Theo kết quả khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh quý III/2016 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa thực hiện đối với gần 200 doanh nghiệp của các nước châu Âu đang đầu tư, hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam, có tới 39% số doanh nghiệp dự định tăng đầu tư.
39% số doanh nghiệp châu Âu dự định tăng đầu tư tại Việt Nam
Cụ thể, có gần 72% số doanh nghiệp tỏ ra khá lạc quan về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Có tới 52% số doanh nghiệp dự định tăng số lượng lao động (trong đó, 16% cho biết sẽ tăng đáng kể trong tương lai gần). 41% doanh nghiệp có ý định duy trì mức độ đầu tư tại Việt Nam. Số lượng phản hồi dự định tăng đầu tư chiếm 39% và 17% số doanh nghiệp dự định tăng đáng kể mức đầu tư. Số lượng doanh nghiệp phản hồi thoái vốn rất giới hạn, chưa đến 1%, giảm đáng kể so với con số 7% của khảo sát trong quý trước đó…
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư gần đây, ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bosch Việt Nam cho biết, sau hơn 20 năm đầu tư tại Việt Nam, lần đầu tiên, nhà đầu tư đến từ Đức đạt được kết quả sản xuất - kinh doanh ấn tượng. Cụ thể, trong năm qua, Bosch Việt Nam đạt doanh thu hợp nhất 68 triệu USD, tăng gần 50% so với năm trước đó.
Cũng theo ông Huệ, trong năm 2016, Bosch Việt Nam đầu tư khoảng 22 triệu USD cho việc nâng cao năng lực của nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Long Thành (Đồng Nai), hoàn thành cam kết trong 5 năm sẽ đầu tư thêm 340 triệu USD cho các hoạt động tại Việt Nam.
Liên quan đến tình hình đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, có ý kiến quan ngại rằng, dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Nguyên nhân là việc Anh rời khỏi EU (Brexit) có thể khiến việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) bị trì hoãn.
Về vấn đề trên, trao đổi với báo chí mới đây, ông Michael Behrens, Chủ tịch EuroCham cho rằng, Brexit sẽ không ảnh hưởng đến hiệp định này và không có chuyện phải đàm phán lại.
Theo ông Michael Behrens, sự lạc quan của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam hiện khá cao, chủ yếu do họ kỳ vọng vào EVFTA sắp có hiệu lực. Do vậy, nếu hiệp định này bị trì hoãn, thì sự lạc quan của họ sẽ suy giảm và có thể dẫn đến đầu tư sụt giảm. Tuy nhiên, đại diện EuroCham cho rằng, việc này sẽ không xảy ra và kỳ vọng EVFTA có hiệu lực vào cuối năm 2017 như dự kiến.
Cũng theo ông Michael Behrens, với EVFTA, xuất khẩu của Việt Nam sang EU được kỳ vọng sẽ tăng 50% trong vài năm đầu hiệp định có hiệu lực và xuất khẩu của EU sang Việt Nam cũng sẽ tăng với tốc độ tương tự. Theo đó, sẽ có ngày càng nhiều doanh nghiệp châu Âu đến đầu tư tại Việt Nam và mang theo công nghệ cao cũng như chuyển giao công nghệ. Các doanh nghiệp Đức, Pháp... không chỉ đến đầu tư tại TP.HCM, Hà Nội, mà còn triển khai dự án tại nhiều địa phương khác của Việt Nam.
Về xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu, theo đại diện của EuroCham, các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng sạch và tái tạo, ngành điện… được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Tuy nhiên, theo đại diện của EuroCham, ngoài vấn đề thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, thì các nhà đầu tư còn e ngại về chất lượng của kết cấu hạ tầng tại Việt Nam, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin và sự ổn định, chất lượng của nguồn điện…
Theo ông Huệ, trong lĩnh vực công nghệ cao, để được chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp phải có nhiều cam kết cụ thể; trình tự, thủ tục cũng khá tốn thời gian; vấn đề ưu đãi cho dự án công nghệ cao chưa thật sự hấp dẫn… “Nếu các vấn đề trên được giải quyết, chắc chắn, các doanh nghiệp châu Âu sẽ đầu tư thêm nhiều dự án công nghệ cao vào Việt Nam trong thời gian tới”, ông Huệ nói.
Trong khi đó, theo khảo sát của EuroCham mới đây, khi được hỏi về những thay đổi sẽ tác động mạnh nhất đến việc thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, gần 30% doanh nghiệp cho rằng, đó là việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào các lĩnh vực này, tiếp đến là vấn đề ưu đãi thuế (với 27%) và tự do hóa ngành điện (chiếm 20%)...
Hồng Sơn / baodautu