Trước việc Tập đoàn Hòa Phát nhiều khả năng trở thành chủ đầu tư mới của dự án thép Đài Loan đang đắp chiếu ở tỉnh Quảng Ngãi, các chuyên gia kinh tế nói gì?
Tập đoàn Hòa Phát nhiều khả năng trở thành chủ đầu tư mới của dự án khu liên hợp sản xuất gang thép tại Dung Quất (Quảng Ngãi).
Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất vừa có văn bản gửi các Bộ, ngành xin ý kiến về dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép của Tập đoàn Hoà Phát tại Khu kinh tế Dung Quất. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ USD với công suất 4 triệu tấn một năm, được chia làm 2 giai đoạn, thời gian hoạt động 70 năm.
Khu liên hợp sản xuất gang thép của Tập đoàn Hòa Phát vốn là dự án nhà máy Guang Lian Dung Quất của Tập đoàn Tycoons (Đài Loan), được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép từ năm 2006. Tuy nhiên dự án này vừa bị UBND tỉnh Quảng Ngãi thu hồi do chậm tiến độ 10 năm. Từ khi cấp phép đến khi thu hồi, nhà đầu tư chỉ hoàn thiện các thủ tục dự án, xây khu ký túc xá cho nhân viên, san lấp mặt bằng một phần diện tích và đóng móng cọc các hạng mục xây dựng. Nguyên nhân đình trệ là do nhà đầu tư không đảm bảo năng lực tài chính và kinh nghiệm xây dựng.
Lãnh đạo địa phương thống nhất cho Tập đoàn Hòa Phát được tiếp quản, mua tài sản thanh lý của Guang Lian Dung Quất để tiếp tục đầu tư dự án mới.
Theo Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất, dự kiến với doanh thu hàng năm khoảng 2 tỷ USD, dự án sẽ góp phần tăng đáng kể sản lượng công nghiệp, dịch vụ, đóng góp cho ngân sách 4.000 tỷ đồng mỗi năm sau khi hoạt động hết công suất. Dự kiến sẽ có khoảng 8.000 việc làm cho lao động địa phương tại đây.
Nói về việc Hòa Phát tiếp quản dự án tỷ đô của Đài Loan, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng “đây là câu chuyện kinh doanh, mỗi ông chủ có một tầm nhìn nên họ quyết định mua hay dời bỏ”.
Theo TS. Thành, có thể doanh nghiệp Đài Loan nhận thấy thép hiện nay đã dư thừa, không còn cơ hội trong ngành thép nữa hoặc họ dự đoán giá điện của Việt Nam sẽ tăng lên, nếu đầu tư vào thép thì không có lợi nhuận như trước đây (mặc dù hiện nay điện của Việt Nam đang thấp hơn Thái Lan và Campuchia) nên họ muốn rút ra hoặc họ thiếu tiền chẳng hạn.
Mặc dù thép hiện nay đang thừa nhưng nhiều người cũng cho rằng Việt Nam vẫn có nhu cầu sản xuất thép để tự chủ, tự lực trong công nghiệp của mình.
Hơn nữa, việc mua bán các dự án cũng là điều bình thường. Liên quan đến tài sản lớn, họ tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình, với tiền của mình.
“Đây là việc kinh doanh, các ông chủ tự chủ về việc này. Có lợi nhuận thì họ hưởng, lỗ thì họ phải chịu”, TS. Thành nói.
Chính vì thế TS. Thành cho rằng nhà nước cũng nên can thiệp và các chuyên gia cũng "không nên nói ra nói vào", hãy để họ tự quyết định câu chuyện kinh doanh của mình.
Còn ông Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cũng cho hay, việc doanh nghiệp trong nước mua lại dự án của nước ngoài là tốt. Nhà máy đã tồn tại ở đấy thì ông chủ Việt Nam vẫn tốt hơn người nước ngoài.
Riêng đối với Hòa Phát, khi quyết định mua thì họ cũng phải phân tích kỹ tình hình, về công nghệ, dự án, vì sao ông Đài Loan lại bán đi… Họ thấy có lợi thì họ làm.
“Tôi biết trường hợp nhà máy mía đường ở Nghệ An công suất 6.000 tấn, năm đầu lỗ, giám đốc tự tử vì nông dân không trồng mía, không có nguyên liệu nhưng sau đó tỉnh vào cuộc, năm thứ 2 có lãi, sau đó tái cơ cấu đầu tư nên họ bán đi. Họ tính có nguy cơ người nông dân sẽ bỏ trồng mía để trồng cỏ cho bò, nguy cơ lại thiếu nguyên liệu sẽ rất nguy hiểm. Vì thế có nguyên nhân rất cụ thể, chứ không phải vì dự án kém mà họ bán đi. Cho nên Hòa Phát mua phải tìm hiểu kỹ, với công nghệ này thế nào, liệu công nghệ này có tồn tại được không, hoặc tính toán giá điện tăng…”, ông Tuyển lưu ý.
“Trên tổng thể, nhà máy đã tồn tại đó rồi thì ông chủ là người Việt Nam vẫn tốt hơn. Việc mua bán, sáp nhập là chuyện bình thường trên thị trường chúng ta cũng không hạn chế việc này”, ông Tuyển cho hay.
Diệu Thùy / Infonet