Khởi nghiệp đã được nhen nhóm hàng chục năm qua như dòng chảy tự nhiên của phát triển kinh tế, và dòng chảy đó bắt nguồn từ óc sáng tạo và tinh thần kinh doanh vốn có của người Việt Nam, chỉ còn chờ đợi cú hích về tài chính để có thể cất cánh.
Ảnh minh họa.
Phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam
Giai đoạn phát triển kinh tế của Việt Nam khoảng 10 năm qua đã chứng kiến sự hình thành và phát triển rất năng động của phong trào khởi nghiệp. Có nhiều nhân tố dẫn đến khởi nghiệp như là một lực lượng mới của nền kinh tế. Trong đó có thể kể đến khả năng sáng tạo, tinh thần kinh doanh của người Việt; sự phát triển gia tốc của thị trường khi Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập trung bình; sự thất bại của hình thái “Nhà nước kinh doanh” thông qua các doanh nghiệp, tập đoàn sở hữu Nhà nước; sự bùng nổ của công nghệ và sử dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin; Việt Nam bước vào thời kỳ "dân số vàng"; sự tham gia của các quỹ đầu tư và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp...
Tuy nhiên, vai trò của Nhà nước đối với phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam cho đến nay vẫn chưa rõ nét. Nhà nước chưa có những quy định pháp luật điều chỉnh sự hình thành và phát triển của những doanh nghiệp khởi nghiệp theo phương thức mới, như quỹ đầu tư mạo hiểm Việt Nam, sự công nhận giá trị bằng tiền của tài sản vô hình trong góp vốn thành lập công ty hay bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp khởi nghiệp... Vai trò của Nhà nước cũng thiếu vắng trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là đối với việc khởi sự kinh doanh tại Việt Nam và tín dụng ngân hàng đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Trong hơn 10 năm qua, Nhà nước đã có một số quỹ hỗ trợ việc đưa ra thị trường các kết quả nghiên cứu phát triển của các tổ chức nhà nước và tư nhân, như Quỹ Phát triển Khoa học Công nghệ Quốc gia Nafosted, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia Natif... có những đóng góp ý nghĩa cho việc hình thành các doanh nghiệp mới từ việc triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ. Tuy nhiên, không có quỹ nào của Nhà nước có bản chất và cơ chế hoạt động như một quỹ đầu tư mạo hiểm - nhân tố thiết yếu cho khởi nghiệp kinh doanh công nghệ trong điều kiện kinh tế hiện đại ngày nay.
Cũng trong thời kỳ đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công tại Việt Nam cơ bản là nhờ vào nguồn tài chính của các quỹ đầu tư mạo hiểm của nước ngoài. Các tổ chức hỗ trợ của Nhà nước nêu trên, với nguyên tắc “bảo toàn vốn”, cộng thêm cơ chế và thủ tục phức tạp, đã không thể có tác động hiệu quả tới phong trào khởi nghiệp của Việt Nam mà bản chất là trên cơ sở đầu tư mạo hiểm với tỷ lệ rủi ro cao, hoặc rất cao như là sự đánh đổi cho kỳ vọng lợi nhuận lớn.
Ngoài ra, tại Việt Nam hiện nay cũng có nhiều quỹ hỗ trợ khởi nghiệp không thuộc loại đầu tư rủi ro của nước ngoài và tổ chức quốc tế, với phương pháp tiếp cận và hình thức thực thi khác nhau, từ hỗ trợ kết nối kinh doanh song phương, như chương trình B2B của Chính phủ Đan Mạch, đến hỗ trợ về đào tạo nhân lực cho khởi nghiệp và thương mại hóa kết quả nghiên cứu như của Chính phủ Anh hay Israel, đến cung cấp tài chính không hoàn lại như chương trình IPP của Chính phủ Phần Lan, hay Quỹ Đổi mới sáng tạo dành cho người thu nhập thấp VIIP của Ngân hàng Thế giới... Thực tế chưa cho thấy những kết quả thật sự nổi bật của những chương trình này, do những khác biệt về trình độ phát triển kinh doanh, thiết chế tài chính và văn hóa. Tuy vậy, các chương trình đó thể hiện sự quan tâm và kỳ vọng đặc biệt của cộng đồng quốc tế đối với phong trào khởi nghiệp của Việt Nam.
Nhà nước cần làm gì để thúc đẩy khởi nghiệp?
Từ góc độ Nhà nước, Việt Nam dường như khá thụ động trong trào lưu khởi nghiệp của Thế giới. Khởi nghiệp đã được nhen nhóm hàng chục năm qua như dòng chảy tự nhiên của phát triển kinh tế, và dòng chảy đó bắt nguồn từ óc sáng tạo và tinh thần kinh doanh vốn có của người Việt Nam, chỉ còn chờ đợi cú hích về tài chính để có thể cất cánh. Một số quỹ đầu tư nước ngoài đã nắm bắt được xu thế này và thực hiện những phi vụ đầu tư mạo hiểm rất thành công, tạo nên những tên tuổi lớn tại thị trường Việt Nam.
Còn ở Việt Nam? Trong những năm gần đây, Nhà nước đã từng bước thừa nhận vài trò to lớn của doanh nghiệp vừa và nhỏ tư nhân nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng đối với sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do thiếu vắng chính sách và quy định pháp luật, sự ủng hộ của Nhà nước đối với phong trào khởi nghiệp mới chỉ dừng lại ở ý chí và mong muốn, với hàng loạt phát biểu cấp cao và các sự kiện mang tính chất cổ vũ tinh thần.
Để phong trào khởi nghiệp phát triển mạnh và bền vững, Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng các chính sách và quy định pháp luật phù hợp, đồng thời có những chương trình cụ thể giúp hình thành và phát triển những doanh nghiệp khởi nghiệp mới, trong đó, việc quan trọng nhất là thiết lập các cơ chế tài chính để tham gia cùng khối đầu tư tư nhân vào khởi nghiệp, theo mô hình mà nhiều quốc gia đã thực hiện rất thành công.
Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và chính các doanh nghiệp khởi nghiệp gần đây đã có những nỗ lực lớn trong việc hình thành “hệ sinh thái khởi nghiệp”, bao gồm những người khởi nghiệp, các nhà đầu tư, các tổ chức hỗ trợ, và Nhà nước. Nhà nước đang là khâu yếu nhất trong hệ sinh thái khởi nghiệp này, chủ yếu do không thực hiện được chức năng xây dựng chính sách và pháp luật (chứ không phải do không cung cấp hỗ trợ tài chính như nhiều người lầm tưởng) dẫn đến tình trạng bỏ lỡ những cơ hội kinh doanh tại thị trường nội địa hay thậm chí cả thị trường quốc tế của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam. Hơn thế nữa, khi có những doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam rất thành công thì người hưởng lợi ở phía nhà đầu tư trong hệ sinh thái lại là các quỹ đầu tư mạo hiểm của nước ngoài, với những quyết định đầu tư kịp thời, đúng đắn.
Lý thuyết “Ba yếu tố cơ bản của khởi nghiệp kinh doanh”
Trong quá trình hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp từ năm 2010, chúng tôi đã đúc kết một lý thuyết đơn giản về khởi nghiệp kinh doanh để xác định, hiểu và có tác động phù hợp cho việc hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam. Theo đó, khởi nghiệp kinh doanh có 3 yếu tố cơ bản để thành công: Người khởi nghiệp, Cơ hội kinh doanh và Tài chính.
Về con Người khởi nghiệp, thực tế, Việt Nam có lợi thế rất lớn: Người Việt Nam thông minh, học nhanh, năng động, yêu độc lập, tự do, chịu hy sinh, thường nghĩ lớn và tham vọng. Tuy nhiên, người Việt Nam có những yếu điểm lớn đối với khởi nghiệp là: Thiếu kiến thức về kinh doanh nói chung và đặc biệt là khởi nghiệp nói riêng, thiếu tinh thần hợp tác và cộng đồng, thiếu ý thức chuyên nghiệp và đạo đức kinh doanh. Điều quan trọng cần lưu ý về yếu tố Người khởi nghiệp của người Việt Nam là, họ không dừng lại khi thất bại, mà tiếp tục nắm bắt các cơ hội mới, tiếp tục khởi nghiệp một khi có cơ hội và điều kiện phù hợp.
Việt Nam là một mảnh đất với vô vàn Cơ hội kinh doanh, bắt nguồn từ các yếu tố quan trọng như dân số, sự chuyển đổi thành quốc gia có thu nhập trung bình, từ trình độ kinh doanh và quản lý sơ khai tiến tới chuyên nghiệp và quy mô, sự thiếu vắng của nhiều sản phẩm và dịch vụ đã phổ biến tại nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, các cơ hội kinh doanh này chưa được khai thác xứng đáng, và vô số trường hợp bị bỏ lỡ do sự khiếm khuyết của 2 yếu tố còn lại: Con người khởi nghiệp và Tài chính.
Phần lớn các doanh nhân khởi nghiệp khi được hỏi yếu tố nào là quan trọng nhất đối với khởi nghiệp của họ thì câu trả lời thường là... Tiền. Đó là câu trả lời không khích lệ đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, đó là câu trả lời về cơ bản là đúng cho môi trường khởi nghiệp Việt Nam: Không có cơ chế tài chính phù hợp cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là những khởi nghiệp có tính đột phá, thí dụ trong lĩnh vực công nghệ, nhất là công nghệ thông tin. Còn đối với nhà đầu tư, về yếu tố Người khởi nghiệp, họ không thỏa mãn với trình độ, kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm quản lý kinh doanh của những người khởi nghiệp. Về yếu tố thị trường, vấn đề lại nằm ở chỗ, cơ hội kinh doanh thì tồn tại, song để hiện thực hóa, phải có ý tưởng về sản phẩm, dịch vụ, khả năng thực thi, sự hiểu biết thị trường... là những điều mà các nhà khởi nghiệp tại Việt Nam còn non nớt, đặc biệt là các nhà khởi nghiệp trẻ.
Như vậy, trong quá trình hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, các nhân tố tham gia cần phải hiểu rõ vai trò của mình và của các bên để cùng nhau tạo nên một hệ thống vận hành hiệu quả. Trong hệ sinh thái này, Nhà nước, hơn ai hết, lại là nhân tố có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất, với quyền năng xây dựng chính sách, pháp luật để thúc đẩy các yếu tố khác, trong đó việc tạo ra các quỹ hỗ trợ hay quỹ đầu tư không nhất thiết phải là nhiệm vụ hàng đầu. Nhà nước chính là “yếu tố ngoại vi” có tác động hết sức quan trọng, thậm chí có tính quyết định, đối với ba yếu tố cơ bản của khởi nghiệp thành công.
Vai trò của Nhà nước trong lĩnh vực tài chính cho khởi nghiệp
Như đã nêu ở trên, tài chính cho đến nay vẫn là vấn đề nóng bỏng nhất của khởi nghiệp Việt Nam. Vấn đề này có nguyên nhân không hẳn là từ việc thiếu những quỹ hỗ trợ hay đầu tư phù hợp, mà ở chỗ Việt Nam thiếu hẳn một hệ thống pháp luật điều chỉnh lĩnh vực tài chính khởi nghiệp. Hậu quả của sự thiếu hệ thống pháp luật như vậy là sự thiếu định hướng chiến lược của các quỹ hỗ trợ hiện có, quỹ hỗ trợ và đầu tư của Việt Nam không ra đời và phát triển, thiếu môi trường hấp dẫn cho các quỹ đầu tư nước ngoài phù hợp tham gia vào thị trường.
Cơ chế tài chính cho doanh nghiệp theo hệ thống tín dụng ngân hàng tỏ ra hoàn toàn không phù hợp với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Hệ thống ngân hàng, với hoạt động theo nguyên tắc không chấp nhận rủi ro cao, luôn đòi hỏi thế chấp tài sản... là điều kiện mà các doanh nghiệp khởi nghiệp không thể đáp ứng so với các doanh nghiệp kinh doanh truyền thống từ nhiều thập kỷ nay.
Tuy nhiên, tài chính cho khởi nghiệp không chỉ bao gồm tài chính có yếu tố rủi ro cao như quỹ đầu tư, mà còn bao gồm cả tài chính thông thường thông qua hệ thống ngân hàng. Sự kết hợp của tài chính rủi ro cao với tài chính ngân hàng sẽ là phương thức thúc đẩy khởi nghiệp hiệu quả.
Sự kết hợp của tài chính tín dụng hay tài chính hỗ trợ với tài chính rủi ro của các quỹ đầu tư đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, và trong tình huống mà các ngân hàng không tham gia đầy đủ vào quá trình này do phải đặt ưu tiên cao cho tài chính phục vụ doanh nghiệp theo cách truyền thống, thì các quỹ hỗ trợ của Nhà nước là một sự thay thế thích hợp.
Trong khoảng 5 năm gần đây, Chính phủ nhiều nước, ngay cả những nước có cơ chế thị trường hoàn hảo như Mỹ, cũng bắt đầu nhận ra tầm quan trọng chiến lược của khởi nghiệp đối với nền kinh tế, đã lập ra các quỹ hỗ trợ và đầu tư khởi nghiệp của Nhà nước. Sự tồn tại của các quỹ này không nói lên rằng Nhà nước của các quốc gia đó tham gia vào hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm mà thực chất chỉ làm công việc thúc đẩy khởi nghiệp, với mục tiêu chính trị phổ biến của các chính quyền là “tạo việc làm”, thông qua sự bổ trợ, kết hợp với các tổ chức đầu tư với bản chất kinh doanh là chấp nhận rủi ro cao nhưng cũng kỳ vọng lợi nhuận cao.
Chính phủ các nước có quỹ đầu tư thúc đẩy khởi nghiệp đó đã có những hình thức hoạt động thông minh, đạt được mục tiêu đẩy nhanh tiến trình khởi nghiệp để phát triển kinh tế tổng thể, nhưng lại không quá rủi ro cho nguồn vốn là tiền đóng thuế của người dân.
Hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp của các quốc gia này tập trung vào hai lĩnh vực là làm chính sách và hỗ trợ tài chính. Dưới đây là một số bài học điển hình về hỗ trợ tài chính của các quốc gia đó mà Việt Nam có thể tham khảo để xây dựng chính sách thúc đẩy khởi nghiệp cho mình.
Mỹ: Hợp tác Nhà nước - tư nhân trong đầu tư khởi nghiệp
Tổng thống Mỹ Barrack Obama có nói "Các doanh nhân là sự thể hiện lời hứa của Mỹ. Nếu bạn có một ý tưởng tốt và sẵn sàng làm việc chăm chỉ, bạn có thể thành công ở đất nước này và khi thực hiện lời hứa của mình, các doanh nhân cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm".
Năm 2011, ông đã đưa ra sáng kiến hỗ trợ khởi nghiệp với tên gọi “Nước Mỹ khởi nghiệp” - Startup America, thông qua một loạt các sáng kiến của Nhà nước và tư nhân, nhằm mục đích mở rộng tiếp cận nguồn vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có tiềm năng tăng trưởng cao trên khắp cả nước.
Chương trình này bao gồm việc mở rộng các hoạt động thúc đẩy tinh thần kinh doanh và tăng cường thương mại hóa khoảng 148 tỷ USD được Chính phủ liên bang đầu tư hàng năm, với tham vọng tạo ra những lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn mới; loại bỏ các rào cản không cần thiết cho việc khởi nghiệp kinh doanh; mở rộng hợp tác giữa các công ty lớn và công ty khởi nghiệp.
Chương trình mở rộng tiếp cận vốn dành cho doanh nhân khởi nghiệp bao gồm các sáng kiến của Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ - Small Business Association (SBA). Quỹ đầu tư Impact Fund 1 tỉ USD cung cấp vốn cho mục đích tăng trưởng của các doanh nghiệp thuộc các vùng có điều kiện kinh tế thấp hơn mức trung bình. Tài chính sẽ được cung cấp cho các công ty thuộc lĩnh vực mới nổi như năng lượng sạch. SBA cung cấp số vốn theo tỷ lệ 2:1 với đầu tư của các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân.
Quỹ Đổi mới sáng tạo đầu tư giai đoạn khởi nghiệp 1 tỷ USD, dành cho các công ty phải đối mặt với khó khăn trong tiếp cận vốn, đặc biệt là những người không có tài sản thế chấp cần thiết hoặc không nhận được tín dụng ngân hàng truyền thống. Đối với các công ty tăng trưởng cao, và có độ rủi ro cao hơn thì tỷ lệ đầu tư của quỹ so với các quỹ đầu tư tư nhân là 1:1.
Có thể thấy là các quỹ đầu tư của Chính phủ Mỹ không thực hiện đầu tư trực tiếp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp mà hợp tác, đầu tư cùng với các quỹ tư nhân, theo tỷ lệ tùy thuộc vào mức độ rủi ro của doanh nghiệp khởi nghiệp. Phương thức này cho phép Nhà nước tác động được vào tiến trình khởi nghiệp trong toàn nền kinh tế trong khi nguồn vốn tư nhân chưa đủ, đồng thời cũng giảm bớt được rủi ro cho nguồn vốn của Nhà nước.
Israel: Quốc gia khởi nghiệp
Yozma trong tiếng Israel có nghĩa là “sáng kiến”. Đây cũng là tên của chương trình đưa ra vào những năm 1990 bởi Chính phủ với đầu tư 100 triệu USD để tạo ra 10 quỹ đầu tư mạo hiểm mới ở Israel. Chương trình này đã được đưa ra để khắc phục vấn đề thiếu kinh nghiệm và năng lực của các công ty Israel trong việc chiếm lĩnh thị trường trên quy mô toàn cầu.
Trong thời kỳ cuối những năm 1980 đến đầu năm 1990, khởi nghiệp kinh doanh của Israel vẫn còn trong giai đoạn trứng nước. Các công ty của Israel không có kết nối lớn với các công ty nước ngoài. Trong khi rất thành công trong việc phát triển công nghệ mới, các công ty Israel lại bị hạn chế trong việc quản lý và tiếp thị toàn cầu.
Israen là quốc gia khởi nghiệp thành công trên thế giới
Để làm được điều đó, các công ty cần vốn, và trước khi đầu tư mạo hiểm ra đời ở Israel, quốc gia này chỉ các nguồn hỗ trợ rất nhỏ từ Văn phòng Phụ trách Khoa học của Chính phủ và Chương trình Nghiên cứu Phát triển Công nghiệp (BIRD). Để thực hiện các khoản tài trợ lớn hơn, Israel đã hợp tác với Mỹ để hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ và Israel. Chương trình BIRD đã góp phần thúc đẩy đáng kể các ngành công nghiệp, với 250 triệu USD dành cho 750 dự án, đem lại một doanh thu là 8 tỷ USD. Giữa năm 1992 và 1997, 10 quỹ Yozma quyên góp được hơn 200 triệu USD. Mua lại hoặc tư nhân trong thời hạn năm năm, Yozma quản lý ngày nay vốn gần 3 tỷ $ và hỗ trợ hàng chục công ty Israel mới.
Các chương trình Yozma là xúc tác cho sự hình thành các chương trình khác: Quỹ Israel Gemini Advent, Seed Israel vào năm 1994. Tính đến năm 2009, Israel đã có 45 quỹ đầu tư mạo hiểm của Israel. Ngay sau đó, Chính phủ các nước khác chú ý và đến thăm Israel để học tập sự thành công của chương trình Yozma, một chương trình đầu tư do Nhà nước khởi động rất thành công, khác biệt với Mỹ, luôn do các quỹ đầu tư tư nhân dẫn đầu.
Với mục tiêu hỗ trợ phát triển khởi nghiệp, Israel cũng quan tâm đặc biệt đến việc cải cách cơ chế tài chính quan liêu bằng việc nới lỏng các điều kiện khắc nghiệt của ngành tài chính, bao gồm loại bỏ dần của trái phiếu Chính phủ, mở rộng tiếp cận vốn cho các nhà đầu tư.
Phần Lan: Quốc gia khởi nghiệp phúc lợi
Phần Lan là nước luôn đứng hàng đầu thế giới trong bảng xếp hạng về chỉ số sáng tạo. Kết quả đó có được là nhờ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp rất phóng khoáng, trên cơ sở triết lý của một quốc gia phúc lợi cao. Trên thực tế, hỗ trợ khởi nghiệp của Chính phủ Phần Lan đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp thường là không có yêu cầu hoàn lại. Việt Nam chính là một trong những quốc gia nhận được sự hỗ trợ đó của Chính phủ Phần Lan với chương trình Hợp tác sáng tạo IPP – Innovation Partnership Program, đã vận hành từ năm 2012, và cho đến nay, ngày càng tập trung vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, và đặc biệt hơn, vào các doanh nghiệp Việt Nam với sản phẩm và công nghệ có tiềm năng vươn ra thị trường quốc tế.
Năm 2015, Chính phủ Phần Lan đổ 133 triệu Euro vào cho việc hỗ trợ khởi nghiệp, trong tình hình đầu tư cho khởi nghiệp có dấu hiệu giảm sút. Sau sựu suy sụp của Nokia, biểu tượng thành công của sáng tạo Phần Lan, sự tăng trưởng của ngành công nghiệp trò chơi điện tử với các công ty có tầm ảnh hưởng toàn cầu như Rovio và Supercell, tình hình khởi nghiệp của Phần Lan đang dần sôi động trở lại. Phần Lan dành hơn một nửa vốn Nhà nước cho đầu tư và còn lại là cho vay hỗ trợ.
Trong thời điểm khó khăn đối với phong trào khởi nghiệp, Chính phủ giảm thuế cho các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư thiên thần cho các công ty khởi nghiệp. Thủ tướng Phần Lan Jyrki Katainen hy vọng rằng, sau suy thoái nặng nề từ sự đi xuống của Nokia, Phần Lan có thể hồi phục để trở thành thung lũng Silicon của Bắc Âu.
Kết luận - Tinh thần khởi nghiệp của Chính phủ
Thành công và bài học của các quốc gia có phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ và thành công cho thấy, yếu tố quan trọng hàng đầu là tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp của chính các thủ lĩnh quốc gia, của bộ máy Nhà nước với tinh thần phụng sự quốc gia.
Công việc đầu tiên của Chính phủ luôn là xây dựng chính sách, pháp luật, nhưng sứ mệnh của một chính phủ không chỉ dừng lại ở đó. Chính sách và pháp luật cần phải được thực thi bởi những chương trình cụ thể, trong đó việc cam kết về tài chính là sự thể hiện cao nhất tinh thần trách nhiệm của một Chính phủ.
Tùy điều kiện kinh tế xã hội, hoạt động hỗ trợ tài chính có thể khác nhau, nhưng có một điểm chung nổi bật của các quốc gia trong chính sách thúc đẩy khởi nghiệp là sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa với khu vực tư nhân trong đầu tư. Sự kết hợp này giúp giảm thiểu rủi ro đối với ngân sách của Chính phủ, mà thực chất là tiền thuế của người dân, nhưng cho phép mở rộng nguồn vốn của quốc gia cho khởi nghiệp để nắm bắt các cơ hội kinh doanh. Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh khoa học - công nghệ và phương thức kinh doanh phát triển và biến động như vũ bão, cũng như trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu đã trở nên rộng khắp, cơ hội đột phá, ít nhất là trong các ngành kinh doanh đặc biệt, mới, sáng tạo, là dành cho tất cả các quốc gia, bất kể trình độ phát triển của nền kinh tế.
Sự kết hợp của Chính phủ và tư nhân trong đầu tư khởi nghiệp còn có một lợi ích đặc biệt cho Việt Nam, một quốc gia có điều kiện phát triển thấp hơn nhiều so với các quốc gia nêu làm ví dụ trong bài, đó là khả năng hạn chế và loại trừ tham nhũng trong việc sử dụng vốn Nhà nước, do các tổ chức tư nhân có cơ chế lợi ích hợp lý và cơ chế bảo đảm nguyên tắc minh bạch trong hoạt động kinh doanh. Sự kết hợp Nhà nước và tư nhân trong thúc đẩy khởi nghiệp quốc gia cũng là bước đi cần thiết của Chính phủ trong vấn đề xóa bỏ tư duy định kiến với tính chất mạo hiểm trong kinh doanh, bởi vì, kinh nghiệm của Thế giới đã cho thấy, sự thịnh vượng của các quốc gia có đóng góp rất lớn của các đột phá khởi nghiệp thành công từ kinh doanh mạo hiểm.
Vài nét về TS. Trần Lương Sơn Sau khi nhận bằng Tiến sĩ Hóa Lý ngành Luyện kim năm 1988 tại Đại học Thép và Hợp kim Matxcơva, Liên bang Nga, TS Trần Lương Sơn làm việc tại Cục Sáng chế thuộc Bộ Khoa học Công nghệ. Ông bắt đầu sự nghiệp quản lý kinh doanh từ năm 1991 khi làm việc cho một số công ty của Australia với vị trí là Quản lý, Giám đốc, và từ năm 1995 là Partner của công ty về Luật Sở hữu Trí tuệ và Tư vấn quản lý Tran H.N. & Associates tại Hà Nội. Năm 1998, ông Sơn nhận học bổng Fulbright của Chính phủ Mỹ và theo học tại Trường Quản trị Kinh doanh Sloan thuộc Đại học Tổng hợp Massachusetts (MIT Sloan School of Management) và một học kỳ về Kinh tế vĩ mô tại Đại học Harvard. Ông nhận bằng Thạc sĩ về Quản trị Kinh doanh tại MIT Sloan với trọng tâm về Quản trị chiến lược, Chiến lược công nghệ và Khởi sự doanh nghiệp. Sau khi tốt nghiệp Trường MIT, ông làm việc tại Viện Doanh nghiệp Tư nhân - Kenan Institute of Private Enterprise, thuộc Đại học North Carolina, Mỹ. Ông Sơn cũng tham gia các chương trình đào tạo về Quản lý Sở hữu trí tuệ, Thương mại điện tử, Khởi nghiệp tại các nước Nhật Bản, Singapore, Israel, Vương quốc Anh... Vào năm 2000, ông sáng lập VietSoftware, một công ty công nghệ phần mềm tại Hà Nội. Ông Sơn cũng là một nhà khởi nghiệp kinh doanh hàng loạt với hàng chục lần khởi nghiệp, có bề dày về thành công và thất bại trong kinh doanh tại Việt Nam, với hai lần nhận được vốn từ các quỹ đầu tư cho hai công ty mà anh đồng sáng lập. Từ năm 2012, ông Sơn bắt đầu tham gia giảng dạy và thuyết trình về khởi nghiệp tại các trường đại học và các cộng đồng khởi nghiệp trẻ, và hiện nay đang làm cố vấn cho nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, đồng thời tiếp tục tham gia khởi nghiệp một số công ty mới trong nhiều lĩnh vực kinh doanh về công nghệ cao. Năm 2014, ông nhận được giải thưởng “Entrepreneur of the Year” của Trường Quản lý Kinh doanh Shidler College of Business thuộc Đại học Tổng hợp Hawaii, dành cho các doanh nhân Việt Nam thành công. |
TS. Trần Lương Sơn - ThS. Chu Thái Hòa