Sau chất cấm Salbutamol, hiện trên thị trường lại xuất hiện một chất tăng trọng, tạo nạc mới trong thịt lợn có tên Cysteamine. Đáng lo ngại là nếu người ăn thịt lợn có tồn dư chất tạo nạc mới này trong thời gian dài dễ mắc bệnh ung thư.
Chất tạo nạc Tàu được dùng tràn lan
Cách đây hơn một năm, cả nước rúng động với thông tin chất cấm salbutamol được sử dụng tràn lan từ nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đến các trang trại, bởi lợn ăn chất này sẽ có tác dụng bung đùi, nở vai, giảm tỷ lệ mỡ, tăng tỷ lệ nạc.
Người tiêu dùng ăn phải loại thịt này có nguy cơ bị ung thư, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Tuy nhiên, đến nay, việc sử dụng chất này gần như đã được kiểm soát và bước đầu khống chế.
Nhưng điều đáng cảnh báo là gần đây, trong quá trình thanh tra, cơ quan chức năng của Bộ NN-PTNT lại phát hiện ra một chất tạo nạc, tăng trọng lượng cho lợn mới là có tên Cysteamine.
Người tiêu dùng hết sức lo lắng vì chất tạo nạc có trong thịt lợn
Tại cuộc họp bàn về việc cấm hay cho phép sử dụng chất Cysteamine vào ngày 13/10, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ NN-PTNT, cho biết, chất tạo nạc, tăng trọng mới này có nguồn gốc từ Trung Quốc, đang được sử dụng phổ biến từ Bắc vào Nam.
Theo ông Việt, lực lượng chức năng liên tục phát hiện có tình trạng các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và cả người nuôi sử dụng Cysteamine. Trong khi đó, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyện ngành (Thanh tra Bộ) nói thêm, quá trình thanh tra phát hiện Cysteamine được sử dụng tràn lan tại Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Sơn La.
Mới đây, Thanh tra Bộ đã phát hiện một công ty ở Bình Lục, Hà Nam trong vòng 3 tháng đã nhập khẩu tới 7 tấn Maxsure. “Giá họ mua vào là 4,1 triệu đồng/gói 25kg ở phía Bắc và ở phía Nam là 5,5 triệu đồng và một số người dân ở Hưng Yên chúng tôi đã phát hiện được có dùng Cysteamine và mức họ mua là 6,5-10 triệu đồng/gói 25kg".
Các doanh nghiệp rất thích dùng chất Cysteamine vì buôn chất này hiện lãi hơn rất nhiều so với buôn ma túy. Trong khi đó, cám được trộn với chất Cysteamine bán rất chạy, thậm chí còn cháy hàng, ông Dũng chia sẻ.
Ăn thịt lợn tồn dư Cysteamine có nguy cơ bị ung thư
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, Cysteamine là một peptit có hoạt tính sinh học, có thể sinh ra trong cơ thể, là chất chuyển hóa từ Cystein, có công thức hóa học: C2H7NS (HSCH2CH2NH2), nồng độ trong máu thấp (khoảng 10µM).
Trong y học, từ năm 1994, Cysteamine được sử dụng để điều trị một số bệnh liên quan đến thận, cơ, tuyến giáp, não và mắt. Gần đây, Cysteamine được sử dụng để điều trị những bệnh rối loạn suy giảm thần kinh do di truyền trong các bệnh Huntington và Parkinson.
Một quầy bán thịt lợn ở Đà Lạt được đề biển là bán thịt sạch (ảnh Ngọc Hà)
Trong chăn nuôi, thú y, Cysteamine kết hợp với Dexamethasone và axit ascorbic điều trị một số bệnh rối loạn trao đổi chất như: Bệnh thở thơm và mất tính ham ăn ở bò, ngựa; viêm vú; viêm tử cung và mất sữa ở lợn nái. Cysteamine kích thích tăng trọng nhanh, tăng khả năng ăn vào, giảm mỡ lưng, tăng tỷ lệ nạc, có thể nói đây là chất gián tiếp tăng trọng vật nuôi.
Nhiều nghiên cứu trên động vật cho rằng liều cao Cysteamine là nguyên nhân loét tá tràng (hoặc viêm loét dạ dày và tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa), hoại tử vỏ thượng thận và di tật thai nhi.
Đặc biệt, theo Viện Thú y, Cysteamine được sử dụng như một phụ gia thức ăn chăn nuôi để kích thích tăng trưởng thì những người ăn phải thịt chứa chất này trong một thời gian dài dễ mắc các bệnh như ung thư vú, ung thư kết tràng và tuyến tiền liệt, suy yếu hệ thống miễn dịch,...
Trong khi các cơ quan chức năng của Bộ NN-PTNT vẫn còn đang tranh cãi về vấn đề cấm hay cho phép sử dụng chất Cysteamine trong chăn nuôi (hiện Trung Quốc là quốc gia quy nhất trên thế giới quy định Cysteamine CH1 được sử dụng làm phụ gia chăn nuôi), thì người tiêu dùng tỏ ra bất an, sợ mua phải các loại thịt tồn dư chất Cysteamine.
Chị Phạm Thu Ngân ở ngõ 20 Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, khi có thông tin lợn được nuôi bằng chất tăng trọng, tạo nạc chị đã không dám mua ở chợ, chỉ ăn thịt lợn ở quê gửi lên vì nhà nuôi bằng cám gạo, cám ngô.
“Gần đây tôi mới ra chợ mua thịt lợn ăn vì thấy cơ quan chức năng nói là đã kiểm soát được việc sử dụng chất cấm. Thế mà giờ đây chất tạo nạc mới lại xuất hiện, người nuôi còn sử dụng nhiều hơn cả chất cũ. Mà ăn nhiều thịt lợn tồn dư chất này cũng có nguy cơ gây ung thư. Nên mấy ngày nay tôi chỉ lo mua phải loại thịt có chất độc hại”, chị Ngân lo lắng.
Trong khi đó, bà Trần Thị Hải Hà (Thành Công - Ba Đình - Hà Nội) cũng chia sẻ, thịt lợn là món ăn phổ biến, ở thành thị hầu như mâm cơm nhà nào cũng có món thịt lợn.
Song, trước thông tin về chất tạo nạc mới, bà cảm thấy vô cùng bất an. Theo bà Hà, đã là chất có nguy cơ độc hại cho sức khỏe con người thì cơ quan chức năng nên cấm sử dụng. Hiện nay đã có rất nhiều loại thuốc hữu cơ không gây hại thay thế nên việc cấm hóa chất trên là cần thiết và không có lý do nào để chần chừ
Bảo Phương / vietnamnet