Nông thôn đang là căn cứ địa làm nên tên tuổi của nhiều doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là nhóm hàng tiêu dùng. Tới đây, nhà bán lẻ nước ngoài sẽ tiến mạnh về thị trường béo bở này?
Chọn mua mì ăn liền 3 Miền tại một cửa hàng tạp hóa ở TP.HCM - Ảnh: Quang Định
So với cách đây nhiều năm, hàng Việt về thị trường nông thôn đã phong phú, đa dạng hơn. Nơi đây còn trở thành căn cứ địa làm nên tên tuổi của nhiều doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là nhóm hàng tiêu dùng.
Theo kết quả của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, mức tăng trưởng năm 2015 của ngành hàng tiêu dùng nhanh khu vực thành thị chỉ có 2,6%, trong khi ở thị trường nông thôn là 10,8%. Đáng chú ý, nhãn hiệu nội địa có mức tăng trưởng lên đến 14,3% so với 6,8% của các nhãn hàng công ty đa quốc gia.
Thương hiệu nội được chọn nhiều hơn
Đang trong những ngày khảo sát thị trường nông thôn tại huyện Lâm Hà, Lâm Đồng để chuẩn bị cho phiên chợ hàng Việt về nông thôn sắp diễn ra vào tháng 4-2016, ông Lê Minh Quân, trưởng dự án Chương trình hàng Việt về nông thôn của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), kể so với cách đây 4 năm, khi phiên chợ lần đầu tiên về đây, hàng hóa tại huyện đã phong phú hơn hẳn, các tiệm tạp hóa, siêu thị mini mở ra khắp nơi.
“Người dân ở huyện hiện nay ít đi chợ hơn do ra ngõ là có điểm bán, độ phủ hàng hóa của doanh nghiệp trong nước khá tốt, nhất là các mặt hàng thuộc ngành nhựa, thực phẩm đóng gói, nước chấm... Riêng ngành hóa mỹ phẩm, các nhãn hàng của công ty đa quốc gia vẫn còn áp đảo” - ông Lê Minh Quân nhận xét.
Với nhiều người tiêu dùng nông thôn, mua sắm hàng hóa bây giờ quá dễ do các chương trình quảng cáo, khuyến mãi... được các doanh nghiệp đầu tư bài bản hơn.
Báo cáo cập nhật tình hình thị trường tiêu dùng nhanh của Kantar cũng cho thấy các thương hiệu Việt có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2015 có thể kể đến như: 3 Miền, Fami, TH True Milk, Susu... Đại diện Công ty UNIBEN (Hóc Môn, TP.HCM) - đơn vị sở hữu thương hiệu gia vị, mì gói 3 Miền - cho hay tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm 2015 có được phần lớn nhờ thị trường nông thôn.
Năm 2015, 3 Miền đã thâm nhập được thêm 10% vào khu vực nông thôn, trở thành nhãn hiệu có mức tăng trưởng cao nhất khi thâm nhập khu vực này, trong đó chỉ riêng ngành mì gói tăng trưởng của khu vực nông thôn lên đến 26% so với 22% của khu vực thành thị.
“Sở dĩ chúng tôi có mức tăng trưởng nhanh là nhờ đã tập trung làm đúng sản phẩm, hiểu người tiêu dùng. Thực tế, không ít sản phẩm chỉ phục vụ cho một khu vực nhỏ của miền nào đó nhưng vẫn được chăm sóc, phân phối tốt” - vị đại diện UNIBEN chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, giám đốc phát triển kinh doanh Kantar Worldpanel Việt Nam, cho rằng việc các thương hiệu VN đang được người tiêu dùng lựa chọn ngày càng nhiều đã góp phần vào sự tăng trưởng của các nhãn hàng năng động nhất trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh, trong đó nổi trội các ngành hàng như sữa, đồ uống, thực phẩm đóng gói...
“Các doanh nghiệp nội địa bắt đầu chuyên nghiệp hơn trong việc tạo nhận diện thương hiệu, các sản phẩm mới cũng được đầu tư, đổi mới liên tục... để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng” - ông Hoàng nhận xét.
Nguồn lực tăng trưởng mới
Với số lượng người tiêu dùng lớn, khu vực nông thôn luôn là mối quan tâm của các thương hiệu trong ngành hàng tiêu dùng nhanh và khu vực này hiện luôn giữ mức tăng trưởng nhanh hơn so với khu vực thành thị trong năm 2015.
Ông Lương Vạn Vinh, giám đốc Công ty Mỹ Hảo, cho biết khái niệm thị trường nông thôn còn tùy vào văn hóa mỗi doanh nghiệp.
“Với chúng tôi, thị trường nông thôn được hiểu là các tuyến huyện, xã; các địa phương cấp thành phố vẫn được hiểu là thị trường thành thị. Nhưng dù chia kiểu gì thì việc đeo bám, tổ chức mạng lưới ở khu vực này cần kiên trì” - ông Vinh nói thêm.
Hiện doanh số thị trường nông thôn của Mỹ Hảo chiếm 50% với sự tăng trưởng chủ yếu nhờ sản lượng.
Trong khi đó, ông Lê Minh Quân cho rằng độ phủ luôn là điểm yếu nhất của doanh nghiệp trong nước, việc tiếp cận thị trường nông thôn, nhất là vùng sâu vùng xa, của các doanh nghiệp trong nước còn khó khăn.
“Hiện dù độ phủ hàng Việt ở nông thôn đã cải thiện nhưng vẫn còn nhiều nơi hàng Việt chưa vươn tới được. Có nhiều thị trấn, xã hàng hóa rất đầy đủ nhưng chỉ cần đi xa thêm hơn 20km thì hàng trở nên khan hiếm. Ngay cả trong trung tâm, hàng hóa cũng chỉ đủ chứ chưa thể nói là phong phú” - ông Quân nhận xét.
Trong các phiên chợ bán hàng về nông thôn, ngoài mục đích bán hàng, doanh nghiệp nào cũng có nhu cầu phát triển mở rộng hệ thống phân phối, đại lý... nhưng để quyết tâm làm thì số lượng vẫn còn ít.
Gần đây, thị trường bán lẻ trong nước trở nên sôi động bởi những thương vụ mua bán, sáp nhập với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cảnh báo ngay sau khi thâu tóm thành công hệ thống bán lẻ hiện đại, các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ tiến mạnh về nông thôn.
“Làm phân phối thì không ai bài bản và hiểu rõ tâm lý bằng người Thái. Thông qua các hội chợ thương mại vốn thu hút rất đông người dân, nhà bán lẻ Thái đang muốn đẩy hàng mình về nông thôn. Do vậy, các doanh nghiệp hiện nay cần ưu tiên đi về nông thôn, cửa hàng chuyên doanh hơn là chăm chăm vào hệ thống siêu thị” - bà Hạnh nói.
Nhãn hiệu nội ngày càng được ưa thích Theo các chuyên gia, nhãn hàng trong nước đang ngày càng được ưa thích và góp phần thay đổi cục diện thị phần một số ngành hàng trên thị trường. Sự đồng nhất trong thương hiệu của các nhãn hiệu thuộc công ty đa quốc gia vốn là thế mạnh thì cũng dễ trở thành điểm yếu khi về thị trường nông thôn, nơi ưu tiên cho những sản phẩm giá tốt, có hình ảnh gần gũi, sản phẩm dễ xài, dễ nhớ... “Chúng tôi tập trung nghiên cứu kỹ khẩu vị người tiêu dùng, hương vị đặc biệt của từng vùng miền để địa phương hóa sản phẩm. Ngoài ra, chúng tôi cũng phải hợp lý hóa sản xuất, cắt giảm hao phí để tập trung tối đa cho chất lượng sản phẩm, nhờ đó có thể cung cấp được một sự cân bằng tốt nhất giữa chất lượng người tiêu dùng muốn và mức giá mà họ chấp nhận được” - ông Trương Quế Anh, một “lão làng” trong ngành thực phẩm, trưởng phòng R&D của 3 Miền, cho biết thêm. |
(theo tuoitre.vn)