Nhiều công ty, sàn giao dịch bất động sản đóng cửa khiến thu nhập của nhân viên môi giới bị ảnh hưởng nặng nề. Vất vả nhất là môi giới mới vào nghề.
Mì gói, cơm trứng "trường kỳ" qua ngày
Anh Nguyễn Thành Minh (23 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) cho biết, anh vừa ra trường và đang làm nhân viên kinh doanh tại một công ty bất động sản, mức lương "cứng" khởi điểm chỉ 4 triệu đồng/tháng.
Anh Minh đang trong giai đoạn học việc thì dịch Covid-19 ập đến. Do chưa được phân công tiếp xúc với khách hàng nên anh chủ yếu sống nhờ vào đồng lương ít ỏi, không có tiền hoa hồng.
Môi giới bất động sản gặp nhiều khó khăn vì dịch Covid-19 (Ảnh: Đại Việt).
"Gần một tháng kể từ khi công ty tạm đóng cửa, tôi chỉ làm việc online tại nhà nên mức lương "cứng" còn 1,2 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, tôi trả tiền phòng trọ, điện, nước khoảng 800.000 đồng. Còn 400.000 đồng chỉ đủ tiêu pha dè xẻn trong một tuần", anh Minh nói.
Môi giới này kể anh thường xuyên phải ăn mì gói, cơm trứng để tiết kiệm tiền. Nhiều lúc khó khăn quá, anh phải mượn thêm tiền bạn bè để chi tiêu hoặc xin thêm gia đình để trang trải cuộc sống.
Không chỉ nhân viên môi giới mới vào nghề gặp khó khăn, những nhân viên "gạo cội" cũng chật vật với cuộc sống.
Chị Trần Thị Mỹ Hạnh (ngụ quận 10, TPHCM) làm môi giới bất động sản đã 10 năm. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm vừa qua là giai đoạn khó khăn nhất trong quãng thời gian làm nghề môi giới của chị.
Kể từ đầu năm, chị Hạnh chỉ môi giới thành công được 4 lô đất ở tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau khi chia hoa hồng cùng các đồng nghiệp, chị mang về nhà hơn 30 triệu đồng.
"Tính ra bình quân mỗi tháng tôi chỉ kiếm được khoảng 5 triệu đồng tiền hoa hồng. Lương cứng ít ỏi khiến việc chi tiêu của gia đình phải thắt chặt. Nhiều tháng, vợ chồng tôi còn không đủ tiền trả lãi ngân hàng. Chưa có khoảng thời gian nào khó khăn như năm nay" chị Hạnh nói.
Theo chị Hạnh, thời "hoàng kim" của môi giới vào năm 2017-2018. Khi đó, chị có thể kiếm được 30-40 triệu đồng/tháng nhờ thị trường sôi động. Tuy nhiên, dịch Covid-19 hoành hành đã khiến thu nhập của môi giới bất động sản bị ảnh hưởng trầm trọng.
Thị trường bất động sản có đang "tê liệt"?
Ông Huỳnh Nghĩa, đại diện một doanh nghiệp bất động sản tại quận Tân Bình, TPHCM, cho biết, số dự án mới ở TPHCM giảm mạnh đã khiến hoạt động môi giới bị ảnh hưởng rất lớn. Các doanh nghiệp chủ yếu đi phân phối dự án ở các tỉnh như Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, doanh thu cũng không đáng kể.
"Sản phẩm bất động sản ở các tỉnh lân cận TPHCM khá phong phú nhưng khách mua không nhiều. Dịch bệnh càng khiến lượng khách thêm vắng vẻ. Doanh thu của công ty tôi bị sụt giảm, đời sống của nhân viên môi giới cũng bị ảnh hưởng theo", ông Nghĩa nói.
Môi giới bất động sản qua thời "hoàng kim" (Ảnh: Đại Việt).
Theo ông Nghĩa, nhiều chủ doanh nghiệp là bạn bè ông đã tạm đóng cửa công ty vì thua lỗ kéo dài. Một số ít doanh nghiệp còn "cầm cự" được nhưng phải cắt giảm lương nhân viên, trả lại một số văn phòng.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) - dịch bệnh đang ảnh hưởng nặng nề trên diện rộng tại Việt Nam.
Hai thị trường bất động sản lớn của cả nước là TPHCM và Hà Nội cũng đang bị "tê liệt". Các hoạt động trên công trường, phát triển dự án, giao dịch mua bán… gần như "đứng yên".
Trong khi đó, việc đẩy giá bất động sản lên quá cao so với thực tế của giới "đầu cơ", đã khiến người mua không chấp nhận. Người mua và người bán không tìm được tiếng nói chung dẫn tới thị trường ngày càng ảm đạm.
Ngoài ra, một số người dân đi vay tiền để đầu tư bất động sản như "ngồi trên đống lửa" vì không bán được hàng.
"Chính vì những nguyên nhân nói trên mà thị trường bất động sản có giao dịch trầm lắng, môi giới bị ảnh hưởng thu nhập nặng nề. Các sàn giao dịch phải đóng cửa vì không có nguồn thu. Trong khi đó, các sàn giao dịch và môi giới không phải là đối tượng được ưu tiên hỗ trợ của Nhà nước", ông Đính nói.
Ông Đính thông tin, hiện nay, chỉ một số ít sàn giao dịch bất động sản có nguồn tài chính tích lũy từ trước nên mới đảm bảo thu nhập cho nhân viên. Các sàn còn lại chủ yếu cho nhân viên nghỉ việc.
Cũng theo ông, VARS đang kêu gọi Nhà nước hỗ trợ chính sách cho các doanh nghiệp như hỗ trợ chi phí đóng bảo hiểm, chi phí thuê mặt bằng... Khi các chính sách của Nhà nước tạo động lực thúc đẩy cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp mới có nguồn thu để hỗ trợ cho các nhân viên của mình.
"Chúng tôi cũng khuyên các doanh nghiệp nên cắt giảm các chi phí không cần thiết trong giai đoạn này, đẩy mạnh dịch vụ chăm sóc khách hàng trung thành. Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ, tăng chi phí tìm kiếm thị trường mới, sản phẩm mới. Thay đổi kế hoạch bán hàng, gia tăng các chiến dịch marketing online", ông Đính nói.