát triển hiện đã đến giới hạn, do tỷ lệ bội chi ngân sách luôn ở mức cao (thường xuyên trên 4,5 - 5%), nợ công ngày càng tiệm cận mức trần 65% GDP (trong khi không có khả năng nới trần trong thời gian tới).
Về huy động từ tiền gửi và tín dụng ngân hàng, tổng tín dụng của nền kinh tế đã đạt trên 100% GDP, tăng 17 - 18%/năm. Đây là mức cao so với các nước phát triển hơn trong khu vực.
Thu hút FDI trong tổng vốn đầu tư xã hội cũng đạt tỷ lệ cao so với các nước trong khu vực, với mức tăng trưởng 26 - 28%/năm.
Như vậy, khả năng huy động thêm nguồn lực cho phát triển trong giai đoạn tới là rất hạn chế. Thêm vào đó, việc tăng trưởng dựa vào gia tăng nguồn lực đã bộc lộ nhiều hạn chế trong thời gian qua. Tốc độ tăng trưởng GDP giảm dần, cứ 10 năm lại giảm 1%.
Do đó, tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn tới được hiểu là quá trình phân bổ lại nguồn lực (trước hết là vốn đầu tư) trên phạm vi quốc gia nhằm cải thiện và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực nói riêng và của toàn bộ nền kinh tế nói chung (bao gồm hiệu quả kỹ thuật và hiệu quả phân bổ). Kế hoạch Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đã xác định rõ mục tiêu là “thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung vào việc nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực phát triển, qua đó thay đổi cơ cấu và trình độ của nền kinh tế, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng suất cao hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn, có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn và đảm bảo tăng trưởng xanh, sạch, bền vững”.
Tái cơ cấu nền kinh tế đến năm 2020 dựa trên 2 trụ cột chính, có tác động tăng cường và bổ trợ lẫn nhau. Đó là:
Thứ nhất, đổi mới toàn diện phương thức quản lý nhà nước về kinh tế, xây dựng Nhà nước liêm chính và kiến tạo, để thị trường có vai trò ngày càng quan trọng trong huy động và phân bổ các nguồn lực xã hội.
Thứ hai, tập trung tái cơ cấu và hiện đại hóa các ngành kinh tế và vùng kinh tế, nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của từng ngành và của nền kinh tế.
Tái cơ cấu nền kinh tế đến năm 2020 không yêu cầu nguồn lực tài chính bổ sung, đặc biệt từ nguồn ngân sách nhà nước
Tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn tới nhằm nâng cao vai trò của “bàn tay vô hình” của thị trường trong việc huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, do vậy, hạn chế tối đa việc huy động các nguồn lực bổ sung từ ngân sách nhà nước để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.
Đối với một số ít lĩnh vực nhất định có yêu cầu nguồn lực nhà nước để tái cơ cấu, như xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, việc sử dụng nguồn lực nhà nước sẽ được tính toán, đánh giá tác động cụ thể và xem xét khả năng huy động các nguồn lực khác để hạn chế tối đa việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước.
Ngoài ra, tái cơ cấu nền kinh tế có thể tạo ra các nguồn lực mới cho phát triển. Cụ thể, theo tính toán của Đề án Kế hoạch Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, việc đẩy mạnh quyết liệt thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có thể tạo ra nguồn thu tới 15 - 20 tỷ USD đến năm 2020.
Tái cơ cấu nền kinh tế đòi hỏi yêu cầu rất lớn đối với các nguồn lực “phi tài chính”
Một là, tái cơ cấu nền kinh tế cần có sự tham gia của tất cả người dân; cần huy động nguồn lực tri thức; sự sáng tạo của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh trong nền kinh tế để có thể xây dựng một nền kinh tế năng động, sáng tạo.
Hai là, tái cơ cấu nền kinh tế yêu cầu quyết tâm chính trị cao và sự thay đổi trong nhận thức của lãnh đạo các cấp. Tái cơ cấu nền kinh tế cần được coi là nhiệm vụ trọng tâm, cần ưu tiên trong điều hành chính sách của các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương. Cần gắn tái cơ cấu nền kinh tế với phát triển kinh tế - xã hội. Cần có quyết tâm chính trị cao độ nhằm vượt qua tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ để thực hiện các giải pháp đã đề ra trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.
Ba là, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và có sự điều phối tập trung từ Trung ương đối với việc tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Cần có một cơ quan đầu mối chỉ đạo quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, để tổ chức thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế thống nhất và hiệu quả.
Bốn là, cần huy động và tăng cường sự giám sát của cộng đồng; nâng cao vai trò giám sát, phản biện của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội và của từng cá nhân đối với quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trên phạm vi cả nước và địa phương.
TS. Đinh Trọng Thắng - Đào Xuân Tùng Anh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương)