Lãnh đạo Lee & Man Việt Nam khẳng định nước xả thải từ nhà máy giấy ra sông Hậu đạt hơn tiêu chuẩn loại A theo quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước thải công nghiệp
Nhiều hạng mục trong nhà máy vẫn đang được xây dựng
Ngày 23-6, Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hồng Kông - Trung Quốc) tổ chức buổi họp báo tại nhà máy đặt ở thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.
Không dùng chất xút?
Ông Chung Wai Fu, tổng giám đốc công ty này, cho biết những công nghệ và thiết bị sử dụng trong quá trình sản xuất giấy của nhà máy đều nhập từ châu Âu. Trong đó, phải kể đến quy trình công nghệ đạt chuẩn trước khi xả thải ra môi trường. Cụ thể, nước thải từ nhà máy có chỉ số COD (nhu cầu ôxy hóa học) nhỏ hơn hoặc bằng 5.000 mg/lít, BOD (lượng các chất thải hữu cơ trong nước có thể bị phân hủy bằng các vi sinh vật) nhỏ hơn hoặc bằng 2.500 mg/lít, SS (chất rắn lơ lửng) nhỏ hơn hoặc bằng 2.500 mg/lít. Nhưng khi qua công nghệ xử lý của nhà máy thì độ pH chỉ từ 6-9, COD chỉ 60 mg/lít và SS chỉ khoảng 10 mg/lít.
“Nước thải được xử lý đạt trên tiêu chuẩn loại A theo quy định. Điều đặc biệt là chúng tôi không hề dùng chất xút (NaOH) trong suốt các quá trình sản xuất giấy. Tại điểm xả thải có xây bể chứa và có ổng xả thải nổi trên mặt đất. Mọi người dân hoặc cơ quan, ban, ngành đều có thể đến đây tham quan và lấy mẫu thử về kiểm tra. Chúng tôi không lén lút xả thải không đạt chuẩn ra môi trường. Tại đây còn đặt trạm quan trắc kết nối với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang để nơi này giám sát, theo dõi” - ông Chung Wai Fu khẳng định.
Tuy nhiên, tài liệu mà phía công ty cung cấp cho báo chí lại cho thấy trong công đoạn xử lý nước thải có sử dụng xút với liều lượng cao nhất khoảng 1 tấn/ngày. Ngoài ra, nhà máy sản xuất bột giấy tẩy trắng có sử dụng chất xút với lượng khoảng 215 tấn/ngày... Về vấn đề này, ông Chung Wai Fu thanh minh: “Giai đoạn 2 và 3 sẽ sản xuất giấy chứ không phải bột giấy. Chúng tôi đã đầu tư công nghệ hiện đại và sẽ không dùng chất xút. Riêng việc xử lý nước thải có sử dụng xút để trung hòa pH khi cần thiết. Chúng tôi có xây bờ đê cao hơn 2 m để tránh sự cố tràn nước thải ra ngoài sông Hậu...”.
Thế nhưng, khi các phóng viên yêu cầu phía công ty cung cấp tổng lượng hóa chất/năm dùng trong sản xuất thì lãnh đạo công ty này cho biết chưa tập hợp được và sẽ trả lời qua email.
Chưa hoàn chỉnh báo cáo tác động môi trường
Liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường của nhà máy giấy đã cũ (từ năm 2008), ông Chung Wai Fu cho biết vào năm 2014, công ty đã làm lại báo cáo này và có gửi cho các ngành chức năng liên quan. Nhưng trên thực tế, đây mới là bản báo cáo rời rạc từng phần trong toàn bộ dự án: nhà máy điện, nhà máy xử lý nước thải... chứ không phải là báo cáo tổng thể. “Chúng tôi đang tiến hành gom lại thành một để dễ dàng đánh giá” - ông Chung Wai Fu phân trần.
Vì vậy, nhiều người đặt nghi vấn tháng 7 này, nhà máy đã đi vào vận hành thử nghiệm mà báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa hoàn chỉnh, liệu có ổn hay không? Điều đáng nói ở đây, hoạt động sắp tới của nhà máy là sản xuất giấy cứng bao bì từ việc tái chế giấy. Để có nguồn nguyên liệu, công ty phải nhập những giấy phế liệu từ nước ngoài.
Trong khi đó, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Trường ĐH Cần Thơ, cho biết khi xử lý bột giấy hoặc tái chế giấy, nước thải từ nhà máy sẽ có rất nhiều hóa chất độc hại khác nhau, gồm các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi như tecpen, rượu, phenol, metanol, acetone, chloroform, methyl ethyl ketone; chất tẩy rửa và bề mặt; thuốc nhuộm và bột màu; axít và dung dịch kiềm. Nước thải từ xử lý giấy rất giàu các chất thiol, sulfur dioxide, sulfite và mùi hôi thối sulfuric mạnh mẽ đối với nước thải. Ngoài ra, nước thải từ công nghiệp tái chế giấy cũng chứa các sợi và nhựa từ giấy đã qua sử dụng, chế biến. Nước thải cũng chứa chất tẩy trắng như hydrogen peroxide, chlorine dioxide và xút. Các chất ô nhiễm khác bao gồm cao lanh, canxi cacbonat, talc và titan dioxite...
Theo cung cấp từ phía công ty, nếu nhà máy sản xuất giấy cứng bao bì vận hành sẽ lấy nước từ sông Hậu khoảng 20.000 m³/ngày trong khi nguồn nước ngọt sông Cửu Long đang khan hiếm dần do những nguyên nhân biến đổi khí hậu, chuỗi đập thượng nguồn và nhu cầu sử dụng. Khi nhà máy giấy và bột giấy vận hành vừa tiêu thụ rất nhiều nước vừa làm ô nhiễm nguồn nước nên hoàn toàn bất lợi về mặt môi trường và các hệ sinh thái chung quanh. “Nước thải của nhà máy sẽ đe dọa nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản tự nhiên và nuôi trồng khu vực sông Hậu” - ông Tuấn khẳng định.
Đồng quan điểm, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, nhận định: “Nguồn lợi thủy sản ở ĐBSCL gấp 8 lần so với đồng bằng sông Hồng và chiếm 50% sản lượng thủy sản cả nước. Nếu nước thải từ sản xuất giấy xử lý không đạt chuẩn, lén lút xả thải và không quan trắc thì chắc chắn ảnh hưởng đến nơi này. Từ đây, nguồn nước sông Hậu cấp cho TP Cần Thơ cũng bị ảnh hưởng”.
Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề xả thải của nhà máy Lee & Man Việt Nam với lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang thì vị này lại lặng lẽ rời khỏi buổi họp báo.
“Sợ thì chả làm được gì” !?
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phan Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương - cho rằng không thể nói dự án Nhà máy giấy Lee & Man không nằm trong quy hoạch. Thực tế, trong quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2020, xét đến năm 2025 do Bộ trưởng Bộ Công Thương ký ngày 18-11-2014 có đề ra mục tiêu đến năm 2025, đáp ứng khoảng 75%-80% nhu cầu tiêu dùng trong nước, giảm tỉ lệ nhập khẩu các sản phẩm giấy và bột giấy. Danh mục các dự án đầu tư theo từng giai đoạn cũng cho thấy khu vực Nam Bộ/Tây Nam Bộ sẽ có nhà máy sản xuất giấy và bột giấy với công suất thiết kế lần lượt là 330.000 và 420.000 tấn/năm trong giai đoạn 2011-2020. “Dự án này có trong quy hoạch hẳn hoi chứ không phải không có. Tất nhiên là trong danh mục quy hoạch phát triển ngành thì không ghi tên nhà máy cụ thể mà chỉ nêu chung là nhà máy sản xuất bột giấy và giấy nhưng chắc chắn quy hoạch trong vùng đó là có” - ông Dũng khẳng định.
Theo ông Dũng, không nên đặt vấn đề ô nhiễm ở đây mà nên tiếp cận theo hướng yêu cầu doanh nghiệp xử lý chất thải, giám sát các vấn đề môi trường cho tốt. Theo đó, dự án đã được Bộ TN-MT thẩm định đánh giá tác động môi trường trước khi khởi công. Ngoài ra, Bộ Công Thương và Bộ TN-MT cũng đã trực tiếp đến kiểm tra và ghi nhận doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các yêu cầu. “Trong quá trình vận hành sản xuất nhà máy giấy thì bắt buộc phải vận hành nhà máy xử lý chất thải. Đây cũng là yêu cầu có trong báo cáo đánh giá tác động môi trường mà Bộ TN-MT phê duyệt. Do đó, doanh nghiệp này cũng đã xây dựng nhà máy xử lý chất thải với tổng công suất khi dự án đưa vào hoàn chỉnh là 288.000 m³/ngày đêm. Hiện chỉ mới có 1 nhà máy sản xuất giấy sử dụng nguyên liệu giấy loại thì đưa vào vận hành 1 mô đun xử lý nước thải là 50.000 tấn” - ông Dũng thông tin.
Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ cho rằng quan trọng nhất hiện nay là công tác hậu kiểm bởi trước đây đã có rất nhiều bài học về nhà máy gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể, ngoài việc yêu cầu doanh nghiệp cam kết vận hành đúng theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt thì phải giám sát chặt chẽ để phát hiện sai phạm. Trong đó, địa phương có vai trò giám sát thường xuyên bằng cách đặt và kiểm tra các thiết bị giám sát tại chỗ, còn các bộ - ngành sẽ giám sát đột xuất việc thực hiện. “Nói chung, tâm lý một số địa phương ngại nhà máy gây ô nhiễm nhưng vấn đề không phải sợ ô nhiễm mà là giám sát thế nào cho chuẩn, cho đúng. Sợ thì chả làm được gì cả. Cứ bảo ô nhiễm không cho làm thì không bao giờ làm được” - ông Dũng nói.
Trao đổi thêm về ngành giấy, ông Dũng cho biết hiện nay có chỗ dư thừa nhưng vẫn thiếu hụt ở một số sản phẩm. Ví dụ, tuy dư thừa giấy viết nhưng lại thiếu hụt giấy bao bì. Chưa kể, sản xuất bột giấy cũng là điểm khó bởi quy trình phức tạp. Do vậy, rất nhiều nhà máy giấy kinh doanh không hiệu quả bởi không nắm được điều này. Trong khi đó, dự án Nhà máy giấy Lee & Man sản xuất sản phẩm là giấy bao bì với nguyên liệu chính là giấy loại (giấy đã qua sử dụng). “Nhà máy đã sản xuất đúng phân khúc chúng ta còn thiếu là giấy bao bì. Ngoài ra, để sản xuất thì nhà máy sẽ sử dụng giấy loại và tuy cần một lượng hóa chất nhất định để làm tan giấy nhưng khả năng gây ô nhiễm môi trường không lớn như sản xuất bột giấy. Chính chúng tôi cũng đã nói là ông (Tập đoàn Lee & Man Paper Hồng Kông - PV) không thể làm nhà máy bột giấy ở đây được vì nhà máy bột giấy nguy hiểm hơn” - ông Dũng kể.
Phương Nhung
Người lao động