Sau nhiều lần trì hoãn, việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các giao dịch có giá trị nhỏ hay còn gọi là Mobile Money dự kiến sẽ đi vào thực tế trong tháng 6 này. Những lợi ích mà Mobile Money mang lại không chỉ bao gồm việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, mà còn đưa dịch vụ tài chính cơ bản tới gần hơn những vùng miền mà ngân hàng chưa vươn tới được và giúp người dân có thể tiếp cận các khoản vay vi mô với chi phí thấp hơn.
Chỉ chờ cái gật đầu
Tại hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn vào đầu tháng 5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, cơ quan này đã trình Thủ tướng quyết định triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Đơn vị này cũng đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định về thúc đẩy phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Hai tháng trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cũng đã có văn bản yêu cầu các nhà mạng viễn thông lớn như Viettel, VNPT… sớm hoàn thiện các thủ tục, cơ sở hạ tầng để triển khai dịch vụ Mobile Money. Đây là động thái chuẩn bị cho lộ trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng sau khi Thủ tướng yêu cầu NHNN khẩn trương trình quyết định cá biệt về việc thí điểm sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ, cùng với việc chuyển, nạp và rút tiền.
Nếu việc thí điểm Mobile Money được triển khai trong tháng 6 này, các công ty viễn thông sẽ chính thức bước vào thị trường dịch vụ thanh toán, với nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với ngân hàng và các ví điện tử hiện đang tham gia vào thị trường thanh toán số của Việt Nam.
Việc sớm đưa Mobile Money vào thực tế sẽ đưa Việt Nam tới gần mục tiêu thành nền kinh tế không dùng tiền mặt. Ảnh minh họa: TTXVN
Các công ty viễn thông, với cơ sở hạ tầng mạng trải rộng trong biên giới của một quốc gia (hoặc xuyên quốc gia), có lợi thế hơn khi các công ty này có thể dễ dàng đưa các sản phẩm tài chính tiếp cận đến bộ phận người dân chưa có tài khoản ngân hàng cư trú tại các khu vực nằm ở vùng sâu vùng xa, vùng hẻo lánh.
Khi Mobile Money di vào thực tế, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán đến cuối năm 2020 được dự báo sẽ giảm xuống 10% từ 11,33% của năm 2019.
Tiện ích không chỉ bao gồm thanh toán
Theo Hiệp hội Hệ thống Thông tin di động toàn cầu (GSMA), ngày càng nhiều người Việt sử dụng thanh toán điện tử và thị trường này được dự đoán sẽ đạt giá trị 71 triệu đô la vào năm 2025, với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm đạt 18,2% bắt đầu từ năm 2018.
Tỷ lệ sử dụng điện thoại di động cao hơn tỷ lệ tài khoản ngân hàng cho thấy tiềm năng của Mobile Money trong việc giúp Việt Nam thúc đẩy tài chính toàn diện, hay đơn giản là cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho mọi cá nhân và tổ chức, đặc biệt đối với người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương, giúp họ có cơ hội được tiếp cận với tài chính cơ bản để nâng cao sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, Mobile Money cũng sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh dịch vụ tài chính trên nền tảng số, tiến tới trở thành một nền kinh tế không dùng tiền mặt theo mục tiêu của chính phủ.
Vào năm 2018, thanh toán điện tử ở Việt Nam tăng 61%, nhưng chủ yếu tập trung ở các khu vực thành thị. GSMA cho rằng Việt Nam cần một cơ sở hạ tầng thanh toán phủ sóng toàn quốc với chi phí giao dịch phải chăng để có thể phủ sóng thanh toán điện tử trên phạm vi rộng khắp, và Mobile Money sẽ là giải pháp thiết thực giúp thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa khu vực thành thị và nông thôn.
GSMA đánh giá với hơn 90% thuê bao điện thoại di động tại Việt Nam là tài khoản trả trước, để Mobile Money được triển khai thành công, các nhà mạng sẽ cần một mạng lưới đại lý phủ sóng trên toàn quốc, đặc biệt là các khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa để cung cấp dịch vụ thanh toán qua tài khoản viễn thông.
Còn theo Kiva, tổ chức phi lợi nhuận kết nối người cho vay tiền qua Internet tới các doanh nghiệp và sinh viên có thu nhập thấp tại 77 quốc gia, Việt Nam cần sớm triển khai Mobile Money để thúc đẩy tài chính toàn diện trên diện rộng với ba điểm lợi ích có thể thấy rõ.
Một trong số lợi ích đó là những người đi vay các khoản vay vi mô, thường là những người có thu nhập thấp, sẽ phải trả tiền lãi ít hơn. Cụ thể, với loại hình thanh toán qua tài khoản viễn thông, các tổ chức tài chính vi mô sẽ có thể tính lãi suất thấp hơn cho những người vay các khoản vay nhỏ, vì các tổ chức này sẽ không cần gửi nhân viên cho vay đến từng thôn, xã bằng xe máy để thu tiền trả của người vay, qua đó tiết kiệm chi phí nhân công và cắt giảm lãi suất tối đa.
Thứ hai, các tổ chức tài chính vi mô quốc tế sẽ giảm thiểu được các loại phí chuyển khoản quốc tế và do đó có thể giải ngân các khoản vay vi mô tại Việt Nam với tần suất thường xuyên hơn, đưa các khoản vay nhỏ tới những người thực sự cần.
Thứ ba, người đi vay sẽ có thể tiết kiệm tiền và theo dõi các khoản nợ phải trả trên chính thiết bị di động của mình. Người nghèo, theo Kiva, thường không có tài khoản ngân hàng chính thức. Tại Việt Nam, chỉ có 31% số người dân có tài khoản ngân hàng tại một tổ chức tài chính và chỉ có 2% có thẻ tín dụng.
Mở tài khoản ngân hàng rất tốn kém, các ngân hàng ở xa và thường không quan tâm đến việc cung cấp dịch vụ tài chính cho người nghèo. Hầu hết người nghèo sẽ phải nghĩ nhiều cách sáng tạo để lưu trữ hay tiết kiệm tiền mặt (ví dụ, lưu trữ ở một vị trí an toàn tại nhà của người thân).
Dịch vụ Mobile Money được triển khai sẽ cho phép người vay dễ dàng theo dõi các khoản nợ đáo hạn và dễ dàng quản lý tiền và tiết kiệm cho tương lai. Lấy ví dụ, các nghiên cứu ở vùng nông thôn Kenya cho thấy người dân ở đây quyết định sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản viễn thông M-Pesa đã thấy thu nhập của họ tăng từ 5-30%.