Theo báo cáo của Bộ Tài chính, từ đầu năm đến nay đã có 48 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH). Tổng giá trị thực tế của 48 DN được phê duyệt phương án CPH là 31.905 tỷ đồng, trong đó giá trị phần vốn nhà nước tại DN là 23.280 tỷ đồng…
Ảnh minh họa
Cũng theo Bộ Tài chính, các đơn vị đã thoái được 2.921 tỷ đồng vốn nhà nước đầu tư ngoài ngành và thu về 5.767 tỷ đồng. Trong đó, tại 5 lĩnh vực được coi là nhạy cảm gồm: Chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng - tài chính, bất động sản, quỹ đầu tư, các DN đã thoái được 381 tỷ đồng thu về 424 tỷ đồng. Tại lĩnh vực khác, các DN đã thoái được 1.261 tỷ đồng, thu về 1.968 tỷ đồng…
Liên quan đến công tác thoái vốn, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, trước nhu cầu của thị trường, việc thoái vốn nhà nước phải quyết liệt nhưng cũng cần có kế hoạch và trật tự. Điểm nhấn của lần bán vốn nhà nước này, như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, phải thực hiện theo quy định của pháp luật, thông lệ thị trường, bảo đảm minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm, bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước.
Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, nguồn thu từ việc thoái vốn sẽ được sử dụng theo quy định của Chính phủ. Một phần sẽ được đầu tư trở lại các DN mà nhà nước xác định cần nắm giữ theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN, phần khác sẽ được đưa vào cân đối ngân sách nhà nước để chi cho đầu tư phát triển theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, bổ sung cho chi đầu tư phát triển một số công trình quan trọng, có ý nghĩa lớn về xã hội như gói 20 nghìn tỷ đồng chống quá tải cho 5 bệnh viện tuyến tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; bổ sung vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ vốn dự án chống biến đổi khí hậu...
Việc thoái vốn tại 10 DN do SCIC nắm giữ như Vinamilk, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh… là phù hợp với chủ trương của Chính phủ về việc thoái vốn nhà nước tại các DN hoạt động trong ngành, lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ.
Quang Lộc / baocongthuong