Nhiều doanh nghiệp khu chế xuất Tân Thuận nói sẽ điêu đứng nếu bị phong tỏa dài ngày và muốn hoạt động trở lại để hoàn tất đơn hàng.
29 doanh nghiệp ở Khu chế xuất Tân Thuận đã bị phong toả, ngưng hoạt động do phát hiện ca nghi nhiễm. Trước quyết định trên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, họ quá bất ngờ và trở tay không kịp.
Doanh nghiệp ở khu chế xuất Tân Thuận (quận 7). Ảnh: Tất Đạt.
Trao đổi với VnExpress, ông Hoàng Xuân Thái, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts Vietnam Inc cho biết, công ty ông có 5 xưởng sản xuất tại khu chế xuất Tân Thuận với 8.000 công nhân. Tuy nhiên, sáng 12/7 đã bị phong tỏa 4 xưởng và chỉ còn lại 1 xưởng tại đường số 19 khu chế xuất được hoạt động.
"Với việc phong tỏa này, các đơn hàng của chúng tôi sẽ phải giao chậm cho khách hàng. Ban giám đốc từ qua đến nay liên tục họp để đưa ra các phương án ưu tiên", ông Thái nói và cho biết đang khá chật vật phải xin lỗi khách hàng.
Đơn nào cần gấp công ty sẽ ưu tiên và dồn lực cho phân xưởng duy nhất còn lại sản xuất. Tuy nhiên, dù có làm hết công suất cũng khó đáp ứng đầy đủ các đơn hàng cho khách.
Ngoài việc không được hoạt động sản xuất bình thường, Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts Vietnam Inc còn đang gặp khó khi nhiều công nhân lo sợ dịch bệnh đã nghỉ ngang về quê. Số khác sau khi nghe tin bị phong tỏa đã tự nghỉ mà không thông báo với ban quản lý. Do đó, lượng nhân công sẽ bị thiếu hụt ở hiện tại và tương lai sau giãn cách cũng gặp khó trong tuyển dụng.
Ông Thái kiến nghị, nhà chức trách cần thấu hiểu doanh nghiệp hơn. Song song đó, cơ quan quản lý khi đưa ra quyết định cần cho doanh nghiệp thời gian chuẩn bị cũng như kế hoạch cụ thể để lên phương án kinh doanh.
Cũng gặp khó khi bị tạm nghỉ đột ngột, lãnh đạo doanh nghiệp một công ty may mặc tại khu này cho biết, các đơn hàng của công ty sẽ phải dời sang tháng kế tiếp. "Chúng tôi đang họp bàn với khách hàng cả ngày nay. Nếu họ đồng ý thì chúng tôi sẽ chậm giao hàng. Còn nếu quá gấp doanh nghiệp có nguy cơ bị mất đơn", vị này nói.
Cùng với khu chế xuất Tân Thuận, nhiều doanh nghiệp ở các quận khác cũng đang bị lâm vào cảnh bị "đóng băng" chuỗi cung ứng khi bị phong tỏa.
Chủ tịch một doanh nghiệp may mặc chuyên phục vụ thị trường nội địa cũng cho biết khó khăn chồng chất do chuỗi cửa hàng phải tạm đóng. Vì vậy, công ty đang chuẩn bị đóng băng nhiều chuyền sản xuất tại quận 12.
Đầu ra không có nên dòng tiền bị âm, mất khả năng thanh toán đầu vào. Lại thêm việc đi lại và nguy cơ nhiễm bệnh cao nên tâm lý lao động khối sản xuất, theo ông, đang rất lo lắng và sợ hãi.
"Chúng tôi đang cố gắng tìm cách truyền đạt thông tin và động viên tinh thần riêng biệt cho từng nhóm lao động, vì cách họ tiếp nhận và phản ứng với dịch bệnh cũng khác nhau. Thay vì sống chết để tìm doanh thu lúc này, chúng tôi đành chọn cách xây dựng những nền tảng để sẵn sàng khởi động lại tốt nhất sau dịch", đại diện yêu cầu giấu tên nói.
Là doanh nghiệp có số lượng người lao động lớn nhất TP HCM, mới đây Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam, quận Bình Tân, cho biết có hơn 33.000 công nhân tạm nghỉ việc tính đến 12/7. Điều này, đang khiến doanh nghiệp có gặp khó trong sản xuất.
Lãnh đạo Pouyuen cho biết, họ chưa thể thống kê thiệt hại cụ thể. Tuy nhiên, theo ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch công đoàn Pouyuen cho rằng, lao động nghỉ việc quá nhiều khiến doanh nghiệp lao đao. Hiện, một số công nhân đến nhà máy nhưng không chịu làm việc và tâm lý đang lo lắng. Phía công đoàn đã kiến nghị với lãnh đạo nhà máy đánh giá lại toàn bộ tình hình để có hướng giải quyết cho những ngày tới.
Ngoài ra, công ty đang có nhiều đơn hàng gấp nhưng thiếu nhân công khiến tiến độ sản xuất bị chậm lại rất nhiều. Một số đơn hàng thời gian hoàn thành dài gấp 2-3 lần so với trước. Nếu không thoả thuận được với khách hàng, công ty sẽ phải bồi thường do chậm trễ.
Trao đổi với VnExpress, ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp, khu chế xuất TP HCM (HBA) cho rằng, với tình hình như hiện nay, doanh nghiệp sẽ điêu đứng vì không thể sản xuất.
Khảo sát trực tiếp của HBA cho thấy, hầu hết doanh nghiệp đều nói đơn hàng của họ khá dồi dào, nếu bị phong tỏa dài ngày như hiện nay sẽ bị gãy chuỗi sản xuất. "Họ mong muốn được hoạt động trở lại. Họ chấp nhận và đề xuất phương án vừa làm việc vừa giãn cách ngay trong nhà máy, trong đó, toàn bộ hoạt động sản xuất và ăn ở sẽ được thực hiện tại công ty và không di chuyển ra bên ngoài để tránh lây nhiễm", ông Long nói.
Trước mong muốn "cấp cứu" của doanh nghiệp, tuần này hiệp hội và đoàn công tác của thành phố sẽ tiếp tục khảo sát để xem tình hình thực tế của doanh nghiệp.
Hiệp hội đang rất cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp nhưng theo ông Long, trước chỉ thị 16 của TP HCM về giãn cách xã hội quá khắt khe, đặc biệt trong tình hình dịch bùng phát mạnh, doanh nghiệp phải đủ yếu tố do ban phòng chống dịch đưa ra mới được hoạt động trở lại. Cụ thể, doanh nghiệp phải có khu ăn ở thoáng mát, hoạt động sản xuất trong nhà máy được đảm bảo và tuân thủ các nguyên tắc phòng dịch...
"Sau một ngày khảo sát 29 doanh nghiệp ở khu chế xuất Tân Thuận, chỉ có khoảng 50% có thể hoạt động trở lại và đủ điều kiện vừa sản xuất vừa ăn ở lại nhà máy. Số còn lại điều kiện hạn chế. Với khu công nghệ cao, số lượng doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại cũng tương tự", ông Long nói thêm.
Đường ra vào khu chế xuất Tân Thuận vắng bóng công nhân giờ tan tầm. Ảnh: Tất Đạt.
Nhiều doanh nghiệp ở TP HCM cho biết đang khó trong khâu nhân sự, nhiều nơi đang thiếu nhân lực trầm trọng do dịch.
Ông Lương Vạn Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo, đơn vị có cơ sở sản xuất ở huyện Bình Chánh chia sẻ, nhiều nữ lao động có chồng làm ở công ty khác và khi người chồng rơi vào diện nghi nhiễm, ông phải cho người vợ đang làm tại công ty mình nghỉ để cách ly tại nhà 3 tuần.
"Chúng tôi xem lại cả camera để biết người vợ đó tiếp xúc với những lao động nào nữa và cho nghỉ cách ly luôn những người đó. Những trường hợp như vậy chúng tôi gặp khá nhiều nên nhìn chung đang bị thiếu người", ông Vinh nói.
Công ty đang động viên nhân viên tự nguyện chọn ở lại tại chỗ để sản xuất. Công ty cũng sắp giường và chuẩn bị chỗ ở tạm cho người lao động và sẽ tăng thêm một ít tiền phụ cấp cho họ.
Không khó khăn như các doanh nghiệp sản xuất, nhóm doanh nghiệp phần mềm hoạt động dễ dàng hơn. Tuy nhiên, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Tổng giám đốc công ty Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cho biết, QTSC cũng đang thảo luận với các chủ đầu tư tòa nhà để tìm vị trí tổ chức các khu cách ly dự phòng để sử dụng trong trường hợp doanh nghiệp cần đến.
"Bên chúng tôi tính chất cũng khác là chỉ có tòa nhà văn phòng chứ không có nhà xưởng. Do đó, chúng tôi đang thảo luận để tìm các vị trí phù hợp vì tòa nhà văn phòng vốn có nhiều máy móc, không có nhiều không gian trống quy mô lớn như các đơn vị sản xuất hàng hóa", ông Long cho biết thêm.
Với khu công nghệ cao TP HCM, FPT Software đã chọn kích hoạt phương án vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất. Theo bà Hà Thị Bắc Loan, Trưởng phòng Trung tâm Dịch vụ sẻ chia (FPT Software HCM), 200 nhân viên tại campus F-Town được sắp xếp chổ nghỉ theo mô hình "3 tại chỗ", tức "ăn - ngủ - làm việc". Toàn bộ nhân sự tách biệt hẳn với bên ngoài.
Số lượng 200 nhân viên này là những kỹ sư đang làm việc cho các dự án quan trọng, bắt buộc phải ngồi ở văn phòng chứ không thể làm việc tại nhà. Cùng với đội ngũ này, khoảng 40 nhân sự gồm đội kỹ thuật, vận hành tòa nhà, bếp ăn... cũng được sắp xếp ở lại công ty để hỗ trợ hậu cần.