Trong giai đoạn 2011-2015, hệ thống NHTM đã trải qua quá trình tái cơ cấu để xử lý những NH yếu kém, nhưng không có NH nào phá sản do quy định về hoạt động bảo hiểm tiền gửi (BHTG) còn nhiều bất cập. Do đó, yêu cầu đặt ra cần phải sửa đổi các chính sách liên quan đến BHTG để hỗ trợ các cơ quan quản lý, giám sát đảm bảo ổn định hoạt động NH và duy trì kỷ luật thị trường trong thời gian tới.
Bảo hiểm không đủ tiền trả
Khi tiến hành tái cơ cấu hệ thống NHTM , việc NHNN mua lại 3 NH với giá 0 đồng đã vấp phải nhiều câu hỏi vì sao NHNN chọn giải pháp quốc hữu hóa thay vì cho phá sản các NH yếu kém để lành mạnh hóa hệ thống. Chẳng hạn trường hợp NH Xây dựng (VNBC), theo kết quả thanh tra của NHNN, ngày 10-7-2012 thực trạng tài chính của NH Đại Tín (Trustbank - tiền thân của VNBC) có vốn chủ sở hữu âm 2.854 tỷ đồng, lỗ lũy kế 6.061 tỷ đồng. Cuối năm 2012, dù đã có sự tham gia tái cấu trúc của Tập đoàn Thiên Thanh, NH này lỗ lũy kế 8.765 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5.711 tỷ đồng. Đến cuối năm 2013, con số lỗ lũy kế lên 11.348 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 8.293 tỷ đồng.
Tháng 7-2014, vào thời điểm khởi tố vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm, vốn chủ sở hữu của NH này đã âm 18.469 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 38.255 tỷ đồng, tổng tài sản 16.745 tỷ đồng. Đến cuối năm 2014, phần vốn chủ sở hữu âm tới hơn 24.000 tỷ và lỗ lũy kế 27.000 tỷ đồng. Mặc dù VNBC âm vốn lớn và cổ phiếu có giá trị thực âm hơn 80.000 đồng/cổ phiếu, nhưng NHNN vẫn mua lại VNBC với giá 0 đồng.
Đến nay vẫn chưa có NH nào được phá sản do tâm lý muốn giữ ổn định hệ thống NH. Tuy nhiên, nếu mạnh tay thực hiện phá sản, chúng ta có thể giải quyết được vấn đề các NH cạnh tranh không lành mạnh. Khi NH phá sản, người gửi tiền sẽ chịu thiệt hại, do vậy nếu cho NH phá sản cần phải nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi, thay vì 50 triệu đồng/khoản tiền gửi như hiện nay lên mức 200 triệu đồng/khoản tiền gửi. TS. Trần Du Lịch |
Sau khi được quốc hữu hóa và Vietcombank hỗ trợ quản lý, VNBC đã hoạt động trở lại. Mặc dù việc NHNN mua lại VNBC với giá 0 đồng đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá cao, thể hiện quyết tâm xử lý NH yếu kém của cơ quan quản lý, nhưng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã lên tiếng khuyến cáo NHNN, điều này chỉ nên là bước đi đầu tiên hướng đến khuôn khổ phù hợp về thanh lý và phá sản NH, thông qua đó nguyên tắc kỷ luật thị trường được tăng cường đối với cả cổ đông và người gửi tiền. Tuy nhiên sau đó, NHNN vẫn tiếp tục mua lại GPBank và OceanBank với giá 0 đồng.
Liên quan đến vấn đề này, trong báo cáo bổ sung gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội hồi tháng 11-2015, NHNN giải trình lý do quyết định mua 3 NH là GPBank, VNCB và OceanBank với giá 0 đồng. Theo báo cáo này, tính đến cuối năm 2014, quy mô tổng tài sản của BHTG là 21.062 tỷ đồng và quỹ nghiệp vụ chi trả tiền bảo hiểm 15.331 tỷ đồng, con số này không thể đáp ứng được nhu cầu chi trả tiền gửi của NH có quy mô nhỏ bị phá sản.
Mua lại 3 NH này là biện pháp hợp lý nhất trong thời gian qua để xử lý, cơ cấu lại một cách triệt để, toàn diện. Bởi cả 3 NH đều đã lâm vào tình trạng vốn chủ sở hữu âm nên giải pháp tự tái cấu trúc hoặc sáp nhập, hợp nhất tự nguyện không khả thi. Dù vậy, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khi đó cho biết, đây cũng chỉ được xem là giải pháp tình thế, về lâu dài khi đủ điều kiện, giải pháp phá sản sẽ được áp dụng đối với một số trường hợp TCTD yếu kém có ảnh hưởng không lớn đến người gửi tiền và an toàn hệ thống.
Phải nâng hạn mức tiền gửi
Còn nhớ vào giữa năm 2014 đầu năm 2015, khi thông tin về việc Luật Phá sản (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015, trong đó có 1 chương riêng quy định về Luật Phá sản các TCTD, thị trường đã kỳ vọng các NH sẽ được tái cơ cấu quyết liệt nhằm lành mạnh hóa hệ thống NH và các NH thật sự yếu kém sẽ bị phá sản theo nguyên tắc kỷ luật thị trường. Tuy nhiên, với các quy định còn bất cập của BHTG, NHNN buộc phải xử lý NH yếu kém bằng những giải pháp êm thấm, không để xảy ra đổ vỡ, ảnh hưởng đến toàn hệ thống.
Các chuyên gia trong lĩnh vực BHTG cho biết, hiện các văn bản pháp lý chồng chéo và chưa đồng bộ, nên việc chi trả bảo hiểm cho người dân cũng như thanh lý tài sản của NH phá sản rất khó khăn. Một vấn đề quan trọng nữa là thời hạn trả bảo hiểm lên đến 60 ngày và hạn mức trả tiền bảo hiểm của một cá nhân tại một TCTD tham gia bảo hiểm theo các quy định hiện hành áp dụng từ năm 2005 đến nay quá thấp, chỉ 50 triệu đồng/tài khoản tiền gửi.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, Tổng công ty BHTG Liên bang Hoa Kỳ (FDIC) chi trả cho tất cả người gửi tiền tại NH với hạn mức lên tới 250.000USD (5,5 tỷ VNĐ), đồng thời cùng với FED (Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ) và các cơ quan có thẩm quyền khác giám sát hoạt động của các NH, nên người dân luôn yên tâm gửi tiền. Với hạn mức chi trả BHTG cao, dù có NH phá sản người dân cũng yên tâm gửi tiền, còn với hạn mức chi trả thấp, người dân sẽ mất niềm tin và tiền sẽ bị rút ra.
Do đó, các quốc gia phát triển rất linh hoạt trong việc điều chỉnh hạn mức chi trả BHTG theo tình hình kinh tế-xã hội từng thời kỳ, và thường đáp ứng các chỉ số như tỷ lệ số người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm phải trên 80%; tỷ lệ số tiền gửi được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm khoảng 20-30%; tỷ lệ hạn mức BHTG trên GDP bình quân đầu người từ 2,5-5 lần…
Tại Việt Nam, do quy định chưa sát với nhu cầu thực tế, nên NHNN phải chọn cách mua lại NH với giá 0 đồng, một giải pháp được đánh giá khá tốn kém chi phí vì phải xử lý nợ xấu, trả tiền cho người dân cộng thêm chi phí, trách nhiệm cho NHTM được chỉ định hỗ trợ quản lý. Thời điểm này, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc BHTG cần thay đổi để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu hệ thống NH, vì hiện tổng nguồn vốn của BHTG Việt Nam đã đạt mức 30.680 tỷ đồng, quỹ dự phòng nghiệp vụ chi trả cho người gửi tiền khi phát sinh nghĩa vụ chi trả cũng đạt mức 23.243 tỷ đồng.
Trong buổi làm việc với BHTG Việt Nam về mô hình hoạt động của tổ chức và định hướng sử dụng công cụ tham gia vào quá trình tái cơ cấu NHTM mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh về định hướng sử dụng công cụ BHTG như thế nào vào quá trình tái cơ cấu NHTM để xử lý nợ xấu, vì đây là định chế tài chính rất quan trọng, nhưng tổ chức hoạt động lại ít được để ý đến và chưa tham gia vào quá trình tái cơ cấu hệ thống NH và các TCTD. Hiện các phương án phát triển BHTG để đáp ứng yêu cầu tái cấu trúc nền kinh tế đang được xây dựng. Các chuyên gia cho rằng cần sớm tăng hạn mức chi trả BHTG, tạo tiền đề để có thể thực thi Luật Phá sản, từ đó thiết lập lại kỷ luật thị trường.
Theo Yên Lam
Sài Gòn Đầu tư Tài chính