Nhiều chuyên gia dự báo, cuối quý II, đầu quý III năm nay, một số mặt hàng thiết yếu như thực phẩm chế biến, dầu ăn... có khả năng thiết lập mặt bằng giá mới. Nguyên nhân do giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh trong hơn 1 năm trở lại đây.
Áp lực với doanh nghiệp
Theo giới kinh doanh, làn sóng tăng giá các mặt hàng nguyên liệu sản xuất diễn ra phổ biến gần đây trên thế giới đã gây áp lực lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước. Thừa nhận thực tế này, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh - cho hay, cùng với giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, nhiều chi phí sản xuất khác như: Vận tải, logistics, công nhân… cũng tăng đáng kể. Trong khi đó, dịch bệnh lại diễn biến phức tạp, kéo dài dẫn tới khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh buộc doanh nghiệp phải hủy bỏ đột ngột các chương trình marketing tại nhiều địa phương dù trước đó đã chuẩn bị đầu tư kinh phí tổ chức... Đặc biệt, doanh nghiệp phải đối mặt với áp lực tài chính lớn khi doanh số giảm nhưng vẫn phải trả các chi phí cố định để duy trì hoạt động.
Một số sản phẩm sản xuất dựa vào nguyên liệu nhập khẩu đã tăng giá trung bình từ 5 - 15%
Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng đã có động thái điều chỉnh tăng giá hàng hóa với mức thấp nhất khoảng 10% so với đầu năm. Ông Lưu Huỳnh - Giám đốc Marketing Công ty TNHH Meizan CLV - cho biết, giá nguyên vật liệu bột mì đã tăng cao thời gian qua, gây áp lực lớn đến giá bán các sản phẩm của hãng. Dự kiến trong tháng 5 này, một số sản phẩm nhóm bột như bột mì, bột chiên xù, bột gia vị của Meizan sẽ tăng giá 10% (tăng thấp hơn so với giá nguyên liệu đầu vào 20%). Cũng như Meizan, lãnh đạo Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (Vissan) thừa nhận, Visan dự kiến từ cuối tháng 5 sẽ điều chỉnh tăng ít nhất là 10% cho các mặt hàng thực phẩm chế biến.
Hợp tác để giữ giá sản phẩm
Trước động thái rục rịch tăng giá của các nhà sản xuất, một số hệ thống siêu thị có mạng lưới rộng, có kinh nghiệm phân phối hàng bình ổn giá điều tiết thị trường bắt đầu áp dụng công cụ điều tiết để giữ và giảm giá. Điển hình như Saigon Co.op, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc đơn vị này - cho rằng, từ giữa tháng 4/2021, các hệ thống siêu thị của Saigon Co.op bắt đầu nhận được đề nghị sẽ tăng giá hàng loạt mặt hàng vào tháng 5/2021, trong đó tập trung vào nhóm dầu ăn, sữa, bột dinh dưỡng, mì ăn liền với lý do giá nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng. Tuy nhiên, tất cả các đề nghị tăng giá của nhà cung cấp sẽ được Saigon Co.op xem xét cẩn trọng, không áp dụng tăng giá ngay mà phải đưa ra lộ trình hợp lý dựa trên độ trễ đặc trưng của từng lô hàng, ngành hàng.
Tương tự, Giám đốc Marketing của một siêu thị ngoại cũng cho hay, dù nhận được thông tin tăng giá từ nhà cung cấp song siêu thị đã xem xét và chỉ áp dụng đối với những sản phẩm chịu tác động bởi nguyên liệu nhập khẩu như dầu ăn, còn các nhóm hàng khác có nguồn sản xuất nguyên liệu trong nước sẽ bị từ chối áp dụng.
Không chỉ cẩn trọng trong việc tăng giá theo đề nghị của nhà sản xuất, các nhà phân phối còn liên tiếp áp dụng các đợt khuyến mại kéo dài với mức giảm giá từ 5-49% để chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng.
Hiện các mặt hàng trong nước như rau, cá, thịt, gạo,... đều giữ giá tốt, không có hiện tượng tăng giá. Riêng sản phẩm nhập khẩu, hoặc sản phẩm sản xuất dựa vào nguyên liệu nhập khẩu đã tăng giá trung bình từ 5 - 15% do khan hiếm nguyên liệu, chi phí vận chuyển tăng...