Kể từ khi TP Hà Nội công bố ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, tình hình kinh doanh của những nhà hàng, quán bia trên địa bàn thủ đô càng trở nên khó khăn.
Trước đó, một loạt thương hiệu nhà hàng, quán bia lớn trên địa bàn thủ đô đã phải giảm quy mô, đóng bớt cửa hàng.
Dân nhậu ngại ra đường trong mùa dịch Covid-19
Kể từ khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (Nghị định 100) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực vào ngày đầu tiên của năm 2020, anh Bình (ở Hà Đông) cho biết anh ít tụ tập với các đồng nghiệp và đối tác tại nhà hàng, quán bia hơn hẳn.
Quán bia gần ngã ba Tây Sơn – Thái Thịnh vắng hoe trong buổi chiều
Ông bố của 2 con chia sẻ, là dân kinh doanh và chơi thể thao nên trước đây mỗi khi kết thúc những buổi làm việc hay thi đấu, mấy anh em thường xuyên kéo ra quán bia quen để lai rai vài cốc trước khi về ăn cơm cùng gia đình.
Mỗi lần lai rai như thế cũng khiến các thành viên trong nhóm mất vài trăm nghìn đồng. Trong khi đó, chi phí cho một lần tiếp khách hàng hay đối tác có thể mất vài triệu đến cả chục triệu đồng. Anh thừa nhận, trước đây rất khó để từ chối những lời đề nghị nhậu nhẹt bởi nhiều lúc nó sẽ quyết định đến công việc và cả lương thưởng của mình trong năm.
Tương tự anh Tuấn (ở Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết ở Việt Nam có một thứ mà người ta gọi là "văn hóa nhậu". Chính vì thế, các quán nhậu, nhất là những quán nổi tiếng thì lúc nào cũng tấp nập, đông người. Tại nhiều quán, nhà hàng thậm chí không đặt trước thì không có chỗ mà ngồi khi muốn tụ tập hay gặp mặt.
Ở đó, mọi người mời nhau uống, khích nhau uống, ép nhau uống với những câu nói như "chú không uống là chú khinh anh", hay "anh không uống là anh khinh em". Để hoàn tất những hợp đồng quan trọng của công ty, nhiều lần anh cũng đã phải uống đến mức say mềm. Dù có phải móc họng, nôn thốc tháo trong nhà vệ sinh nhưng vẫn ra uống tiếp cùng đối tác.
Anh Tuân thừa nhận nhiều lần uống say nhưng vẫn đi xe về nhà và đến hôm sau tỉnh dậy vẫn không biết mình có thể lái xe trên đường bằng cách nào.
Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định 100 có hiệu lực, chuyện người nào uống bia rượu rồi chạy xe ra đường và bị xử phạt rất nặng rất được mọi người rất quan tâm. Ở chỗ làm, trong bữa cơm gia đình, ở quán trà vỉa hè, mọi người đều dặn nhau đừng có uống bia rồi chạy xe ra đường.
Từ đó, những lời đề nghị tụ tập, mời liên hoan bia rượu đến với anh trở nên ít hơn hẳn. Thời gian qua có khi vài tuần anh với nhóm bạn hay đồng nghiệp của mình mới lại tụ tập lai rai một lần.
Anh Bình, anh Tuân cũng chia sẻ, việc ít phải tụ tập ở nhà hàng, quán bia thời gian qua giúp mình tiết kiệm được một khoản tiền kha khá để cải thiện bữa ăn gia đình. Thời gian dành cho gia đình và các con của mình cũng nhiều hơn do không còn phải đi sớm về muộn như trước đây.
Cùng với những mức xử phạt nghiêm khắc của Nghị định 100, thì tối ngày ngày 6/3, TP Hà Nội đã công bố ca nhiễm đầu tiên. Điều này cũng khiến những dân nhậu như anh Bình, anh Tuân càng có thêm những lý do chính đáng để từ chối những lời mời bia rượu bên ngoài. Anh Bình cho biết, trong mùa dịch này thì nếu muốn gặp mặt nhau các anh có thể mua đồ, gọi đồ và tổ chức tại nhà một ai đó trong nhóm thay vì phải ra bên ngoài.
Nhà hàng quán bia tiếp tục lao đao trước ảnh hưởng kép
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh của các nhà hàng, quán bia. Thời gian qua, một loạt những nhà hàng lớn tại Hà Nội như Thu Hằng, Hải Xồm,... đã phải tạm thời dừng hoạt động kinh doanh tại một số địa điểm bởi thu không đủ chi.
Nhà hàng này đã phải đóng cửa do lượng khách sụt giảm
Trên đường Tố Hữu (quận Hà Đông), nhà hàng bia Thu Hằng từng thuê tới 4-5 căn shophouse liền kề để kinh doanh, lượng khách mỗi buổi chiều trước đây rất đông. Nhưng đến đầu năm 2020 nhà hàng đã ngừng hoạt động. Đến nay, biển quảng cáo đã được tháo dỡ gần hết, bàn ghế đã thu dọn, chủ cửa hàng đã trả lại mặt bằng cho bên cho thuê.
Ở phía đối diện, cơ sở 6 của nhà hàng bia hơi Hải Xồm căng biển quảng cáo sắp khai trương với hệ thống 5 căn shophouse từ trong Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, theo những người dân ở đây thì không biết đến khi nào nhà hàng này mới đi vào hoạt động. Bởi thời gian qua một loạt chi nhánh của nhà hàng đã tạm dừng kinh doanh do lượng khách sụt giảm, doanh thu lao dốc.
Với những nhà hàng và quán bia vẫn đang cố gắng cầm cự trước những ảnh hưởng của Nghị định 100, thì người chủ cũng đang rất lo lắng khi TP Hà Nội đã công bố những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên.
Anh Tùng (chủ một quán bia lớn gần ngã ba Tây Sơn, Thái Thịnh) chia sẻ trước đây mỗi buổi chiều khách luôn ngồi chật kín các bàn. Các nhân viên liên tục rót bia và mang đồ ăn cho khách, doanh thu cả chục triệu đồng/ngày.
Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định 100 có hiệu lực đã khiến tình hình kinh doanh của quán gặp rất nhiều khó khăn. Doanh thu của quán đã sụt giảm từ 80-90% do mỗi ngày giờ đây chỉ còn vài ba bàn khách.
Anh cho biết do mặt bằng có sẵn của gia đình nên để cầm cự vượt qua giai đoạn khó khăn quán đã phải cắt giảm bớt nhân viên phục vụ. Ông chủ quán này thừa nhận đang rất lo lắng khi TP Hà Nội công bố những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Anh Tùng cho rằng điều này có thể khiến lượng khách đến quán tiếp tục sụt giảm trong thời gian tới. Tình hình kinh doanh của quán sẽ tiếp tục khó khăn và gặp nhiều thách thức hơn.
Dù treo biển sắp khai trương từ trước Tết Nguyên đán nhưng không biết đến bao giờ cơ sở này mới có thể mở cửa kinh doanh
Kinh doanh khó khăn, doanh thu giảm, cắt giảm nhân viên cũng là vấn đề mà anh Mật (chủ một quán bia trên đường Lê Lợi – Hà Đông) đang phải đối mặt. Anh cho biết thời gian qua doanh thu của quán đã lao dốc không phanh khi mỗi ngày giờ đây chỉ còn 1-2 bàn khách. Để cầm cự trong giai đoạn khó khăn, anh cũng đã giảm bớt số nhân viên phục vụ từ 10 người giờ chỉ còn 5 người.
Anh Mật thừa nhận, việc cắt giảm nhân sự và giảm doanh thu cũng đang là câu chuyện chung của những nhà hàng, quán ăn có kinh doanh rượu bia thời điểm hiện nay. Theo anh, ngay cả những quán nhậu một thời nổi tiếng và đông khách nhất tại Hà Nội giờ đây cũng đã phải dừng hoạt động hoặc thu hẹp hoạt động kinh doanh.
Anh cho biết sắp tới sẽ phải đóng 6 tháng tiền thuê địa điểm kinh doanh. Trước những khó khăn đang gặp phải anh hi vọng sẽ đàm phán được với chủ nhà để giảm tiền thuê mặt bằng. Điều này sẽ giúp anh có thêm một phần kinh phí để duy trì hoạt động kinh doanh trong mùa dịch Covid-19.
Người chủ quán này cũng chia sẻ đang theo dõi rất sát những thông tin về số ca nhiễm Covid-19 tại Hà Nội để có thể lên kế hoạch kinh doanh cho quán trong thời gian tới. Anh cũng hi vọng khi trời nắng lên sẽ giúp tình hình kinh doanh khả quan hơn.