Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ cho phép nhập khẩu 200.000 tấn đường để đảm bảo nguồn cung đường tiêu thụ nội địa trong những tháng tới.
Đường tại kho của một nhà máy mía đường. Ảnh: TL
Đây là số lượng đường ở ngoài hạn ngạch thuế quan. Như vậy, nếu tính thêm 85.000 tấn đường mà Việt Nam phải nhập khẩu khi tham gia đàm phán WTO thì năm nay, Việt Nam sẽ nhập khẩu ít nhất 285.000 tấn đường.
Liệu nhập khẩu đường với khối lượng lớn như thế có tác động xấu đến sản xuất trong nước hay không?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký VSSA, cho biết lâu nay công việc của Bộ Công Thương là điều hành xuất nhập khẩu đường. Do đó, việc Bộ Công Thương đề nghị được nhập khẩu đường là căn cứ trên tình hình cung cầu trong nước.
“Trong vai trò của hiệp hội, chúng tôi chỉ kiến nghị rằng, đối với việc nhập khẩu đường, cơ quan quản lý cần cẩn trọng trong các đề xuất vì sẽ ảnh hưởng đến ngành sản xuất mía đường trong thời gian tới”, ông Hải cho biết.
Một nguồn tin của TBKTSG Online cho biết, trong việc nhập khẩu đường này, Bộ Công Thương cũng đã có những thận trọng nhất định. Cụ thể, trong đề nghị được nhập khẩu 200.000 tấn đường này, Bộ Công Thương đề nghị được nhập trước 120.000 tấn để thăm dò những phản ứng thị trường trước khi có quyết định nhập tiếp 80.000 tấn nữa hay không.
Theo VSSA, tính đến ngày 20-5, cả nước chỉ còn ba nhà máy đường đang hoạt động, còn những nhà máy khác đã kết thúc vụ mía đường 2015-2016. Tính đến thời điểm nói trên, tổng lượng đường mà 41 nhà máy ép được trong niên vụ mía đường nay là gần 1,2 triệu tấn.
Theo Cục chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm ngoái, trong niên vụ mía đường 2014-2015 cả nước sản xuất được hơn 1,4 triệu tấn, vốn đã giảm hơn 13% so với niên vụ 2013-2014. Như vậy, so với niên vụ 2014-2015, lượng đường sản xuất của các nhà máy giảm 200.000 tấn. Đây là năm thứ hai liên tiếp lượng đường sản xuất trong nước giảm.
Số liệu thống kê của VSSA cho thấy, trong năm qua, giá đường trên thị trường cao hơn so với năm trước. Cụ thể, tuần thứ 3 của tháng 5, giá đường trên thị trường các tỉnh thành trong cả nước dao động trong khoảng 16.400 -17.100 đồng/kg, trong khi, cùng thời kỳ này của năm 2015, giá đường trên thị trường dao động ở mức 12.750 -13.400 đồng/kg.
Ngọc Hùng / thesaigontimes.vn