Tâm lý đám đông đã khiến nhiều nhà đầu tư vàng nhỏ lẻ tự nộp mình cho sói, còn các doanh nghiệp vàng thì tận dụng cơ hội để tăng giá, hốt bạc.
Bơm 200 tỷ đồng/ngày vào vàng, nhà đầu tư tự hại mình
Tuần qua, nhiều nhà đầu tư choáng váng khi giá vàng tăng vọt từ hơn 36 triệu đồng/lượng lên tới 40 triệu đồng/lượng (ngày 6/7), rồi cũng bàng hoàng không kém khi vàng rơi thẳng đứng từ 40 triệu đồng/lượng về trên 36 triệu đồng/lượng, chỉ sau vài ngày.
Sự biến động điên loạn của giá vàng đã khiến nhiều nhà đầu tư vàng lướt sóng thua đau khi lỗ tới 2 - 3 triệu đồng/lượng.
Vậy liệu có “tay to” nào đầu cơ, làm giá những ngày qua?
Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam khẳng định, trước đây, những cơn sốt vàng thường bắt nguồn từ các “tay to”, song đợt sốt vàng tuần qua lại do nhà đầu tư tự gây ra.
“Thời gian gần đây, thị trường vàng khá ổn định, nên các doanh nghiệp (DN) vàng không trữ nhiều, chỉ 300 - 500 lượng. Nếu người dân mua quá mức đó, nguồn vàng bị khan hiếm và giá bị đẩy lên là đương nhiên. Nguyên nhân sốt giá trong ngày 6/7 chủ yếu là do người dân đổ xô đi mua theo tâm lý đám đông, khiến nguồn cung bị khan hiếm, giá bị đẩy lên cao. Ngay trước thời điểm đó, chúng tôi đã khuyến cáo người dân đừng nên mua vào, nhưng nhiều người không nghe”, ông Trúc cho biết.
Theo công bố của các DN vàng như SJC, DOJI, Bảo Tín Minh Châu…, tuần qua, doanh số bán vàng của mỗi DN trong 2 ngày (6 - 7/7) lên tới 1.000 - 2.000 lượng/ngày. Như vậy, trong 2 ngày này, các DN vàng bán ra tối thiểu là 6.000 - 7.000 lượng/ngày, tức là mỗi ngày có hơn 200 tỷ đồng được bơm vào thị trường vàng, tạo áp lực khủng khiếp lên nguồn cung.
Tất nhiên, trong những ngày qua, số người bán vàng ra để chốt lời cũng không ít. Chưa thể kết luận được vàng khan cung thật hay do nhà vàng tự tạo ra, thế nhưng, do hơn 2 năm nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) không tổ chức đấu thầu vàng, nên thị trường không có nguồn cung mới là có thật. Do đó, các DN vàng đã tận dụng tình hình, loan tin khan hiếm nguồn cung, rồi mạnh tay điều chỉnh giá bán, nới rộng khoảng cách mua - bán để thu lãi, đồng thời đẩy mọi rủi ro về phía người dân.
Trả giá đắt khi nhắm mắt đua theo đám đông
Tuần qua, trong khi nhiều người mua vàng méo mặt, thì các DN vàng lại bội thu. Chỉ tính trong 2 ngày 6 - 7/7, với doanh số bán ra 2.000 - 4.000 lượng cùng biên độ mua - bán tới 1 triệu đồng/lượng, thì số tiền lãi mà DN vàng thu được tối thiểu là 2 - 4 tỷ đồng mỗi doanh nghiệp. Thế nhưng, cũng không thể trách được nhà vàng tranh thủ cơ hội tăng giá, bởi thủ phạm chủ yếu đẩy giá vàng lên lại chính là các nhà đầu tư.
Theo các chuyên gia kinh tế, tâm lý đám đông ngự trị rất lớn ở thị trường Việt Nam. Rất nhiều người tham gia lướt sóng vàng, song lại không hề có chút kiến thức nào về vàng. Chính vì vậy, thua lỗ là dễ hiểu.
Đơn cử, tuần qua, rất nhiều nhà đầu tư nhắm mắt lao vào vàng bất chấp các dấu hiệu bất ổn rất rõ. Thứ nhất, từ thời điểm Brexit (ngày 23/6) đến nay, giá vàng thế giới chỉ tăng hơn 70 USD/ounce, trong khi giá vàng trong nước đến ngày 6/7 tăng tới 6 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới 3 triệu đồng/lượng.
Thứ hai, khoảng cách mua - bán được các nhà vàng doãn rộng từ 100.000 đồng/lượng (trước Brexit) lên tới 1 triệu đồng/lượng.
Nhận xét về giá vàng thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, vàng có thể vẫn tiếp tục đi lên, song không phải theo đường thẳng đứng, mà có lên, có xuống. Việc bắt đỉnh và đáy không dễ dàng.
“Giá vàng từ nay đến cuối năm vẫn trong xu hướng đi lên, song chưa biết đâu là đỉnh, đâu là đáy. Do đó, thời điểm này, vàng vẫn là lựa chọn tốt nếu đầu tư dài hạn, song nếu đầu tư theo kiểu lướt sóng sẽ rủi ro rất lớn”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế khuyến cáo.
Trong bối cảnh thị trường vàng trong nước bị chi phối bởi yếu tố tâm lý, đầu cơ như hiện nay, ông Trúc khuyến cáo, người mua vàng phải cẩn trọng trước những dấu hiệu bất thường, như tăng quá nhanh, giá quá cao so với giá thế giới, chênh lệch mua - bán vàng quá lớn…
Thùy Liên / baodautu.vn