Việt Nam đã trở thành điểm dừng chân cho các nhà đầu tư Indonesia nhờ môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện và sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Indonesia là quốc gia đứng số 1 thế giới về xuất khẩu dầu cọ |
Tại Hội thảo “Việt Nam - Indonesia tăng cường hợp tác thương mại ngành dầu cọ và giấy”, vừa được tổ chức tại Hà Nội, ông Ibnu Hadi, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp Indonesia đang thăm dò các cơ hội kinh doanh và đầu tư tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và nhiều nơi khác của Việt Nam.
“Sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư Indonesia tới Việt Nam trong tương lai gần, bởi Việt Nam là nơi đầy hứa hẹn để nhà đầu tư Indonesia mở cơ sở sản xuất nhờ việc cắt giảm thuế quan của AEC”, ông Ibnu Hadi nhấn mạnh.
Thông tin từ Đại sứ quán Indonesia cũng cho biết, 12 nhà xuất khẩu dầu cọ lớn nhất và 14 nhà xuất khẩu giấy lớn nhất Indonesia đang có kế hoạch mở rộng thị trường xuất khẩu sang Việt Nam và dự kiến liên doanh với các DN địa phương để trực tiếp sản xuất sản phẩm tại Việt Nam.
Ông Suryana Sastradiredja, cố vấn của Đại sứ Indonesia tại Việt Nam khẳng định, các doanh nghiệp Indonesia muốn thành lập công ty liên doanh với các đối tác Việt Nam. "Hiện nay, nhiều công ty của Indonesia xem Việt Nam là một địa điểm đầu tư quan trọng", ông Suryana Sastradiredja nói.
Năm 2016, Indonesia đứng thứ 14 thế giới về xuất khẩu giấy, với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,2 tỷ USD. Indonesia cũng đứng số 1 thế giới về xuất khẩu dầu cọ, chiếm 36 triệu tấn trong tổng số 56 triệu tấn tổng xuất khẩu của toàn cầu.
Ông Phan Trọng Đạt, Giám đốc Công ty Giấy Tuyên Quang cho biết, là một doanh nghiệp chuyên sản xuất bột giấy, giấy và bìa, đã xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, Công ty không giấu ý định muốn thiết lập quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư với DN giấy của Indonesia để có thêm các cơ hội kinh doanh mới.
Bên cạnh việc gọi vốn đầu tư và hợp tác trong lĩnh vực dầu cọ và sản xuất giấy, thời gian gần đây, Việt Nam đã đón nhiều nhà đầu tư Indonesia đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư và kinh doanh thành công trong mảng thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng, bất động sản...
Chẳng hạn, Tập đoàn Japfa Comfeed Việt Nam, bắt đầu hoạt động tại Việt Nam năm 1996 thông qua hình thức liên doanh với Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam. Đến năm 1999, Japfa trở thành công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài, với Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi đóng tại thị trấn Hương Canh (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Thời gian gần đây, Japfa liên tiếp mở rộng đầu tư vào khu vực phía Nam như Long An, Bình Thuận…
Hai năm trước, công ty này đã thành lập liên doanh với Công ty Hypor B.V. (Hà Lan) hoạt động trong lĩnh vực di truyền giống heo và cung cấp heo giống cho thị trường Việt Nam. Nhà đầu tư này cho biết, kế hoạch đầu tư vào thị trường Việt Nam của họ sẽ còn tiếp tục.
Trong lĩnh vực bất động sản, không thể không nhắc đến Tập đoàn Ciputra, hoạt động từ năm 1996, thông qua liên doanh với Tổng công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng đô thị (Việt Nam) để phát triển thành công Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra Hanoi).
Trong khi đó, vốn từ Indonesia chảy vào Việt Nam qua các thương vụ mua bán - sáp nhập cũng không ngừng gia tăng, như PT Semen Gresik, Tập đoàn xi măng lớn nhất Indonesia đã chi 230 triệu USD mua lại 70% cổ phần tại Công ty Xi măng Thăng Long từ Geleximco.
Thương vụ M&A lớn thứ hai của nhà đầu tư Indonesia tại Việt Nam là việc Salim Group chi 37 triệu USD mua lại 49% cổ phần Hiệp Thanh Group - tập đoàn kinh doanh, chế biến, nuôi trồng và xuất khẩu 2 sản phẩm chiến lược của ngành nông nghiệp là gạo và thủy sản.
Tính đến ngày 20/6/2017, Indonesia có 61 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 436 triệu USD. Năm 2016, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Indonesia đạt 5,6 tỷ USD. Trong đó, giấy là mặt hàng lớn thứ ba trong số các mặt hàng Indonesia xuất khẩu sang Việt Nam, đạt 181 triệu USD. Tiếp theo là các sản phẩm dầu động vật, thực vật, với tổng kim ngạch đạt 161 triệu USD. Mục tiêu được lãnh đạo hai nước cam kết là đưa kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỷ USD vào năm 2018. |
Thế Hải / baodautu