Việc Tập đoàn công nghệ cao AT&S (Áo) chọn Malaysia làm địa điểm sản xuất đầu tiên ở Đông Nam Á cho thấy, Việt Nam cần nhanh chân hơn nữa trong cuộc đua thu hút đầu tư FDI.
Sản xuất thấu kính tại Công ty R Technical Vietnam (Hòa Bình). Ảnh: Đức Thanh
AT&S chọn Malaysia…
Thông tin được công bố cách đây một tuần, AT&S, nhà sản xuất hàng đầu các sản phẩm bảng mạch in (PCB) và mạch tích hợp (IC) cao cấp có trụ sở chính tại Áo, đã quyết định chọn Malaysia để xây dựng nhà máy sản xuất đầu tiên ở Đông Nam Á. Ông Andreas Gerstenmayer, CEO của AT&S đã thông báo điều này trong cuộc gặp trực tuyến với Thủ tướng Malaysia YAB Tan Sri Muhyiddin Yassin vào tuần trước.
Theo kế hoạch, nhà máy mới của AT&S sẽ được đặt tại Khu công nghệ cao Kulim (bang Kedah), với tổng vốn đầu tư được đề xuất là 8,5 tỷ RM (tương đương 1,7 tỷ euro). Nhà máy này dự kiến được xây dựng vào nửa cuối năm nay, để có thể đi vào hoạt động trong năm 2024.
Cũng cần phải nhắc lại, cuối tháng 3/2021, lãnh đạo Tập đoàn AT&S đã đến Việt Nam và có cuộc gặp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (lúc đó là Thủ tướng Chính phủ), để báo cáo kế hoạch nghiên cứu đầu tư một dự án công nghệ cao quy mô tỷ USD ở Việt Nam.
Khi đó, đại diện Tập đoàn AT&S cho biết, AT&S sau 4 tháng khảo sát đã quyết định chọn Đông Nam Á là địa điểm ưu tiên để đặt nhà máy, bởi khu vực này có lợi thế gần thị trường cung cấp nguyên liệu cũng như tiêu thụ sản phẩm. AT&S khảo sát không chỉ Việt Nam, mà còn tới nhiều nước khác trong khu vực Đông Nam Á.
AT&S cũng đã nhắc đến việc phải “chạy đua với thời gian”; sẽ quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư vào tháng 4/2021 và cuối năm 2021 phải xây dựng nhà máy mới. Sau một thời gian xem xét, giờ đây, quyết định cuối cùng đã được đưa ra: AT&S đã chọn Malaysia.
Theo công bố của AT&S, bên cạnh việc sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, AT&S cũng sẽ đưa các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) về đây. “Malaysia có lợi thế là một quốc gia công nghệ và có thể trở thành một trung tâm sản xuất công nghệ cao ở châu Á”, ông Ingolf Schröder, COO của AT&S nói và cho biết, Khu công nghệ cao Kulim là “sự phù hợp hoàn hảo” với các kế hoạch mở rộng của AT&S.
Ông Ingolf Schröder cũng nhắc đến những lý do mà AT&S đã chọn Malaysia, như kết cấu hạ tầng tuyệt vời, chuỗi cung ứng ổn định, ngành công nghiệp bán dẫn đã hiện diện 30 năm qua, hệ sinh thái đã được liên kết rộng khắp trong những thập kỷ qua, môi trường kinh doanh tổng thể phát triển rất tốt.
Việt Nam phải nhanh chân hơn
Việc AT&S chọn Malaysia cho thấy, Việt Nam cần phải nhanh chân hơn nữa trong cuộc đua thu hút FDI, vốn đang nóng lên từng ngày ở khu vực Đông Nam Á.
Nhìn vào những lý do mà AT&S đưa ra để quyết định chọn Malaysia, rõ ràng, Việt Nam đang có những điểm không có lợi thế bằng Malaysia. Công nghiệp bán dẫn là một ví dụ.
Mức cam kết thấp hơn có thể phản ánh các yếu tố thời vụ, nhưng cũng thể hiện sự thận trọng của các nhà đầu tư nước ngoài do tình hình bùng phát dịch hiện nay..
Tháng 3/2021, khi tới Việt Nam, ông Ingolf Schröder cũng thẳng thẳn nói rằng, để triển khai dự án, AT&S cần ít nhất 1.500 kỹ sư và đây là một áp lực rất lớn về mặt nhân lực. Do đó, AT&S rất cần Chính phủ Việt Nam hỗ trợ nguồn nhân lực lớn này.
“AT&S sẽ sớm đưa ra quyết định đầu tư trên cơ sở xem xét các yếu tố về hạ tầng, nhân sự, chuỗi cung ứng. Công ty cũng mong Chính phủ Việt Nam thông báo sớm về các ưu đãi có thể dành cho AT&S”, đại diện của AT&S đã nói như vậy vào thời điểm đó.
Trên thực tế, sự thiếu hụt nhân lực công nghệ cao đã luôn được nhắc đến như một điểm yếu của Việt Nam, trong khi các chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt, mà Việt Nam dự kiến dành cho các dự án công nghệ cao, quy mô lớn, vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện.
Trong khi đó, các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á đang chạy đua cạnh tranh để đón đầu xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng đang ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Indonesia đang đưa ra biện pháp khuyến khích đầu tư mới để thay thế những biện pháp lỗi thời, chồng chéo và mâu thuẫn.
Thậm chí, Tổng thống Joko Widodo mới đây đã bổ nhiệm ông Bahlil Lahadalia, người đứng đầu Ban Đầu tư, trở thành lãnh đạo của Bộ Đầu tư (mới được thành lập). Ông này có quyền ban hành các quy định về khuyến khích đầu tư.
Về phần mình, Malaysia đang tạo niềm tin cho nhà đầu tư thông qua việc duy trì sự nhất quán trong các chính sách thuế. Các biện pháp khuyến khích đầu tư cũng đang được xem xét.
Thông tin cho biết, đầu tháng 4/2021, phái đoàn thương mại của Malaysia đã có chuyến thăm và làm việc với Hàn Quốc và Nhật Bản và nhận được cam kết đầu tư trị giá 3,89 tỷ USD từ các đối tác tại hai quốc gia này.
Không chỉ Indonesia, Malaysia, mà cả Thái Lan, Lào, Campuchia, Philippines đều đang có những biện pháp quan trọng để thu hút FDI, tạo động lực phục hồi kinh tế hậu đại dịch.
Việt Nam cũng đang có những nỗ lực to lớn để đón đầu dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển. Bên cạnh cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, việc Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực từ đầu năm 2021 cũng được cho là sẽ tạo thuận lợi cho Việt Nam trong thu hút FDI. Và Việt Nam vẫn đang có những thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Trong 5 tháng đầu năm, vẫn có hơn 14 tỷ USD đăng ký đầu tư vào Việt Nam, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 6/2021, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nhắc tới sự chậm lại của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
“Mức cam kết thấp hơn có thể phản ánh các yếu tố thời vụ, nhưng cũng thể hiện sự thận trọng của các nhà đầu tư nước ngoài do tình hình bùng phát dịch hiện nay”, các chuyên gia WB bày tỏ quan điểm.
Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gần đây cũng đã nhắc đến “khó khăn”, cũng như “tín hiệu về sự hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài giảm sút” và cho rằng, có nguyên nhân từ việc chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc, hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ chưa hiệu quả trong ngắn hạn.
Thêm chuyện của AT&S, càng cho thấy, Việt Nam cần nhanh chân hơn nữa và cần khẩn trương nắm bắt tình hình để điều chỉnh giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài cho phù hợp.