Cac nha dau tu se roi bo neu Viet Nam khong cai cach thue va he thong phap luat, Cac nha dau tu se roi bo neu Viet Nam khong cai cach thue va he thong phap luat
Ảnh minh họa
Một khi các doanh nghiệp bắt đầu đánh giá việc áp thuế tại Việt Nam là không rõ ràng và không nhất quán, có thể các doanh nghiệp sẽ cân nhắc đến việc có nên tiếp tục hoạt động tại Việt Nam hay không, nhất là nếu họ mới đang ở trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển.
Nếu Việt Nam không nhanh chóng thích nghi và tự thay đổi chính mình, những hậu quả có thể xảy đến là không hề nhỏ, các nhà đầu tư thậm chí sẽ rời bỏ thị trường Việt Nam nếu hệ thống pháp luật và thuế quan không được thay đổi cho phù hợp.
Đó hẳn không phải là một nhận định bi quan, khi mà trong buổi công bố Sách Trắng 2016 vào ngày 2.3.2016 của trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, lời cảnh báo đã được các doanh nghiệp thuộc phòng thương mại châu Âu (Eurocham) đưa ra.
Hai điểm đáng chú ý nhất trong buổi công bố Sách Trắng 2016 là việc ký kết hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sẽ mở đường cho một làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam, thứ hai là lời cảnh báo của các doanh nghiệp châu Âu về những trở ngại có thể khiến cho EVFTA gặp khó khăn với cả hai phía, điển hình là việc thực thi và tuân thủ luật pháp và thuế quan ở Việt Nam đang ngày càng khó khăn hơn do Việt Nam đang thiếu một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và hiệu quả.
Điều này nếu không được cải thiện, về lâu dài có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp châu Âu phải tính đến chuyện rời bỏ thị trường Việt Nam, bất kể những cơ hội đầu tư kinh doanh mà EVFTA mở ra tại thị trường Việt Nam có lớn đến đâu chăng nữa.
Lý giải cho nhận định này, Eurocham cho rằng Việt Nam đang tham gia một hệ thống đồ sộ các hiệp định về thuế với hơn 60 hiệp định có hiệu lực và các hiệp định mới đang được tiếp tục ký kết. Dù đã có nhiều bước tiến tích cực về luật pháp liên quan đến thuế cũng như trong việc giảm bớt thời gian làm thủ tục về thuế, Eurocham vẫn nhận thấy việc thực thi và tuân thủ luật pháp tại Việt Nam trên thực tế ngày càng khó khăn hơn. Ngoài ra, hệ thống luật pháp Việt Nam vẫn chưa được xem là hoàn thiện và hiệu quả trong việc xử lý các vấn đề tài chính và thương mại, vẫn đang gây ra những trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp nước ngoài đặc biệt là doanh nghiệp châu Âu muốn đầu tư vào Việt Nam.
Eurocham cảnh báo: “Một khi các doanh nghiệp bắt đầu đánh giá việc áp thuế tại Việt Nam là không rõ ràng và không nhất quán, có thể các doanh nghiệp sẽ cân nhắc đến việc có nên tiếp tục hoạt động tại Việt Nam hay không, nhất là nếu họ mới đang ở trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển”.
Có thể nói, đây là lần đầu tiên mà một hiệp định thương mại lại gây sức ép lớn đến thế đối với hệ thống luật pháp và thuế quan của Việt Nam. Chủ tịch phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) là ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, EVFTA là một hiệp định thương mại tương đối khó tính, trong đó hàng rào kỹ thuật rất cao, cao hơn hẳn các nước và khu vực khác.
Trên thực tế, trong EVFTA có hẳn một chương riêng về vấn đề thuế quan, trong đó những yêu cầu về công khai minh bạch, giảm thiểu các thủ tục hành chính và thời gian đóng thuế được đưa lên hàng đầu. Nếu không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định này, không những Việt Nam phải chấp nhận những hệ quả lớn do vi phạm quy định của hiệp định, mà còn có thể dẫn đến việc các nhà đầu tư châu Âu sẽ không chọn cách đầu tư tại thị trường Việt Nam nữa.
Nếu điều này xảy ra, đây có thể được xem là một hậu quả nghiêm trọng, khi mà EVFTA không chỉ hướng đến việc thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường châu Âu, mà còn là một cơ hội để thị trường Việt Nam đón nhận làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu vốn có trình độ công nghệ và tiêu chuẩn tài chính và quản lý rất cao.
Lời cảnh báo về hệ thống pháp luật và thuế quan thiếu hoàn chỉnh của Việt Nam của các doanh nghiệp tại phòng thương mại châu Âu không phải lần đầu tiên được đưa ra.
Cách đây ít ngày, một lời cảnh báo tương tự cũng đến từ phía các doanh nghiệp Nhật Bản. Đó là những kết luận tại buổi công bố kết quả khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, công bố vào ngày 23.2. Trưởng đại diện của JETRO tại TP.HCM là ông Yasuzumi Hirotaka cho rằng, môi trường đầu tư của Việt Nam đang xấu đi bất chấp những nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua.
Cụ thể, dù có những đánh giá khả quan về thị trường Việt Nam, như 30% doanh nghiệp Nhật Bản cho biết Việt Nam là nơi đầu tư đầu tiên và 60% các doanh nghiệp Nhật cho biết sẽ mở rộng quy mô đầu tư kinh doanh trong tương lai. Tuy nhiên, 60% doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch và thủ tục hành chính phức tạp, hơn 50% thì phản ánh thủ tục thuế diễn ra rất chậm chạp, ngoài ra một phần không nhỏ cũng cho biết họ thường xuyên bị đề nghị các khoản tiền vẫn thường được gọi là “phí gầm bàn” để giải quyết nhanh chóng các thủ tục phiền hà.
Trên thực tế, các vấn đề liên quan đến sự thiếu hoàn thiện của hệ thống luật pháp và thuế quan của Việt Nam đã diễn ra từ lâu, nhưng mới chỉ thực sự được phản ánh bởi các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam để đầu tư gần đây như Eurocham hay JETRO.
Trong khảo sát PCI 2014 với gần 1.500 doanh nghiệp FDI đến từ 43 quốc gia trong năm 2014, một tỷ lệ không nhỏ các doanh nghiệp đã thừa nhận đã trả phí bôi trơn. Cụ thể, khoảng 17% doanh nghiệp cho biết đã trả phí bôi trơn để có được giấy phép đầu tư, 31% cho biết đã hối lộ khi cạnh tranh giành các hợp đồng của chính phủ, 89% cho rằng họ sẽ gặp bất lợi trong quá trình cạnh tranh và đấu thầu nếu không chi tiền.
Việc hệ thống pháp luật và thuế quan của Việt Nam chưa hoàn thiện dù chưa gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng, tính đến thời điểm hiện tại, nhưng về lâu dài điều này sẽ thay đổi hoàn toàn. Các hiệp định thương mại quan trọng sẽ có hiệu lực trong thời gian tới như EVFTA hay TPP đều quy định rất chặt chẽ về vấn đề luật pháp và thuế quan, mà nếu Việt Nam không tuân thủ sẽ gặp phải những hậu quả nghiêm trọng, trong đó hậu quả đầu tiên và lớn nhất là các nhà đầu tư sẽ rời bỏ thị trường Việt Nam để lựa chọn các điểm đến tốt hơn.
Bởi trong số các ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư khi lựa chọn nơi kinh doanh lâu dài, hệ thống pháp luật và thuế quan hiệu quả và ổn định là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận ngắn hạn có thể sẵn sàng trả phí bôi trơn để thu được lợi ích trước khi rời đi tìm một bến đỗ mới. Và chỉ có những doanh nghiệp muốn gắn bó và ổn định lâu dài mới đưa ra những cảnh báo về những điểm yếu quan trọng nhất cần khắc phục.
(Theo motthegioi.vn)